Các quan chức ngoại giao Trung Quốc đang theo đuổi cái gọi là “chiến binh sói” trên Twitter để công kích chính sách của Mỹ và bảo vệ Trung Quốc, South China Morning Post cho biết.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump liên tục đổ lỗi cho Trung Quốc trên Twitter và trước báo chí. Kể từ khi dịch lan rộng ở Mỹ và châu Âu từ đầu tháng 3, cuộc chiến đổ lỗi về nguồn gốc của virus đã khiến cho các cuộc đàm phán vốn đã khó khăn càng trở nên phức tạp hơn.
Bế tắc trên mọi kênh
Đối với các vấn đề ngoại giao, các kênh không chính thức thường đóng vai trò rất quan trọng trong việc giảm thiểu sự khác biệt, thậm chí có thể giải cứu cuộc đàm phán chính thức khỏi sự đổ vỡ. Nhưng điều này giờ đây không giúp được gì.
Tổng thống Trump liên tục chỉ trích Trung Quốc trong việc gây ra đại dịch Covid-19. Ảnh: Getty. |
Đại dịch Covid-19 đã cắt đứt các cuộc gặp gỡ cá nhân, và điều đó thật tồi tệ, theo ông Wang Huiyao, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (trụ sở tại Bắc Kinh).
“Nhiều thông điệp chỉ có thể truyền tải gián tiếp bởi các phát ngôn viên và phương tiện truyền thông”, ông Wang, người có mặt trong ban cố vấn cho Hội đồng nhà nước Trung Quốc, nói.
Sự hạn chế đi lại do tác động của đại dịch đã khiến tương tác trực tiếp giữa các quan chức ngoại giao không thể thực hiện được, và việc giải tỏa căng thẳng trở nên khó khăn hơn.
“Chính phủ Trung Quốc dường như không hào hứng với các hội nghị kiểu điện thoại, hay hội nghị video kỹ thuật số, đơn cử như sử dụng ứng dụng Zoom đang phổ biến ngày nay. Dù sao đó không phải là cách mà họ vận hành”, James Green, cố vấn cao cấp tại McLarty Associates, nói.
Ông Green từng là quan chức thương mại hàng đầu tại Đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh, cho biết thêm thông điệp mà ông nghe từ chính phủ Trung Quốc qua một số kênh không chính thức chỉ là một thông tin duy nhất.
“Tại thời điểm này, phía Trung Quốc không có thông điệp nào khác ngoài cụm từ 'chúng ta cần nói chuyện'. Đó không phải là một thông điệp hấp dẫn”, ông Green nói.
Trong khi đó, Shi Yinhong, chuyên gia về các vấn đề Mỹ tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, cố vấn cho Hội đồng nhà nước, nhận định các kênh ngoại giao không chính thức giữa hai nước hiện ít có tác động vì thiếu quyết tâm chính trị của cả hai bên.
Sự nghi ngờ ngày càng tăng
Trong cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung năm 2018 và 2019, Stephen Schwarzman - người đứng đầu công ty đầu tư Blackstone Group, Hank Paulson,- cựu thư ký Bộ Tài chính, giám đốc điều hành của Goldman Sachs và John Thornton - cựu chủ tịch Goldman Sachs - đã thành lập bộ ba đối thoại giữa Phố Wall, Washington và Bắc Kinh.
Điều đó đã giúp giảm thiểu sự khác biệt và kéo các bên lại gần nhau hơn. Nhưng bây giờ, khi các công ty phải đối mặt với sự gián đoạn kinh tế lớn ở 2 bờ Thái Bình Dương, trọng tâm đã chuyển sang các mối quan tâm ngắn hạn hơn là việc tạo sự kết nối và tìm cách cải thiện mối quan hệ.
Cả Mỹ và Trung Quốc đều thiếu quyết tâm trong việc giảm thiểu sự khác biệt. Đồ họa: PTI. |
“Có quá nhiều sự hỗn loạn thương mại đến nỗi mọi người chỉ tập trung vào từng cây chứ không phải cả khu rừng”, một nguồn tin kinh doanh của Mỹ nói trong điều kiện giấu tên.
“Vẫn còn một kênh khác là sự kết nối từ Phố Wall đến Bắc Kinh. Câu hỏi đặt ra là nó có hiệu quả không. Tôi nghĩ rằng câu trả lời là không”, Jude Blanchette, học giả tại Trung tâm nghiên cứu và chiến lược quốc tế, nói.
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang tập trung vào sự cạnh tranh chiến lược và an ninh quốc gia, sẽ rất khó cho các cuộc thảo luận kiểu như thế, vì mỗi bên đều nghi ngờ nhau.
Susan Shirk, cựu phó trợ lý bộ trưởng phụ trách chính sách Trung Quốc dưới thời tổng thống Bill Clinton, nhận thấy Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị ít thoải mái và không còn thẳng thắn về quan điểm cá nhân của ông so với trước đây, khi bà gặp ông vào tháng 3/2019.
Ngoại trưởng Vương gọi các nhiếp ảnh gia và một người ghi chép cuộc trò chuyện, ông ấy nói ít hơn so với lập trường chính thức, trái ngược với các cuộc trao đổi cá nhân và thảo luận thẳng thắn hơn trong quá khứ, bà Shirk, người đã quen biết nhà ngoại giao Trung Quốc trong hơn 20 năm nhận xét.
“Quy trình chính sách đối ngoại của Trung Quốc rất bí mật và nó thực sự là một chiếc hộp đen mà chúng ta không biết nếu ông ấy thực sự báo cáo lên cấp cao hơn và đưa ra lời khuyên hay không. Chúng tôi cũng gặp khó khăn lớn từ phía Mỹ”, bà Shirk nói.
Một số học giả nổi tiếng ở Trung Quốc đã cảnh báo rằng Bắc Kinh nên thay đổi cách tiếp cận càng sớm càng tốt, trong lúc tâm lý chống Trung Quốc đang gia tăng giữa các nhà hoạch định chính sách ở Washington.
“Khi cả kênh ngoại giao chính thức và không chính thức đều áp dụng một giọng điệu tiêu cực lúc đưa tin về Mỹ, nó không có lợi cho việc chuyển hướng dư luận”, Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói. Ông đề nghị Bắc Kinh nên chỉ đạo một số phương tiện truyền thông chính thức để tạo ra sự hòa giải tốt hơn.