Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tạp chí tri thức trực tuyến

Kẻ về nhì và thái độ của người muốn nhất

Chắc chắn bản thân mình sẽ mạnh, đội bóng của mình sẽ mạnh và đất nước của mình sẽ mạnh nếu mỗi người ý thức rõ về mục tiêu, thế đứng và hành động của mình.

Kẻ về nhì và thái độ của người muốn nhất

Chắc chắn bản thân mình sẽ mạnh, đội bóng của mình sẽ mạnh và đất nước của mình sẽ mạnh nếu mỗi người ý thức rõ về mục tiêu, thế đứng và hành động của mình.

Khi vòng bán kết còn chưa tới, U23 Thái Lan đã bị loại trước Malaysia khiến tờ Bangkok Post phải trút hàng tít lớn: "Một trang tối tăm của bóng đá Thái Lan". Đến lượt U23 Việt Nam bị hạ gục trước Maylaysia trong trận chung kết, dĩ nhiên, bao trái tim hâm mộ không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng, tiếc nuối. Có những người thất vọng, quẳng cả những cờ quạt, khăn mũ... mà mình đã chuẩn bị, đáng lẽ dùng để xuống đường...!

Phản ứng của báo giới và dư luận Thái Lan về thất bại từ quá sớm của đội bóng nước họ thể hiện sự chua chát rõ ràng. Và chuyện U23 chỉ "về nhì" trong môn bóng đá nam SEA Games 25, theo logic đó, thì cũng đáng để đắng cay không kém.

Người hâm mộ có quyền thất vọng (khi đã đặt quá nhiều hy vọng), có quyền buồn tủi (khi ước mơ có Vàng một lần nữa lại xa vời), nhưng người hâm mộ (nếu thực sự là thế) không thể và không nên bỏ đi lá cờ mà mình đã lựa chọn để coi như biểu tượng cho sự tự hào của người chiến thắng. Ngay trước đó, khi Việt Nam hạ Singapore, niềm vui đã bùng lên rất khác cơ mà?

Nếu ai trách các cầu thủ Việt Nam đã chủ quan, khinh suất hoặc tự tạo (hoặc do người khác tạo) áp lực "về nhất" cho mình nên vấp phải thất bại đau đớn thì nhiều khán giả hoàn toàn có thể thấy mình cũng... say men chiến thắng theo cách tương tự. Vào lúc tỉnh táo, liệu đám đông có thể giải thích được mình thực sự đang hướng đến điều gì trong bóng đá và cần có cách ứng xử thế nào vào lúc chiến thắng cũng như khi chiến bại?

Trái bóng tròn có thể khó đoán đường lăn nhưng lòng tự hào, niềm tin yêu thì không thể ngay lập tức ngả nghiêng, lả lơi nhiều phía. Những hành động "nổ nhanh rồi sớm xịt" ngoài sân cỏ và cả trên báo chí đi kèm với đó là khó có thể chấp nhận được.

Kẻ về nhì và thái độ của người muốn nhất

Cổ động viên lủi thủi ra về sau khi đội nhà tuột mất HCV SEA Games (Ảnh: Bee.net.vn)

Thật chẳng công bằng khi thấy nhiều người theo dõi thể thao trong nước có những cách hành động bột phát, ném cờ, tháo băng đô, đốt băng rôn, quá bực bội... trước cú ngã ngựa của đội tuyển bóng đá nam U23; trong khi ngay sau đó Việt Nam đứng thứ 2 toàn đoàn, vượt chỉ tiêu với 83 huy chương vàng các môn tại SEA Games 25, thì chẳng thấy ai "xuống đường" reo hò hoan hỉ. Đành rằng bóng đá là môn thể thao vua ở nước Việt, chúng ta đã phải chờ tấm huy chương vàng mòn mỏi suốt mấy chục năm rồi, thế nhưng tinh thần vì thể thao nói chung, lòng tự hào dân tộc ở đâu sao không được bộc lộ nhất quán?

Từ vài năm nay, bóng đá Thái Lan đã không còn quá chú trọng hay mải tranh nhau trong môn bóng đá nam ở SEA Games hay Tiger Cup - AFF Cup, nơi vẫn được coi là "vùng trũng bóng đá", nơi mà cứ đến hẹn họ lại... vô địch. Dẫu vậy, sau khi Thái Lan bất ngờ thua, báo chí, dư luận nước họ vẫn không ngớt chỉ trích đội tuyển và huấn luyện viên Darby đứng trước khả năng phải ra đi. Thế nhưng Thái Lan bày tỏ sự thất vọng với tuyển U23 nước họ không có nghĩa là họ "tẩy chay" đội tuyển hay tự "hạ cờ". Họ thất vọng vì ước mơ lớn hơn của họ là bước ra châu lục chứ không phải mãi là "cường quốc thể thao khu vực" đã bị dội một gáo nước lạnh.

Còn với tuyển Việt Nam, hãy sòng phẳng trả lời ta đã thực sự sẵn sàng cho ngôi vô địch Đông Nam Á? Chắc chắn đã là người Việt thì ai cũng mong điều đó, nhưng cơ sở nào cho điều đó sớm đến và được bảo toàn thì phải chứng minh rõ. Một khi đã đủ niềm tin thì xin chớ vội vứt cờ!

Hôm nay chưa tới đỉnh vinh quang thì còn đó mục tiêu để cố gắng nhiều hơn cho cuộc trường chinh và ngày mai sẽ chỉ tới khi trên hành trình leo dốc, người ta không nản chí bỏ dở cuộc chơi, mà quyết tâm dựng cờ chiến thắng đến cùng. Bài học của leo lúi cũng có thể là bài học cho bóng đá - môn thể thao mà người Việt Nam luôn tự hào là mình có lòng say mê chẳng thua gì người dân Brazil - đất nước có bóng đá xếp hàng đầu.

Kẻ về nhì và thái độ của người muốn nhất

Chức vô địch bóng đá nam SEA Games có ý nghĩa quá lớn với người Việt? (Ảnh: VTC News)

Giả sử hôm nay VN lần thứ hai trong lịch sử vô địch môn bóng đá nam tại SEA Games, sau 50 mòn mỏi đợi chờ. Điều đó có nghĩa là mục tiêu bây giờ sẽ là giữ vững ngôi vô địch, để không bị... thua một cách bất ngờ, tức tưởi như nhà vô địch nhiều năm liền Thái Lan.

Nhưng như thế liệu chúng ta có dám tự tin khẳng định mình đã là nhất khu vực, đã vượt lên cái "ao làng" bóng đá? Từ đó, ta có đủ năng lực - điều kiện - sự ổn định - tinh thần bứt phá để tiến vào châu lục và ra thế giới? Vô địch đấy, nhưng sẽ chẳng dễ dàng có được điều đó (nếu không phải nhờ ăn may kểu trái bòng tròn) khi chúng ta chưa thực sự sẵn sàng.

Thành tích nào thì cũng chỉ vững chắc và đáng tự hào khi bắt nguồn từ thực lực và được trao cho người xứng đáng nhất. Khi còn chưa tin mình sẽ làm nên chuyện, vào hôm nay hoặc ngày mai, đơn giản rũ bỏ ngay niềm tin, niềm tự hào mong manh của mình, thì khi ấy sẽ như câu thơ một dạo cụ Tản Đà đã cảnh tỉnh xưa kia: "Dân hai lăm triệu ai người lớn, nước mấy ngàn năm vẫn trẻ con".

Chắc chắn bản thân mình sẽ mạnh, đội bóng của mình sẽ mạnh và đất nước của mình sẽ mạnh nếu mỗi người ý thức rõ về mục tiêu, thế đứng và hành động của mình.

Kẻ về nhì và thái độ của người muốn nhất

"Áo đỏ buồn không thắm/ Cờ nằm trên ghế sầu..."

Đêm trước 17/12, đi trên đường phố Hà Nội thấy khắp các con phố người xe nườm nượp với cờ đỏ tung bay, chiêng chống vang lừng. Không khí huyên náo đã từng có không ít lần trước đó là để ăn mừng chức vô địch của đội tuyển bóng đá nữ tại SEA Games 25, trước đó nữa là ăn mừng tuyển nam thắng Singapore giòn giã. Vào thời gian tương tự tối hôm sau, không ít lá cờ, tiếng trống và lời hô vang "Việt Nam! Việt Nam!" đã... nằm bẹp ở nơi nào! (Mặc dù vẫn còn thấy được một vài nhóm bạn trẻ ôm cờ chầm chậm đi trên phố).

Điều đó xem ra rất khác thuở xưa, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, rồi đồng bào và chiến sĩ cả nước đã cùng chung chí hướng, đồng sức đồng lòng: "Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, nhưng nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập tự do. Đến ngày chiến thắng, nhân dân sẽ xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn".

Người ta sẽ còn nhớ rất lâu đêm 17/12 ấy, sau khi trái bóng khẽ chạm chân của một cầu thủ áo trắng rồi lăn vào lưới tuyển U23 Việt Nam, thủ môn Tấn Tường bật khóc như mưa. Hàng vạn cổ động viên chẳng quản đường xá xa xôi sang Lào để chờ đợi nhìn thấy màu vàng lấp lánh sẽ còn nhớ rất lâu cảm giác bàng hoàng. Chủ tịch VFF sau đó đã phải thay mặt Ban huấn luyện, các cầu thủ gửi lời xin lỗi người hâm mộ vì thành tich của đội bóng đã không được như kỳ vọng.

"Mất cơ hội giành HCV là rất đáng tiếc, nhưng chúng ta cũng cần phải thông cảm với các tuyển thủ. Trong trận Chung kết tất cả đã thi đấu tích cực và hết mình, chỉ tiếc là mọi thứ lại không được như tính toán..." - đại diện VFF nói. Chắn hẳn sẽ có không ít người sẽ thông cảm với các cầu thủ vì đã thấy họ thi đấu vì màu cờ sắc áo. Và lớn hơn sự cảm thông sẽ là sự sẻ chia - điều luôn cần đến cả khi có niềm vui cũng như lúc gặp chuyện buồn.

Xưa nay, người nhất luôn được tung hô còn kẻ về nhì may chăng được một chút an ủi. Nhưng khó có thể nói về nhì là may hay rủi, khi cuộc đời là một đường đua rất dài, người về nhì có cơ hội được lùi về sau một bước, bình tĩnh, không áp lực để nhìn nhận, soi xét lại bản thân mình...

Nếu trong bóng đá có "fair play" thì công chúng mộ điệu cũng cần có lối ứng xử đẹp thường trực, không cần ai vinh danh, xét giải. Cuộc chơi hoặc cuộc đua nào cũng có người về nhất, còn với lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc thì sẽ chỉ có nhiệt huyết, lối thể hiện văn hóa chứ không có thứ hạng nhất hay nhì.

Theo Tuanvietnam

Theo Tuanvietnam

Bạn có thể quan tâm