Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đi ăn, đêm tân hôn cũng cắm mặt sống ảo

Trên 30% số tranh dự thi giải Biếm họa báo chí - Cúp Rồng Tre đã chọn đề tài văn hóa ứng xử trên mạng xã hội, phản ánh vấn đề nhức nhối của toàn xã hội.

Ước tính Việt Nam có 58 triệu người dùng Facebook. TP.HCM nằm trong Top 6 thành phố có người dùng mạng xã hội này đông nhất, với 14 triệu. Theo khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hơn 97% trong số 424 học sinh 15-18 tuổi được hỏi đang sử dụng Facebook.

Lối sống ảo đã xâm nhập vào nhiều người. “Trong cuộc họp, yêu cầu biểu quyết thì cử tọa đồng loạt biểu quyết bằng cách like trên Facebook, ngay cả các cặp đôi khi đi ăn với nhau, khi hôn nhau, thậm chí trong đêm tân hôn cũng cắm mặt vào smartphone”, thông báo tổng kết giải Biếm họa báo chí viết.

Thông báo trên được đưa ra trong buổi lễ trao giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre lần thứ V-2018 tại Thông tấn xã Việt Nam (Hà Nội) chiều 11/1.

Ung xu tren mang xa hoi la de tai nong anh 1
Tác phẩm Chực chờ đạt giải nhất cuộc thi. 

Việc “câu like”, ném đá người khác trên mạng xã hội, tin đồn trên mạng đang truy sát các nạn nhân bất hạnh… là những câu chuyện hàng ngày đã được các họa sĩ biếm thể hiện sinh động.

Bằng hình ảnh bắp ngô bị những hình người mang khuôn mặt smartphone giằng co biến thành bỏng, tác giả Nguyễn Mạnh Tiến gợi tới câu chuyện đời tư trở thành món ăn nhanh trên mạng xã hội.

Họa sĩ Hữu Lộc vẽ những con người như các con rối, để cộng đồng giật dây, “xúi” họ đánh nhau bằng cây gậy Facebook. Hoặc tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Đức Trí chỉ đưa ra câu chuyện nhỏ bé của một thanh niên chăm mẹ ốm, nhưng mang tính phản tỉnh mạnh mẽ.

Mẹ ốm, thanh niên không chăm, ngồi online, và đưa lên mạng dòng trạng thái: “Mẹ chóng lành bệnh mẹ nhé!”, để rồi nhận vô số like, love và tự sướng với trạng thái ảo của mình.

Họa sĩ Lê Diệu Bang đưa ra hình ảnh biểu tượng Facebook được xếp bằng rất nhiều que diêm, bên cạnh đó là một người dùng đang chờ chực tung lên một thông tin “hot”.

Hình ảnh người dùng mạng xã hội được ví như một ngòi nổ, nếu người ấy không biết kiềm chế, thông tin, hình ảnh mình đưa lên có thể khiến là một quả bom sát thương người khác.

Đây là tác phẩm được trao giải nhất, theo họa sĩ Thành Chương là xứng đáng cả về tạo hình lẫn thông điệp, trở thành “hoa hậu” của cuộc thi.

Bên cạnh câu chuyện ứng xử trên mạng xã hội, văn hóa ứng xử trong giao thông, trong bệnh viện, học đường… là những vấn đề nổi cộm được các họa sĩ biếm quan tâm.

Giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre lần thứ V-2018 với chủ đề “Ứng xử văn hóa, xã hội văn minh” do báo Thể thao Văn hóa phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tổ chức.

Sau 8 tháng phát động (từ tháng 4-12/2018), cuộc thi thu hút khoảng 400 tác phẩm dự thi. Hội đồng giám khảo đã trao 1 giải nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba, 4 giải Khuyến khích.

60 tác phẩm tiêu biểu đã được chọn để triển lãm tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia, số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội ngày 11/1. Trong hai ngày cuối tuần 12-13/1, triển lãm sẽ được mang ra phố đi bộ Hồ Gươm (trước tòa nhà số 2 Lê Thái Tổ) để lan tỏa thông điệp cuộc thi tới cộng đồng.

Ung xu tren mang xa hoi la de tai nong anh 2
Tác phẩm của họa sĩ Mạnh Tiến. 

Ông Lê Quốc Minh - Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam - cho biết giải Biếm họa báo chí Việt Nam - Cúp Rồng Tre là sự kiện quan trọng, thúc đẩy thể loại của báo chí phát triển.

“Hơn 400 tác phẩm không phải con số nhiều. Chúng tôi hy vọng khi báo Thể thao Văn hóa nối lại thể loại này, trong các năm tới, sự tham gia của các họa sĩ nghiệp dư và chuyên nghiệp sẽ tăng lên.

Ông Hồ Quang Lợi - Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, thành viên Ban giám khảo - cho biết 1/3 tác phẩm dự thi nói về hành xử trên mạng xã hội cho thấy đây là vấn đề rất nóng hiện nay.

Ngoài ứng xử lệch lạc, thiếu văn minh, còn là những trường hợp vi phạm pháp luật, tin giả… Vì thế, các họa sĩ đã gióng một hồi chuông cảnh tỉnh hiện trạng này bằng ngôn ngữ đầy sức nặng của thể loại biếm họa báo chí. 

'Việt Pun' - chơi chữ kiểu 9X

Với sự thông minh, linh hoạt trong ngôn ngữ, tác giả 9X của sách “Việt Pun” chứng minh giới trẻ có thể sử dụng tiếng Việt phong phú, dí dỏm và hiện đại.



Tần Tần

Bạn có thể quan tâm