Little Sheep là biệt danh của một trung sĩ thuộc lực lượng đặc biệt KSK, lực lượng tinh nhuệ nhất của quân đội Đức. Khi đột kích vào tư gia của Little Sheep trong chiến dịch hồi tháng 5, cảnh sát tìm thấy 2 kg chất nổ dẻo PETN, một thiết bị kích nổ, một súng AK-47, một ống giảm thanh, hai con dao, một cung tên, hàng nghìn viên đạn được chôn trong vườn, đa phần được cho là đánh cắp từ kho vũ khí của quân đội.
Thế nhưng, điều khiến cảnh sát Đức quan tâm nhất là một ấn phẩm âm nhạc thuộc về lực lượng SS, lực lượng tác chiến tinh nhuệ của phát xít Đức từ Chiến tranh thế giới 2, cùng 14 ấn phẩm tạp chí dành cho các thành viên SS và nhiều tài liệu khác của chế độ Quốc xã.
"Hắn ta đã lên kế hoạch, và đây không phải trường hợp duy nhất", Eva Hogl, thành viên Ủy ban Các lực lượng vũ trang của Quốc hội Đức, cho biết, theo New York Times.
Hiện thực không thể làm ngơ
Nhiều năm qua, các chính trị gia và giới chức an ninh đã phủ nhận khả năng về sự xâm nhập của tư tưởng cực hữu trong hàng ngũ an ninh, khi cho rằng chỉ tồn tại các vụ việc đơn lẻ. Ý tưởng về mạng lưới những kẻ cực hữu trong lực lượng an ninh thường bị gạt đi.
Nhưng nay, chính phủ Đức đang dần thức tỉnh. Số lượng những kẻ cực đoan trong quân đội và cảnh sát, một số ăn vũ khí và chất nổ từ đơn vị, đang gia tăng đáng báo động. Các quan chức tình báo và chỉ huy quân đội cấp cao đang dần thừa nhận một vấn đề đã trở thành mối hiểm họa quá lớn nếu tiếp tục làm ngơ.
Từ khi đảng Sự lựa chọn khác cho nước Đức (AfD) nổi lên với tư tưởng cực hữu, lợi dụng làn sóng di cư từ Trung Đông và châu Phi, và mới đây nhất là đại dịch virus corona, tình trạng cực đoan hóa trong nội bộ nước Đức càng trở nên đáng báo động.
Điều khiến giới chức Đức đau đầu nhất là những phần tử cực đoan có xu hướng tập trung ở các đơn vị quân đội tinh nhuệ nhất, đắc lực nhất của chính phủ, lực lượng đặc nhiệm KSK.
Các thành phần cực đoan đã xâm nhập vào lực lượng KSK tinh nhuệ của Đức. Ảnh: Reuters. |
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp Karrenbauer hôm 1/7 đã tuyên bố giải tán một trong 4 đại đội của KSK, và cho biết lực lượng này đã bị những thành phần cực hữu xâm nhập. Little Sheep là thành viên của đại đội bị giải tán.
Khoảng 48.000 viên đạn, 62 kg thuộc nổ, đã biến mất khỏi kho quân trang của KSK, bà Karrenbauer cho biết.
Cơ quan tình báo quân sự Đức đang điều tra hơn 600 binh sĩ nghi ngờ mang tư tưởng cực đoan, trong tổng số 184.000 binh sĩ cả nước. 20 trong số binh sĩ bị nghi ngờ thuộc lực lượng KSK, tỷ lệ cao gấp 5 lần bất cứ đơn vị nào khác.
Tuy nhiên, giới chức Đức lo ngại tình hình thực tế còn tồi tệ hơn, và các đơn vị an ninh khác cũng đã bị xâm nhập. Trong 13 tháng qua, các phần tử khủng bố cực hữu đã ám sát một chính trị gia, tấn công một giáo đường và bắn chết 9 người nhập cư.
Thomas Haldenwang, giám đốc cơ quan tình báo nội địa quốc gia Đức, đã xác định chủ nghĩa cực hữu cực đoan và khủng bố là "mối đe dọa nghiêm trọng nhất với nền dân chủ Đức hiện nay".
Nhiều quan chức quân sự và tình báo miêu tả đã hình thành mạng lưới quốc gia của các binh sĩ và sĩ quan cảnh sát đang tại ngũ hoặc đã về hưu có liên hệ với phe cực hữu. Nhiều người sử dụng những mạng lưới này để chuẩn bị cho thời điểm mà họ dự báo là khi trật tự dân chủ tại Đức sụp đổ, hay được gọi là Ngày X.
Giới chức an ninh Đức lo ngại đây là tiền đề để kích động càng vụ tấn công khủng bố, hay tồi tệ hơn, một âm mưu đảo chính lật đổ nền dân chủ.
"Với những kẻ cực hữu, việc chuẩn bị cho Ngày X và con đường dẫn tới ngày ấy đang hòa làm một", Martina Renner, thành viên ủy ban an ninh nội địa Quốc hội Đức, cho biết.
Theo các quan chức an ninh, những kẻ cực đoan đang tích trữ vũ khí, xây dựng nhà an toàn, và đôi khi lên danh sách các chính trị gia kẻ thù cần bị tiêu diệt.
Một số hãng truyền thông Đức liên hệ những gì đang diễn ra với "đội quân trong bóng tối", hiện tượng xảy ra vào thập niên 1920, khi những thành phần chủ nghĩa dân tộc trong quân đội Đức tích trữ vũ khí, lên kế hoạch đảo chính và âm mưu lật đổ nền dân chủ.
Sự biến chất của KSK
Bên trong trường bắn của lực lượng KSK, mùi thuốc súng nồng nặc, vỏ đạn rơi đầy dưới sàn nhà. Một binh sĩ trong trang phục ngụy trang với súng trường tấn công G36 liên tiếp tấn công các mục tiêu, bắn vào đầu và vào ngực. Không một viên đạn nào bắn trượt mục tiêu.
KSK từ lâu đã là sự tự hào, và là câu trả lời của Đức đối với lực lượng SEALS của Hải quân Mỹ. Thế nhưng, con dao sắc bén mang tên KSK lại đang làm khó cho Tướng Markus Kreitmayr, tổng chỉ huy lực lượng đặc biệt này. Tướng Kreitmayr giờ đứng trước bài toán khó phải thừa nhận vấn đề đang nghiêm trọng tồn tại bên trong KSK.
"Tôi không thể giải thích vì sao có quá nhiều vụ việc cực hữu cực đoan trong quân đội. KSK rõ ràng bị tác động nhiều hơn các đơn vị khác, đó là một thực tế", Kreitmayr nói. Viên tướng chỉ huy KSK đã phải tiến hành cuộc thẩm vấn dài 4 giờ đồng hồ liên quan tới một bữa tiệc nơi các binh sĩ sử dụng kiểu chào của Hitler.
Tướng Kreitmayr cho biết "một tỷ lệ lớn" binh sĩ của KSK đến từ miền Đông nước Đức, khu vực mà đảng AfD có tầm ảnh hưởng lớn. Khoảng một nửa binh sĩ của KSK bị nghi là phần tử cực hữu cũng xuất thân từ các bang miền Đông, Tướng Kreitmayr nói.
Tướng Markus Kreitmayr, tổng chỉ huy lực lượng KSK. Ảnh: Getty. |
Tướng Kreitmayr cho biết không thể loại trừ đã có sự xâm nhập nghiêm trọng của tư tưởng cực hữu bên trong các đơn vị quân đội Đức, dù rằng không chắc chắn về khả năng tồn tại "một quân đội trong bóng tối" như từng xảy ra trong quá khứ.
Công tác điều tra nội bộ của quân đội Đức cũng đang trở thành một vấn đề, bởi ngay cả cơ quan phản gián quân đội, phụ trách giám sát các phần tử cực đoan bên trong lực lượng vũ trang, cũng có thể đã bị tự tưởng cực hữu xâm nhập.
Tháng 6 vừa qua, một điều tra viên cấp cao đã bị đình chỉ công tác sau khi bị phát hiện chia sẻ tài liệu mật với một đầu mối thuộc KSK, kẻ sau đó chuyển tài liệu này tới 8 binh sĩ khác, cảnh báo việc các bĩ sĩ này có thể trở thành mục tiêu theo dõi của cơ quan an ninh.
"Đây là những đối tượng khó đối phó, họ biết cách tránh né sự giám sát bởi họ được đào tạo để tiến hành giám sát lẫn nhau. Cái chúng ta đang phải đối phó là kẻ thù bên trong nội bộ", Stephan Kramer, giám đốc cơ quan tình báo bang Thuringia, cho biết.
Các quan chức Đức cho biết đã sự thay đổi có thể cảm nhận được "về các giá trị" đối với tân binh nhập ngũ. Trong nhiều cuộc đối thoại, các binh sĩ cho biết dấu mốc thay đổi thế giới quan của họ là cuộc khủng hoảng nhập cư năm 2015. Khi hàng trăm nghìn người tị nạn từ Syria và Afghanistan đổ về nước Đức, tâm lý lo âu bao trùm các căn cứ.
"Binh sĩ chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ đất nước, và rồi họ chỉ đơn giản là mở cửa biên giới, không hề có sự kiểm soát. Đó là điểm giới hạn đối với chúng tôi", Andre Schmitt, cựu thành viên lực lượng KSK, cho biết.
Thời điểm đó, Andre Schmitt, biệt danh là Hannibal, một binh sĩ của KSK, đã lập một kênh liên lạc Telegram, nơi các binh sĩ đồng đội, sĩ quan cảnh sát và nhiều thành phần khác cùng tham gia và chia sẻ sự lo ngại làn sóng người di cư sẽ hủy hoại nước Đức.
Mạng lưới của Hannibal
Schmitt rời khỏi quân ngũ vào tháng 9/2019, sau khi nhà chức trách phát hiện lựu đạn huấn luyện bị đánh cắp tại tư gia của cha mẹ người này. Tuy nhiên, mạng lưới do Schmitt lập ra vẫn tồn tại.
"Lực lượng đặc biệt, tình báo, giám đốc doanh nghiệp, người làm nghề tự do", Schmitt miêu tả về thành viên mạng lưới của mình. Mạng lưới của Schmitt tổ chức gặp mặt thường xuyên, tại một ngôi nhà ở vùng nông thôn miền Đông nước Đức. Ngôi nhà an toàn này thuộc sở hữu của một trong những người ủng hộ giàu có, Schmitt tiết lộ.
"Chúng tôi giống như một đại gia đình, tất cả mọi người đều biết nhau", Schmitt nói.
Khi lập ra kênh Telegram năm 2015, Schmitt chia thành các khu vực địa lý Đông, Tây, Nam, Bắc, như cách phân chia của quân đội Đức. Schmitt cũng lập ra một nhóm có tên Uniter, tổ chức cho những thành viên làm việc trong lĩnh vực an ninh để đào tạo hoạt động bán vũ trang.
Một số cựu thành viên kênh Telegram của Schmitt hiện nằm trong diện điều tra vì lên kế hoạch khủng bố. Một số khác đã chết.
Tình thế của Schmitt phức tạp hơn. Schmitt cho biết ông từng cung cấp thông tin về KSK cho cơ quan phản gián quân đội từ giữa năm 2017, và có những cuộc gặp thường xuyên với một sĩ quan liên lạc. Quân đội hiện tài trợ để Schmitt lấy một bằng cấp về kinh doanh.
Khóa huấn luyện tự vệ chiến thuật do Uniter tổ chức vào tháng 3 tại bang North Rhine-Westphalia. Ảnh: New York Times. |
Bản thân Schmitt chưa từng bị đưa vào diện tình nghi về tư tưởng cực đoan. Giới chức Đức phủ nhận bảo vệ Schmitt. Tuy nhiên, cơ quan tình báo Đức tuần qua cho biết đã đưa mạng lưới Uniter của Schmitt vào danh sách giám sát.
Cơ quan chức năng Đức lần đầu theo dõi các mạng lưới của Schmitt vào năm 2017 khi tiến hành điều tra một binh sĩ tình nghi tổ chức âm mưu khủng bố.
Các điều tra viên hiện tập trung xác định liệu các kênh Telegram và nhóm Uniter có phải là tiền thân của một mạng lưới cực hữu toàn quốc và có xâm nhập vào các cơ quan chính phủ hay không.
Trong bản tường trình với cảnh sát năm 2017, Schmitt cho biết các mạng lưới được lập ra nhằm chia sẻ thông tin về những mối đe dọa từ người nhập cư. Tuy nhiên, Schmitt thừa nhận một số thông tin đã bị thổi phồng để "thôi thúc" các thành viên của mạng lưới.
Các kênh Telegram được binh sĩ KSK tham gia rộng rãi. Schmitt cho biết có tới gần 70 thành viên là đồng đội của mình thuộc KSK tham gia mạng lưới từ năm 2015.
Các kênh Telegram sau đó, từ nơi chia sẻ thông tin, trở thành diễn đàn để các thành viên chuẩn bị cho Ngày X. Schmitt miêu tả các kênh này giống như "giả lập chiến tranh", khi châu Âu bị đe dọa bởi các băng đảng tội phạm, bởi Hồi giáo cực đoan hay phong trào cánh tả Antifa.
Scmitt cho biết mạng lưới của mình giúp các thành viên chuẩn bị cho cái mà ông mô tả là cuộc xung đột không thể tranh khỏi.
"Ngày X của mỗi người khác nhau. Với người này thì nó là ngày hôm nay, với người khác thì nó lại là một ngày khác. Đó đơn giản là ngày người ta bắt đầu kế hoạch của họ", Schmitt nói.
Các thành viên kênh Telegram gặp nhau trong đời thực, cùng xây dựng kế hoạch hành động, tích trữ vũ khí và chuẩn bị nhà an toàn. Một số nhà an toàn đã được cơ quan chức năng Đức phát hiện, một trong số đó là căn cứ quân sự ở Calw. Thành viên của Schmitt luyện tập các nhận ra đồng đội, sử dụng mật mã quân sự, tại các điểm tập kết trong Ngày X.
Ngày 21/3/2016, một thành viên kênh Telegram tên Matze viết về một điểm tập kết gần Nuremberg, cho biết "vũ khí và quân trang đã sẵn sàng cho cuộc chiến". Không lâu sau đó, Schmitt gửi đi thông điệp trên kênh liên lạc, cho biết đã quy tụ được 2.000 thành viên ở trong và bên ngoài nước Đức.
Schmitt phủ nhận đang lên kế hoạch để tiến hành cái gọi là Ngày X, tuy nhiên cho biết sự tin tưởng ngày này sẽ sớm đến nhờ đại dịch Covid-19.
"Nhờ có các nguồn tin trong hệ thống ngân hàng và tình báo, tôi biết vào cuối tháng 9, nền kinh tế sẽ sụp đổ. Mất khả năng thanh toán và thất nghiệp quy mô lớn sẽ xảy ra, người dân sẽ xuống đường", Scmitt tuyên bố.
Hành lang lịch sử
Cổng sau tòa nhà chính tại căn cứ quân sự ở Calw dẫn tới một hành lang dài có tên "Hành lang lịch sử", nơi trưng bày hiện vật của KSK sau 25 năm hoạt động.
Trong tất cả những hiện vật tại đó, người ta không thấy bất cứ dấu vết nào của Reinhard Gunzel, viên tướng từng là người sáng lập của KSK. Gunzel bị loại ngũ vào năm 2003 sau khi viết bức thư bày tỏ sự ủng hộ đối với bài phát biểu mang tư tưởng bài Do Thái của một nhà lập pháp bảo thủ.
Tướng Gunzel sau đó xuất bản cuốn sách có tên "Những chiến binh bí mật", trong đó ông đặt lực lượng KSK trong truyền thống của đơn vị đặc biệt khét tiếng dưới thời Đức Quốc xã từng tiến hành những tội ác chiến tranh, bao gồm thảm sát người Do Thái. Giờ đây, Gunzel đã trở thành một diễn ra nổi tiếng tại các sự kiện cực hữu.
"Điều chúng ta có ở đây đó là một trong những chỉ huy sáng lập của KSK trở thành người ủng hộ của phong trào Cánh hữu Mới", Christian Weissgerber, tác giả cuốn sách về tư tưởng tân phát xít bên trong quân đội, cho biết.
Đảng cực hữu AfD đang ngày càng có nhiều ảnh hưởng tại Đức. Ảnh: Getty. |
Cánh hữu Mới là phong trào với sự tham gia của nhiều nhà hoạt động trẻ, các trí thức, và đảng cực hữu AfD. Hoạt động của Cánh hữu mới khiến tướng Kreitmayr lo ngại. Nhà lập pháp từng có bài phát biểu chống Do Thái nhận được sự ủng hộ của tướng Gunzel năm 2003 giờ là đại diện của AfD tại Quốc hội Đức.
"Chúng ta có đại diện lãnh đạo của những đảng phái như AfD, nói những điều không chỉ khiến người ta buồn nôn, mà nó rõ ràng là tư tưởng cực hữu, cực đoan", Tướng Kreitmayr nói.
Các binh sĩ không thể miễn nhiễm trước sự thay đổi trong văn hóa của đất nước. Mới đây, một tướng lĩnh quân đội đã trở thành ứng cử viên đại diện của AfD trong cuộc bầu cử một chức thị trưởng. Nhiều cựu sĩ quan quân đội đã trở thành đại diện của AfD tại Quốc hội Đức.