Được sự đồng ý của alphabooks - đơn vị giữ bản quyền - Zing trích đăng cuốn sách "Vật lý của những điều tưởng chừng bất khả" của tác giả Michio Kaku.
Với máy MRI, sẽ đến một ngày các nhà khoa học có thể giải mã những nét đại cương của các suy nghĩ trong bộ não. Bài kiểm tra “đọc ý nghĩ” đơn giản nhất là dùng nó để xác định ai đó có nói dối hay không.
Tương truyền, chiếc máy phát hiện nói dối đầu tiên trên thế giới được một giáo sĩ Ấn Độ tạo ra vài thế kỷ trước. Ông cho nghi phạm cùng một “con lừa thần” vào phòng kín, và yêu cầu khi vào phòng, nghi phạm hãy nắm lấy đuôi con lừa. Nếu con lừa phát ra tiếng kêu thì nghĩa là nghi phạm nói dối. Nếu con lừa vẫn im lặng thì tức là nghi phạm nói thật. (Thật ra, vị giáo sĩ đã bí mật bôi nhọ nồi lên đuôi lừa từ trước).
Khi được đưa ra khỏi phòng, nghi phạm thường tuyên bố rằng mình vô tội vì con lừa không phát ra tiếng kêu khi mình nắm đuôi nó. Lúc bấy giờ, giáo sĩ sẽ kiểm tra bàn tay nghi phạm. Nếu tay hắn sạch sẽ thì nghĩa là hắn nói dối. (Đôi khi việc dọa dùng máy kiểm tra nói dối còn hiệu quả hơn cả chính chiếc máy ấy).
“Con lừa thần” đầu tiên trong lịch sử hiện đại được tạo ra vào năm 1913, khi nhà tâm lý học William Marston phân tích thấy huyết áp con người thường tăng khi họ nói dối. (Quan sát này thực ra có nguồn gốc từ thời xưa; khi đó một nghi phạm bị chất vấn trong lúc một điều tra viên nắm tay hắn). Ý tưởng này nhanh chóng được đón nhận và không lâu sau đó, Bộ Quốc phòng Mỹ đã thành lập Viện Nghiên cứu Nói dối sử dụng phương pháp đo điện tim.
Nhưng sau nhiều năm, người ta ngày càng thấy rõ rằng các thiết bị phát hiện nói dối như vậy có thể bị những kẻ rối loạn nhân cách qua mặt vì họ vốn chẳng hề ăn năn trước tội ác của mình. Nổi tiếng nhất là trường hợp của điệp viên hai mang Aldrich Ames của CIA - kẻ đã đút túi bộn tiền của Liên Xô do tiết lộ bí mật của hạm đội tàu hạt nhân Mỹ, và gửi cho chính phủ nước này mã số của các điệp viên Mỹ, dẫn đến cái chết của nhiều người. Ames dễ dàng vượt qua hàng loạt bài kiểm tra nói dối của CIA từ năm này qua năm khác. Một trường hợp tương tự là tên giết người hàng loạt Gary Ridgway - kẻ được biết đến với biệt danh Kẻ thủ ác Sông Xanh khét tiếng - đã giết hại 50 phụ nữ.
Năm 2003, Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ đã đưa ra một báo cáo gay gắt về độ tin cậy của các thiết bị phát hiện nói dối, liệt kê tất cả các khả năng mà loại thiết bị này có thể bị qua mặt khiến người vô tội bị kết án oan.
Nhưng nếu máy phát hiện nói dối xác định được mức độ lo âu thì liệu nó có thể đo đạc được chính bộ não hay không? Ý tưởng về việc khám phá cách thức hoạt động của bộ não để phát hiện nói dối đã xuất hiện hơn hai thập niên trước khi Peter Rosenfeld thuộc Đại học Northwestern quan sát thấy hình ảnh quét điện não đồ ở thang sóng P300 của một người đang nói dối rất khác so với hình ảnh tương ứng của những người đang nói thực. (Sóng P300 thường được kích thích khi bộ não gặp các vấn đề lạ thường).
Ý tưởng sử dụng máy quét MRI để nhận biết nói dối là đứa con tinh thần của Daniel Langleben thuộc Đại học Pennsylvania. Năm 1999, ông tình cờ đọc được một bài nghiên cứu rằng trẻ bị hội chứng rối loạn giảm chú ý (ADD) sẽ khó lòng nói dối, nhưng từ kinh nghiệm của mình ông biết điều này là sai; những đứa trẻ này không có vấn đề gì về khả năng nói dối, mà khó khăn thực sự của chúng là kiềm chế nói thật.
“Chúng sẽ buột ra những lời nói thật”, Langleben cho biết. Ông phỏng đoán rằng để nói dối, trước tiên não phải dừng những ý nghĩ trung thực rồi sau đó mới tạo ra những lời nói dối. “Khi nói dối có chủ đích, ta đồng thời phải giữ sự thật trong đầu mình. Điều này khiến não phải hoạt động nhiều hơn. Nói cách khác, dối trá là một việc khó”.
Thông qua những thí nghiệm nói dối với sinh viên của mình, Langleben sớm nhận ra rằng khi nói dối, một vài khu vực não sẽ hoạt động mạnh hơn, như thùy trán (nơi tập trung những suy nghĩ phức tạp), thùy thái dương và hệ viền (nơi diễn ra hoạt động cảm xúc). Đặc biệt, ông chủ ý đến hoạt động bất thường trong vùng não hồi đai phía trước (khu vực gắn liền với hoạt động giải quyết các xung đột và kiềm chế các phản ứng).
Ông tuyên bố chắc nịch rằng phương pháp của mình thành công đến 99% trong các thí nghiệm xác định nói dối có kiểm soát (trong thí nghiệm, ông yêu cầu các sinh viên nói dối về những lá bài trong tay họ).
Mối quan tâm dành cho công nghệ này trở nên rõ ràng khi hai dự án thương mại được khởi động, cung cấp cho công chúng dịch vụ xác định nói dối. Năm 2007, công ty No Lie MRI đã nhận vụ đầu tiên, trong đó một người kiện công ty bảo hiểm vì bị công ty này cho là cố tình đốt tiệm ăn của mình. (Máy fMRI đã cho thấy anh ta không chủ đích gây ra vụ hỏa hoạn).
Những người khởi xướng công nghệ Langleben tuyên bố kỹ thuật của họ đáng tin cậy hơn nhiều so với máy phát hiện nói dối kiểu cũ, vì việc thay đổi hình trạng của bộ não vượt quá khả năng của con người. Con người có thể rèn luyện để điều khiển nhịp tim và việc tiết mồ hôi, nhưng không thể điều khiển hình trạng của bộ não. Những người khởi xướng tự tin rằng trong thời đại khủng bố gia tăng như hiện nay, công nghệ Langleben có thể cứu mạng nhiều người nhờ sớm phát hiện ra những tên khủng bố.
Dù thừa nhận công nghệ này có tỷ lệ thành công khá cao trong việc nhận biết nói dối, nhưng giới phê bình cũng chỉ ta rằng máy fMRI không thực sự phát hiện nói dối mà chỉ xác định các hoạt động tăng cường của bộ não khi người ta nói dối. Thiết bị này có thể cho kết quả sai lệch, chẳng hạn như khi một người nói thật nhưng lại đang trong trạng thái lo âu cao độ. Máy fMRI chỉ dò thấy cảm giác lo âu chứ không thực sự cho thấy người đó có đang nói dối hay không.
“Người ta khát khao đến khó tin việc được sở hữu những công cụ có thể tách biệt sự thật khỏi những điều dối trá, khoa học phải chịu trách nhiệm cho việc này”, nhà sinh học thần kinh Steven Hyman thuộc Đại học Harvard cảnh báo.
Một số nhà phê bình lại lo ngại rằng cũng giống như khả năng ngoại cảm, máy phát hiện nói dối có thể khiến các tương tác xã hội thông thường trở nên căng thẳng, bởi đôi khi nói dối giúp xã hội vận hành trơn tru hơn. Chẳng hạn, uy tín của chúng ta có thể bị lung lay nếu tất cả những lời khen tặng mà chúng ta dành cho ông chủ, cấp trên, vợ hoặc chồng, người yêu hay đồng nghiệp, bị phơi bày ra là toàn những lời dối trá.
Thậm chí, máy phát hiện nói dối còn có thể tiết lộ những bí mật gia đình, cảm xúc thầm kín, mộng tưởng bị kìm nén và cả các kế hoạch bí mật. Như lời của cây bút chuyên viết về khoa học David Jones, một thiết bị phát hiện nói dối thực sự “giống như một quả bom nguyên tử, tốt nhất nên được dự trữ như một vũ khí tối thượng. Nếu thiết bị này lọt ra ngoài phòng xử án, nó sẽ khiến đời sống xã hội bị đảo lộn toàn diện”.