Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Kế thừa sự nghiệp của GS.TS Trần Văn Khê

Số tiền bán được từ cuốn “Trần Văn Khê: Trăm năm Tâm và Nghiệp” sẽ được gây quỹ học bổng và giải thưởng mang tên nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc này.

Ngày 15/1, Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM phối hợp Bảo tàng TP.HCM và nhóm thân hữu của cố GS.TS Trần Văn Khê tổ chức buổi ra mắt cuốn sách Trần Văn Khê: Trăm năm Tâm và Nghiệp tại TP.HCM.

Sách Trần Văn Khê: Trăm năm Tâm và Nghiệp. Ảnh: Thu Huệ.
GS.TS Tran Van Khe anh 1
GS.TS Tran Van Khe anh 1

Sách Trần Văn Khê: Trăm năm Tâm và Nghiệp. Ảnh: Thu Huệ.

Gìn giữ nền âm nhạc dân tộc

Sáu năm sau ngày GS.TS Trần Văn Khê qua đời (2015), năm 2021, Quỹ học bổng Trần Văn Khê chính thức được thành lập theo di nguyện của ông. Mục đích của quỹ là động viên, khuyến khích theo đuổi hoạt động nghiên cứu, bảo tồn và học tập âm nhạc dân tộc.

Do dịch Covid-19 kéo dài, kế hoạch xét, trao giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê năm đầu tiên đã không thể thực hiện. Song có thể thấy sự nghiệp nghiên cứu, quảng bá âm nhạc dân tộc mà ông để lại đã có những dấu mốc tích cực trong việc giữ gìn, phát huy từ thế hệ trẻ.

Hội đồng chuyên môn của Quỹ học bổng và Giải thưởng Trần Văn Khê hàng năm sẽ xem xét và trao học bổng, giải thưởng cho các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, sinh viên trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc trên phạm vi cả nước.

Theo đó, mỗi người mua sách Trần Văn Khê: Trăm năm Tâm và Nghiệp sẽ trở thành một nhà hảo tâm của Quỹ học bổng và Giải thưởng Trần Văn Khê.

Cuốn sách gồm hai phần với 58 bài viết của 48 tác giả. Các tác giả đã cố gắng lột tả nhiều khía cạnh, chân dung GS.TS Trần Văn Khê - một trí thức, nghệ sĩ khiêm nhường, yêu văn hóa dân tộc.

Họ là những nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu, nghệ sĩ, môn sinh của GS.TS Trần Văn Khê. Một số tên tuổi có thể kể đến như: Nhà nghiên cứu sử học Dương Trung Quốc, NSND Kim Cương, nhà báo Nguyễn Thế Thanh, TS Mai Mỹ Duyên, đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng…

Những bài viết trong sách đã thể hiện tình cảm, sự đánh giá của các nhà hoạt động văn hóa đặc biệt là trong lĩnh vực âm nhạc dành cho con người và sự nghiệp đáng kính trọng của GS.TS Trần Văn Khê - người đã cho rằng âm nhạc dân tộc Việt Nam “rất đẹp, rất quý, rất độc đáo”.

Nghệ sĩ uyên bác

Nhạc sĩ, PGS.TS Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học nghệ thuật - cho rằng sự ra đi của GS.TS Trần Văn Khê là tổn thất lớn lao đối với nền văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Sự nghiệp và nhân cách của ông là tấm gương sáng cho các thế hệ văn - nghệ sĩ noi theo.

GS.TS Tran Van Khe anh 2

GS.TS Trần Văn Khê. Ảnh: Nguyễn Á.

Nhà báo Nguyễn Thế Thanh cũng nhận định GS.TS Trần Văn Khê đã đóng góp những gì có thể “để người ở lại hoàn toàn có thể xây dựng được một địa chỉ có giá trị văn hóa. Địa chỉ ấy không chỉ có sách báo để tra cứu, có phim để xem, có hiện vật để nhìn ngắm mà còn có hơi ấm của một con người nổi tiếng suốt đời chỉ làm một công việc gìn giữ và miệt mài quảng bá cho âm nhạc dân tộc”.

Trong lời giới thiệu cuốn sách, nhà báo Trần Trọng Thức viết: “Hành trang ông mang theo trong các chuyến đi không chỉ là những kiến thức uyên thâm chia sẻ trên các giảng đường đại học, mà còn là những bài thuyết trình sâu sắc trong các hội nghị quốc tế với cương vị một nhà văn hóa châu Á”.

Bà Phạm Dương Mỹ Thu Huyền - Giám đốc Bảo tàng TP.HCM - thông tin đơn vị của bà đã tiếp nhận trên 450 thùng tài liệu của GS.TS Trần Văn Khê. Sau khi kiểm kê, phân loại, bảo tàng được giao nhiệm vụ trực tiếp giữ gìn, bảo quản tài liệu, hiện vật của ông.

“Bảo tàng TP.HCM hiện gìn giữ, bảo quản trên 54.000 tài liệu, hiện vật của GS.TS Trần Văn Khê gồm sách, báo, tạp chí và tài liệu nghiên cứu, hình ảnh, nhạc cụ, băng đĩa, phim, đồ lưu niệm và đồ dùng sinh hoạt”, bà Huyền cho biết.

Cũng trong buổi ra mắt sách kết hợp bán sách góp Quỹ học bổng và Giải thưởng Trần Văn Khê, NSND Kim Cương, đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, TS Hồ Tường cùng nhiều thân hữu đã chia sẻ những kỷ niệm khó quên về GS.TS Trần Văn Khê.

NSND Kim Cương nói: “Ông thường nói nền văn hóa nào cũng có quê hương của nó. Là nghệ sĩ, hãy cố gắng giữ gìn, phát huy nền văn hóa của dân tộc”.

Bà cho rằng việc thế hệ ngày nay cùng nhau góp phần thực hiện di nguyện của GS.TS Trần Văn Khê là cách để tiếp sức cho dòng chảy văn hóa, âm nhạc dân tộc Việt và các di sản được thế giới công nhận sống mãi với thời gian.

Trần Văn Khê là nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng ở Việt Nam. Ông là tiến sĩ ngành âm nhạc học tại Pháp và giáo sư tại Đại học Sorbonne (Pháp), thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc quốc tế.

Hơn nửa đời sống ở nước ngoài, các chuyên đề nghiên cứu và đào tạo của Trần Văn Khê về đờn ca tài tử, cải lương Việt Nam đã được giới âm nhạc quốc tế đánh giá cao.

Từ sự đánh giá đó, nhiều bộ môn văn hóa - nghệ thuật dân tộc với sự góp sức của ông đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới như: Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ Bắc Ninh, Đờn ca tài tử Nam Bộ…

Ông đã được trao tặng Giải thưởng âm nhạc của UNESCO (1981); huân chương Nghệ thuật - Văn chương của Bộ Văn hóa Pháp (1991); Viện sĩ Thông tấn của Viện hàn lâm Khoa học, Văn hóa, Nghệ thuật châu Âu (1993); Huân chương Lao động hạng Nhất (1999)…

Bài liên quan

Thế giới âm nhạc qua những cuốn sách

Thế giới âm nhạc qua những cuốn sách

“Wham! - George & tôi: Hồi kí”, “Những nốt nhạc tỉnh thức”, “Nhạc cổ điển: Những mảnh ghép sắc màu” là các tác phẩm dành cho người yêu âm nhạc.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm