Trước hết, ta thử hỏi “THÚ CHƠI SÁCH là gì?”
Xin đáp: Thú chơi sách là một thú nhàn; đóng cửa tháp ngà thưởng thức chuyện cung trăng, hoặc giở trang sách tìm người trong xuân mộng. Nói như vậy cũng còn chưa đủ: nhà chơi sách chẳng những đọc mà thôi, còn mân mê cuốn sách, rờ rẫm cái bìa êm-ái, vuốt ve trang giấy mịn màng, gởi hết tâm tư vào đó, một lòng gắn bó thiết tha tưởng còn hơn các phong lưu công tử đời xưa tiếp kiến nhân-tình bằng xương bằng thịt!
Thi sĩ Pétrarque nước Ý, một buổi chiều giữa thế kỷ thứ XIV, nhơn nói đến sách, có thốt câu nầy, tuy cầu kỳ nhưng chí lý:
J’ai des amis de tout âge et de tout pays... ils ne sont jamais importuns et répondent immédiatement à toutes mes questions. Quelques-uns me racontent les événements d’autrefois ou me révèlent les secrets de la nature. Ceux-ci m’apprennent à vivre, ceux-là à mourir... Je puis me fier à eux en toutes circonstances. En retour de tous ces services, ils me demandent seulement de leur offrir une place convenable dans un coin de ma modeste demeure où ils puissent reposer en paix...
(LEO LARGUIER, de l’Académie Goncourt)
“Tôi có bằng hữu đủ hạng người và thuộc đủ các nước. Bạn không khi nào phiền nhiễu tôi, và một khi tôi hỏi han điều gì, vẫn có câu trả lời túc trực. Có bạn nhắc tôi những dĩ vãng êm đềm năm cũ, có bạn chỉ tôi những huyền diệu trong vũ trụ hiện thời. Bạn dạy tôi sống cho phải đường, bạn dạy tôi chết cho phải cách. Trong những bước đời éo le bối rối, tôi đều có thể trông cậy vào y, và những người bạn quí ấy, chỉ cầu xin có được một chỗ yên tịnh, nhỏ gọn trong vuông phòng thanh-nhã của tôi, là đủ hài lòng”. (Thuật theo Léo Larguier và trích lục trong bài tựa sách mẫu rao hàng của nhà bán sách Mercure, tháng năm năm 1939).
Những bạn ấy, khỏi cần nói ai cũng đoán biết, đúng là những pho sách xinh xinh sắp thứ tự trong thư viện quí của tác giả.
Một nữ sĩ Pháp, không ai lạ hơn là bà George Sand, khi nói đến sách, có một câu đày kinh nghiệm : “Sách là những bạn chí thành, không bao giờ biết phản bội”. Câu nói ý nhị, khi tự một mỹ nhân thốt ra.
Nhưng tưởng không cần trưng dẫn điển tích xa xuôi, vì ở Á Đông há chẳng có câu “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc”. Tạm dịch "Trong sách, có ẩn nàng con gái, dung nhan tơ ngọc”. Một câu bóng bẩy để khuyên ta ráng học cho mau thành tài, khi ấy, tất nhiên rất dễ kiếm vợ đẹp, sang, giàu có đủ. Một lời nói bông lơn, thế mà, thú thật, vì quá mê Liêu Trai, thần thoại và quá tín phục cuốn sách, nên ba mươi năm về trước, khi còn độc thân, tôi đã vội tin bằng lời, đến nỗi không đêm nào là không kính cẩn lật từ trang một cố tìm mỹ nhân!
Mỹ nhân đầu không thấy, chỉ thấy thời gian trôi mau: bao nhiêu chua cay hiện ra trước mặt: răng thưa, mắt lờ, mớ tóc năm nào đen lánh nay đã nửa trắng nửa vàng, cõi lòng se lại bao nhiêu, mà “trước sau nào thấy bóng người?”. Tuy vậy, tật cũ khó chừa, và nếu ai chịu khó tìm đến nhà, sẽ bắt gặp, đêm nảo đêm nao, cũng vẫn mân mê xấp giấy chữ in : nay già rồi, chẳng những ước ao người đẹp trong thơ, lại còn muốn nghe giọng oanh vàng ẩn núp giữa hai trang sách cũ!
Tranh The Bibliophile của họa sĩ người Anh Charles Spencelayh (1865-1958). Nguồn: mutualart. |
Bây giờ đến lượt ta thử hỏi: “Nhà chơi sách là gì?"
Xin đáp: Nhà chơi sách là người ham chuộng, mê thích và chuyên sưu tầm sách.
Nói như vậy cũng tạm tạm được, chớ chưa đúng hẳn, vì cần nên phân biệt:
1) hạng mê sách, nhưng chỉ mê sách hay và sách lạ (le vrai bibliophile). Đào Duy Anh giải thích nghĩa “Bibliophile là người ham chơi sách lạ”.
Đào Đăng Vỹ chua dài dòng: “Bibliophile là người quí sách, yêu sách, người sưu tầm sách quí sách lạ để đọc”.
Nói sao thì nói, theo tôi khó giải nghĩa chữ “bibliophile” cho cùng tột. Người “bibliophile” có tánh ưa sách, ưa tìm sách, đành rồi, nhưng ưa có nhiều cách: ưa vì ham mộ đứng đắn khác với ưa vì say mê ngu tối. Bởi muốn giữ thể diện và bởi tư vị thể thống người đồng điệu, nên khó tả “bibliophile” cho cạn lời.
“Người bibliophile”, mà tôi đây là một, tôi tự hiểu lấy tôi, thì “bibliophile” là kẻ si tình vì sách, nhất là đối với loại sách lạ hiếm có, loại in khéo, bìa đẹp..., duy sách “bibliophile” có đức tính riêng là biết phân biệt sách hay sách dở, không khéo lậm thêm chút xíu nữa thì “bibliophile” sẽ lẫn lộn với các đồng chí nầy:
2) đừng lầm “bibliophile” với người mê sách mà không phân biệt sách nào với sách nào (billiomane).
Đào Duy Anh dịch: “người hay cất sách, người nghiện sách, người thư cuồng”.
Đào Đăng Vỹ lại ghi: “người ham mê sự sưu tập sách vở, ham mê về tàng thư tịch”.
Tôi xin nhấn mạnh: nếu bibliomane bớt tính gàn thì trở nên bibliophile không khó, vì cả hai đều có óc khác hơn người thường: lậm nhiều là một tật, nhưng lậm ít ít lại là một đức tính tốt, cần phải có trong người chơi sách chính danh.
3) Cả hai rất khác xa một nhân vật thứ ba là anh “bibliomaniaque”, tạm dịch là “người điên sách”.
Tự điển Đào Duy Anh không thích rõ nghĩa bibliomaniaque là gì, và dạy xem qua chữ bibliomanie. Tìm đến chữ nầy, thấy chua: “Bibliomanie là tính nghiện sách, thư cuồng”.
Đào Đăng Vỹ ghi: “thuộc về sự ham mê sưu tập sách vở”.
Tóm lại, bibliomaniaque còn ở trong vòng lẩn quẩn, ít người biết, tuy tên đã được ghi từ lâu trong đại từ điển Littré.