Khả năng diễn đạt tốt không chỉ giúp người ta thành công mà còn mang lại hạnh phúc. Có nghiên cứu cho thấy, những người tính cách vui vẻ, biết ăn nói, thường hài lòng với cuộc sống hơn những người ăn nói vụng về.
Nhưng rốt cuộc, làm thế nào có được khả năng diễn đạt tốt? Trên thực tế, khả năng biểu đạt của tuyệt đại đa số mọi người không hề kém, chỉ là họ chưa biết cách vận dụng. Cuốn Biết ăn nói chẳng lo thua thiệt của tác giả Li Jing sẽ giúp bạn xử lý khéo léo các tình huống khó xử.
Được sự đồng ý của Nhã Nam, Zing trích một phần cuốn sách gửi tới độc giả.
Khổng Tử từng kể một câu chuyện. Có một vị tướng quân tên là Mạnh Chi Phản. Khi bại trận, ông đã dũng cảm cầm đầu một toán quân hòng bày trận và chặn hậu cho những người khác rút lui.
Đợi tất cả về thành an toàn rồi, mọi người hết lời ca ngợi, ông chỉ nói: “Không phải tôi dũng cảm, mà thực ra tại con ngựa của tôi không chịu phi!”.
Sự dũng cảm của Mạnh Chi Phản ai cũng thấy rõ, nhưng ông không hề vì thế mà tỏ ra kiêu căng tự phụ, ngược lại lựa chọn khiêm tốn, vì thế mà mọi người lại càng yêu mến ông hơn.
Cần thể hiện đúng lúc
Nói chuyện cũng vậy, những người tự cao, tự đại, thích thể hiện rất khó để lại ấn tượng tốt cho người khác.
Tiểu Lương tốt nghiệp một trường đại học nổi tiếng, giỏi giang xuất chúng. Khi mới đi làm, đồng nghiệp đều rất quý anh. Ấy vậy mà chỉ được vài tháng, Tiểu Lương phát hiện đồng nghiệp dần xa lánh mình. Thậm chí, cấp trên cũng thường xuyên làm khó anh ta. Sự thay đổi này làm Tiểu Lương cảm thấy khó hiểu.
Hóa ra, anh ta là người thích thể hiện, lại không được khiêm tốn cho lắm, vì thế mọi người đều không muốn gần gũi. Có lần, máy tính của một đồng nghiệp gặp vấn đề, phải nhờ người đến sửa giúp.
Tiểu Lương ngồi bên cạnh rất nhiệt tình, ngay lập tức giằng lấy dụng cụ rồi nhanh nhẹn mở máy tính ra, vừa sửa vừa nói với người đồng nghiệp đó: “Có mỗi việc đơn giản thế này mà cũng không biết làm, cậu dốt quá đi mất!”. Sửa xong máy tính, người đồng nghiệp đó vội vàng cảm ơn, nhưng trong lòng rất khó chịu.
Dù giỏi giang đến mấy, bạn cũng khó được mọi người quý mến nếu như tự cao, tự đại. Ảnh: The Ladders. |
Những chuyện tương tự như vậy xảy ra rất nhiều lần, mọi người trong công ty ngày càng cảm thấy không thoải mái. Nói thẳng ra là, Tiểu Lương tốt tính, cũng chịu khó làm việc, chỉ có điều nói năng không chú ý, vì thế mà mọi người không thích anh ta.
Có thể thấy, con người ta nên thể hiện vừa phải, không nên phát ngôn bừa bãi. Những lúc quan trọng cần phải làm mình nổi bật để thu hút sự chú ý của người khác nhưng có lúc cũng phải biết thu mình lại, biết lịch sự, khiêm tốn.
Nếu khi nào cũng ra vẻ như mình là nhất rồi hạ thấp người khác thì không ổn chút nào. Làm người phải biết khiêm tốn, đối xử với ai hay làm việc gì cũng không nên ngạo mạn, nếu không, sẽ bị xa lánh chê cười.
Nói ngắn gọn thì khiêm tốn chính là đức tính cần phải có để thành công và được mọi người tôn trọng.
Giá trị của sự khiêm tốn
Thời Xuân Thu, Yến Anh nhậm chức tướng quốc ở nước Tề. Một hôm Yến Anh ngồi xe ngựa ra phố. Trên xe có che một chiếc dù lớn, phu xe điều khiển ngựa mặt nghênh ngang đắc ý.
Vợ của phu xe nhìn qua khe cửa thấy bộ dạng ngông nghênh của chồng mình. Lúc sau, phu xe về, người vợ xin đi khỏi nhà. Phu xe hỏi: “Tại sao nàng lại muốn đi?”.
Người vợ trả lời: “Yến Tử thân chỉ cao sáu thước, nhưng lại là tướng quốc, tiếng tăm lừng lẫy, hôm nay thiếp nhìn ra thấy ông ấy điềm đạm, khiêm tốn, cẩn trọng, còn chàng thân cao tám thước, chỉ là một phu xe mà lại tự cho mình là tài giỏi, cho nên thiếp muốn đi khỏi nhà”.
Nghe lời vợ nói, phu xe cảm thấy hổ thẹn. Từ đó về sau biết cung kính khiêm nhường hơn. Yến Anh rất ngạc nhiên trước sự thay đổi của phu xe, bèn gặng hỏi, phu xe thành thật kể lại đầu đuôi câu chuyện, thế là Yến Anh tiến cử anh ta đi làm những việc quan trọng hơn.
Sống thành thật khiêm tốn, không có ai cho bạn là người thấp hèn, nhu nhược với bất tài. Nếu bạn tự coi mình là một viên ngọc thì luôn tiềm ẩn nguy cơ bị dập vùi. Do đó, chúng ta nên nghiêm túc xem xét lại chính mình, tìm được vị trí của mình, và hãy tự hỏi xem mình là ai.
Do nhu cầu tự nhiên, người ta đều muốn người khác chú ý đến mình, không thích bị lãng quên, đây là nhược điểm của con người. Tuyệt đại đa số mọi người không chỉ thích mọi người chú ý, mà thậm chí còn cho rằng mình tài giỏi hơn người, dẫn đến kiêu ngạo tự mãn.
Đến cuối cùng mới phát hiện ra mình cũng chẳng hơn ai, thành ra suy sụp chán chường. Muốn ít gặp thất vọng hay khó xử thì đừng coi trọng mình quá, khiêm tốn một chút vẫn hơn. Nếu quá coi trọng bản thân, thì cho dù không thấy mệt mỏi cũng khó tránh khỏi những chuyện khó xử trong giao tiếp.
Cho dù chúng ta có thể phấn khích trước những lời tâng bốc, nhưng không ai thích người tự cao, tự đại cả. Chúng ta có thể tự động viên mình, nhưng tuyệt đối không được cho mình là nhất, tỏ vẻ thông minh. Nói năng khiêm tốn sẽ khiến cho mọi người yêu thích bạn. Ngược lại, thể hiện một cách ngông cuồng sẽ khiến người khác dị nghị và phản cảm.