Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Kẻ thù ở đây' - giận dữ bùng phát ở Iran sau vụ bắn nhầm máy bay

Biểu tình diễn ra tại Iran ngày thứ hai liên tiếp, phản đối giới lãnh đạo sau vụ bắn nhầm máy bay Ukraine International chở 176 người trên vùng trời Tehran.

bieu tinh sau vu ban nham may bay anh 1

Đại sứ Anh ngày 12/1 bị người biểu tình ủng hộ chính phủ đòi trục xuất vì tham gia buổi thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân trên chuyến bay PS752 của hãng hàng không Ukraine International. Chiếc máy bay bị phòng không Iran bắn nhầm vào sáng 8/1 khiến 176 người chết. Đại sứ Anh bị bắt giữ sau khi sự kiện tưởng niệm nạn nhân leo thang thành biểu tình chống chính phủ và Lãnh đạo Tối cao Ayatollah Ali Khamenei. Ảnh: AP.

bieu tinh sau vu ban nham may bay anh 2

Hàng chục người ủng hộ chính phủ tập trung trước tòa nhà, thể hiện sự phẫn nộ sau khi Đại sứ Anh Rob Macaire bị cảnh sát tạm giữ trong một thời gian ngắn vì tham gia biểu tình bất hợp pháp. Ông xác nhận có mặt tại buổi cầu nguyện đêm 11/1 nhưng không biết sẽ có biểu tình chống chính phủ. Người biểu tình ủng hộ chính phủ kêu gọi trục xuất đại sứ và đóng cửa đại sứ quán Anh. Trong ảnh, cảnh sát chống bạo động tập trung trước Đại sứ quán Anh ngày 12/1. Ảnh: AP.

bieu tinh sau vu ban nham may bay anh 3

Iran lại đối diện một đợt khủng hoảng chính trị mới sau khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) rạng sáng 8/1 bắn nhầm chiếc Boeing 737-800 chở 176 người của Ukraine. Giới lãnh đạo Iran không lập tức nhận trách nhiệm mà thông báo tai nạn hàng không do lỗi động cơ. Sau khi truyền thông quốc tế và chính phủ Canada chính thức cáo buộc Iran bắn rơi máy bay thương mại, Tehran mới thông báo vụ việc là "sai lầm con người". IRGC cho biết phòng không nhầm máy bay với tên lửa hành trình của Mỹ. Ảnh: AFP.

bieu tinh sau vu ban nham may bay anh 4

An ninh được siết chặt trên đường phố thủ đô Tehran trước phản ứng giận dữ của người dân. Nhiều cuộc biểu tình nhỏ vẫn nổ ra, đặc biệt là biểu tình ở các trường đại học. Sinh viên Iran lên án hành vi sát hại dân thường vô tội trong thảm họa Ukraine International và việc giới lãnh đạo Iran cố tình phủ nhận sự thật, đưa ra các tuyên bố sai lệch trong gần 72 tiếng sau đó. Ảnh: AFP.

bieu tinh sau vu ban nham may bay anh 5

Người biểu tình tham gia buổi thắp nến cầu nguyện cho 176 nạn nhân trên chuyến bay PS752 trước cửa Đại học Amri Kabir tại Tehran. Sự kiện nhanh chóng trở thành biểu tình chống chính phủ. Sinh viên đòi các lãnh đạo Iran phải từ bỏ quyền lực khi phản bội niềm tin của người dân. Họ nói với chúng ta rằng nước Mỹ là kẻ thù, nhưng thật ra kẻ thù của chúng ta đang ở đây", sinh viên tại Đại học Shahid Beheshti phẫn nộ cáo buộc. Ảnh: ISNA.

bieu tinh sau vu ban nham may bay anh 6

Biểu tình nổ ra ở nhiều thành phố khác trên khắp Iran, bao gồm cả Tabriz, Shiraz và Kermanshah, theo Guardian. Người biểu tình phản đối các lực lượng bảo vệ giới lãnh đạo, so sánh IRGC và các lực lượng bán quân sự được chống lưng với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Căng thẳng leo thang vào đêm 12/1. Nhiều xe tải chở lực lượng an ninh đổ về quảng trường Azadi ở Tehran. Ảnh: Rex.

bieu tinh sau vu ban nham may bay anh 7

Hàng trăm người biểu tình đổ về quảng trường thành phố, tuần hành qua các trạm tàu điện ngầm và trên các tuyến đường trung tâm, hát các bài hát cách mạng và hô khẩu hiệu phản đối giới cầm quyền. Ảnh: Getty.

bieu tinh sau vu ban nham may bay anh 8

Các cuộc biểu tình của sinh viên cũng được đưa tin trên một số hãng truyền thông nhà nước của Iran, theo Reuters. "Hãy xin lỗi và từ chức", tờ nhật báo trung lập Etemad của Iran đăng bài xã luận ngày 12/1, khẳng định "mệnh lệnh của nhân dân" là những người có trách nhiệm trong vụ khủng hoảng và che giấu sự thật phải từ chức. Làn sóng phẫn nộ bùng phát chỉ hơn 1 tháng sau đợt biểu tình giá xăng. Ảnh: Getty.

bieu tinh sau vu ban nham may bay anh 9

Sức ép xã hội tiếp tục gia tăng lên giới lãnh đạo Iran, trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia bị bao vây bởi các lệnh cấm vận của Mỹ. Nhiều nguồn tin tình báo của Mỹ cho rằng Iran đã mở cuộc trấn áp biểu tình mạnh tay nhất lịch sử vào tháng 11/2019 khi người dân từ phản đối giá xăng tăng đã leo thang biểu tình chống chính phủ. Tiết lộ với Reuters, 3 quan chức bộ nội vụ Iran nói số người thiệt mạng có thể lên đến 1.500, trong khi các nhóm nhân quyền quốc tế đưa ra con số thấp hơn còn chính quyền Tehran bác bỏ mọi cáo buộc. Ảnh: AFP.

bieu tinh sau vu ban nham may bay anh 10

Trong hai ngày vừa qua, người biểu tình phần lớn đều trùm kín đầu hoặc mang vải che mặt để tránh nguy cơ bị nhận diện bởi camera an ninh và rủi ro bị truy lùng. Các nhóm hoạt động nhân quyền quốc tế tiếp tục kêu gọi chính phủ Iran không lạm dụng vũ lực. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đăng tải trên Twitter lời đề nghị giới lãnh đạo Iran "đừng giết người biểu tình của nước các ông". Ảnh: Reuters.

Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm