Kẻ lãng du (Le Grand Meaulnes) xuất bản một năm trước Thế chiến I (1913), là tác phẩm của kẻ khổng lồ (grand) cuối cùng của chủ nghĩa lãng mạn. Đây cũng là tiểu thuyết duy nhất của Alain Fournier. Nhà văn đã tử trận từ những ngày đầu của cuộc chiến khi mới 27 tuổi.
Kẻ lãng du do Nhà xuất bản văn học ấn hành. Ảnh:ST |
Kẻ lãng du bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ giữa hai người bạn, “tôi” – Francois Seurel, con ông giáo làng; và đại ca Meaulnes, kẻ “khuấy đảo cả thời niên thiếu” của bọn học trò thôn quê bằng sức hút kỳ lạ của hình tượng tuổi trẻ: đẹp, thâm trầm, luôn ngưỡng vọng về những cuộc phiêu lưu.
Bỗng một ngày, theo tiếng gọi, Meaulnes vô tình lạc vào một lâu đài bí ẩn, choáng ngợp bởi nàng de Galais, rồi bặt hình bóng nàng ngay tối hôm ấy. Tám năm tiếp sau là hành trình đằng đẵng khắp nước Pháp để tìm lại bóng hồng.
Chàng Meaulnes chỉ kịp thốt lên “Cô đẹp quá”, rồi mất tám năm ròng tìm kiếm tung tích của nàng. Lần gặp thứ hai ngắn ngủi, “nàng con gái nhỏ xinh đẹp” đã thành vợ kẻ khác và có hai con. Sau tám năm ấy, Alain viết “Xa cô, tôi không thiết sống”. Niềm sầu muộn thiết tha ấy được chuyển vào những cảnh đẹp nhất trong Kẻ lãng du như khi Meaulnes thấy nàng Yvone de Galais.
Có lúc tưởng rất gần, bên khung kính trắng xóa ở Paris “băng đọng trên mái tóc nàng, khuôn mặt trông nghiêng với những nét tuyệt đẹp đang cúi gần ngọn lửa”, nhưng đó chỉ là tưởng tượng của chàng trai si tình. Rồi Meaulnes cũng gặp lại người xưa, quỳ xuống cầu hôn nàng. Ngay sáng hôm sau, chàng đã bắt đầu một chuyến phiêu lưu mới, thứ mãi mãi chia lìa cả hai trong tuyệt vọng.
Cuộc đời tiểu thuyết gia trẻ tuổi Alain Fourmier, mong manh và bất tử như mối tình của nhân vật Meaulnes trong tiểu thuyết này. Đó là mối tình anh dành cho người con gái thoáng gặp bên bờ sông Seine để rồi khắc khoải, đưa vào cuốn tiểu thuyết những xúc cảm tinh tế nhất.
Tiểu thuyết Kẻ lãng mạn ca ngợi tuổi trẻ. |
Phiêu lưu và tình yêu trong Kẻ lãng du là ẩn dụ về thứ lớn hơn bản thân chúng, ẩn dụ về khát vọng của tuổi trẻ. Qua chuyến hành trình, điều Meaulnes tìm thấy không chỉ là một cô gái cụ thể, mà tìm thấy bản ngã của mình, kẻ luôn khát vọng về những điều lớn lao và dù con đường tìm kiếm chúng trên bản đồ thật mịt mờ vô định. “Kẻ lãng du” mãi thanh xuân bởi tuổi trẻ mãi theo đuổi cái tuyệt-mỹ-ở-phía-trước “chỉ có cái chết mới tìm lại được cái đẹp thuở trước kia”.
Kẻ lãng du cũng dành những trang đẹp nhất cho tình bạn, thứ lớn lao được xác lập bởi “chúng tôi đã thề, bởi vì, cho dù còn nhỏ tuổi, nhưng những gì quan trọng và đúng đắn hơn bình thường đều làm cho chúng tôi thật sự say mê”.
Nếu tình yêu của Kẻ lãng du huyền ảo và mong manh thì tình bạn lại chân thành và bền vững, như chốn thôn quê bình yên cho gã trai ngông cuồng trở về sau cuộc phiêu lưu.
Khác với “tôi”, giống như nhân vật Nick Carraway trong Gatsby vĩ đại (tác phẩm chịu ảnh hưởng lớn từ Kẻ lãng du), chàng trai Francois Seurel không hề mờ nhạt, không chỉ biết đắm mình trong hào quang mê đắm của “vai chính”.
Đó còn là mặt bên kia của tuổi trẻ ngông cuồng. Seurel tận tụy, hiền hậu, nồng ấm; sửa soạn những chuyến đi cho Meaulnes, chăm sóc nàng de Galais như một người anh. Và cuối cùng, chàng phải cầm bàn tay nóng ran của “nàng tiên, vị công chúa, mối tình kỳ bí của cả thời tuổi trẻ chúng tôi”, chứng kiến “Mùi đất, mùi tử vong và sức nặng đè trên ngực: đó là trọn vẹn những gì còn lại cho tôi”.
Sau tất cả, đọc Kẻ lãng du không như đọc một tiểu thuyết, mà như nhớ lại tất cả những khờ dại, cuồng si, và thảm sầu của tuổi trẻ. Hãy luôn phiêu lưu và bao dung, dù “biết là niềm vui đích thực không có trên cõi đời này”. Hãy nghĩ về tuổi trẻ như nghĩ về tình yêu, và hãy nghĩ về tình yêu như nghĩ về cuộc đời.