Trẻ em lúc nào cũng có nhiều ước muốn. Có những đứa trẻ tham lam đòi ăn bánh kẹo, nhõng nhẽo đòi được đi chơi hay mua quần áo mới. Có những đứa khác lại mong muốn được khám phá thành phố, hoặc về nông thôn để chơi đùa với cây cỏ. Có những em muốn học hành trở thành người có học thức, lại có những em chỉ khao khát tình yêu thương của cha mẹ.
Nhưng người lớn luôn tạo ra thử thách lớn hơn cản trở ước muốn và niềm tin của lũ trẻ. Tại sao mà một cậu bé nông thôn ngoan ngoãn hiếu học lại trở thành “kẻ cắp xe đạp”, hay một người anh trai luôn tỏ ra “hằn học” với mấy con gà mái của cô em gái và có lời nói và hành động khá bí ẩn xen lẫn đáng sợ? Rồi cả một cậu nhóc nắm được “lời giải” cho bi kịch xảy ra tại khu chung cư, nhưng rồi làm thế nào mà chính cậu lại có nguy cơ rơi vào bi kịch ấy?
Park Wansuh đã giải đáp những thắc mắc đó trong sáu câu chuyện rất thú vị và khiến người đọc phải suy ngẫm rất lâu.
Chuyện gì khiến đứa trẻ lấy cắp?
Trong truyện Kẻ cắp xe đạp, cậu bé Su Nam từ quê nghèo lên thành phố, luôn chăm chỉ làm việc vào ban ngày, buổi tối thì lại cố gắng đọc sách và học tập. Cậu thích những lời khích lệ của ông chủ về việc học hành, và cổ vũ cậu sẽ dự thi để đi học cấp ba.
Tập truyện Kẻ cắp xe đạp của nhà văn Park Wansuh. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam. |
Nhưng trong một ngày gió thổi mạnh, cuộc đời của cậu hoàn toàn thay đổi, chiếc xe đạp cậu dựng bên đường bị đổ làm xước ô tô của người khác. Ông ta khóa xe cậu lại và đòi bồi thường. Dù trong túi có 10.000 won tiền hàng của ông chủ, cậu cũng quyết không trả tiền. Những người xung quanh thấy thương cậu bé nghèo khổ mà ra sức khuyên cậu chạy trốn. Nghe lời học, cậu chờ lúc người chủ xe ô tô không ở đó liền ôm chiếc xe đạp còn khóa mà chạy trốn.
Khi về đến cửa hàng, ông chủ không những không quở trách cậu, mà ngược lại khen cậu giỏi, tỏ vẻ vui ra mặt vì chiếc xe đạp của cửa hàng không hề hấn gì. Trước giờ đã quen với lời khen của ông chủ nhưng giờ đây Su Nam lại thấy bức bối ở trong lòng.
Cậu bỗng nhớ tới người anh trai lên thành phố và trở thành kẻ cắp, tự thấy ghê tởm chính bản thân mình giờ đây cũng đi ăn cắp. Kể cả đó là xe đạp của cửa hàng nhưng vẫn là hành động ăn cắp, không thể bao biện được.
Tại sao những người lớn lại cổ vũ cậu trở thành kẻ cắp xe đạp? Tại sao ông chủ lại khen cậu mà không mắng cậu? Tại sao mọi người lại vui khi cậu ăn cắp? Nội tâm cậu mâu thuẫn đến mức muốn nổ tung.
Và Su Nam hiểu rằng, điều cậu cần không phải là lời khen, mà là tấm lòng của một người lớn sẵn sàng khuyên răn và chỉ bảo cho cậu trước những lỗi lầm và sai phạm. Chẳng có ai ở thành phố làm thế với cậu, nên Su Nam chuẩn bị hành lý, trở về quê với lời răn dạy của bố: ''Con làm gì thì làm, đừng ăn cắp ăn trộm biết chưa!''
Ai mới là người hạnh phúc nhất?
Khác với Su Nam, cậu bé Han Mue trong truyện Trả trứng bằng trứng lại may mắn hơn thế khi có một người thầy giảng giải cho em những điều em đang hiểu lầm về thành phố. Ở vùng nông thôn, thầy Moon giao cho các em nuôi những con gà để lấy tiền đi du lịch trên thành phố, nhưng cậu anh trai Han Mue liên tục dọa sẽ giết chết con gà của em gái Bom Mue khiến cô em hoảng hốt mách thầy.
Khi được thầy Moon hỏi thì mọi chuyện mới sáng tỏ, cậu ghét người thành phố khi chứng kiến họ đối xử tệ bạc với những quả trứng, trong khi chính cậu đã phải gìn giữ những quả trứng ấy biết bao để có tiền lên thành phố tham quan. Nhưng thầy Moon đã có một cách trừng phạt rất hiệu nghiệm, đó là "trả trứng bằng trứng" và giải thích cho cậu những điều cậu chưa từng nghĩ tới.
Tập truyện nhắc nhớ trẻ em rằng hạnh phúc đôi khi đến từ những điều đơn giản như quả trứng hay bông bồ công anh. Ảnh: NXB Phụ nữ Việt Nam. |
Những đứa trẻ trong các truyện Thi sĩ bí ẩn, Bông bồ công anh trên sân thượng hay Bà luôn ở phe tôi, dù sống giữa những hạnh phúc giả tạo mà cha mẹ dành cho chúng nhưng vẫn có một người ở bên cạnh trỏ lối đến bình yên.
Nhờ cuộc gặp gỡ với vị thi sĩ trong túp lều tồi tàn giữa một thành phố đáng sống, cậu bé đã biết rung động trái tim trước thơ ca và những hương vị của cuộc sống. Chỉ một bông bồ công anh bé nhỏ mọc trên nền xi măng xám xịt cũng khiến cậu bé muốn sống hơn bao giờ hết. Hay người bà đã dạy cho Kil Su lòng yêu thiên nhiên tươi đẹp đang dần biến mất trước lòng tham của con người.
Riêng truyện Vị vua cuối cùng lại là thông điệp dành cho người lớn khi một vị vua muốn hạnh phúc hơn bất cứ thần dân nào của ông ta nên đã cho tìm và bắt giam vị trưởng thôn trông có vẻ hạnh phúc hơn ngài. Nhưng tiền vàng, địa vị hay quyền lực của nhà vua lại chẳng thể so sánh được với niềm hạnh phúc tự do của một người bình thường. Có thể nói rằng, tâm hồn giống như mẹ thiên nhiên của người trưởng thôn không thể bị hủy diệt bằng lòng đố kỵ.
Có thể nói, cả sáu câu chuyện của Park Wansuh, bằng cách khai thác những lát cắt đời sống thông thường của người Hàn Quốc như chiếc xe đạp, con gà mái, hoa bồ canh anh… đã vẽ nên một xã hội tưởng chừng như yên bình nhưng hóa ra lại chứa đầy biến động.
Với hình thức đồng thoại dễ đọc, dễ nhớ, cuốn sách dẫn lối cả trẻ em và người lớn đi qua những cung bậc cảm xúc như buồn thương, tiếc nuối, rồi thậm chí lo lắng, tức giận nhưng sau cùng lại có thể đặt niềm tin vào một điều gì đó sáng sủa, dịu lòng.
Tập truyện Kẻ cắp xe đạp của Park Wansuh được xuất bản lần đầu năm 1999, đã hơn 20 năm trôi qua nhưng vẫn là món ăn tinh thần bổ ích cho trẻ em - thế hệ không bao giờ già đi trên khắp thế giới. Cuốn sách nhắc nhớ mỗi chúng ta đến một đời sống tâm hồn tươi đẹp và hướng tới những ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
Nhà văn Park Wansuh (1931 - 2011). |
Tác giả Park Wansuh (1931 - 2011) là người tô điểm cho văn học Hàn Quốc phát triển rực rỡ giai đoạn nửa cuối thế kỷ 20. Thế giới tác phẩm của Park Wansuh thường tập trung vào các chủ đề lớn như bi kịch chiến tranh, cuộc sống của tầng lớp bình dân, vấn đề phụ nữ... Tuy vậy, mỗi tác phẩm lại biểu lộ một cách nhìn đầy cá tính rất đặc biệt và chứa đựng những cảm xúc chân thực đầy tính nhân văn, nên có thể nói thế giới tác phẩm của bà luôn thể hiện một cách đầy đủ và sâu sắc về cuộc sống xung quanh.
Bà là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng được yêu thích như Cây trụi lá, Ai đã ăn hết những cây Sing-a ngày ấy?, Dành cho nỗi nhớ, Năm hạn hán của đô thị, Ngọn núi đó có thực ở đó chăng?, Bản hợp xướng cho một người hát…
Trong suốt sự nghiệp sáng tác, Park Wansuh đã nhận được một số giải thưởng danh giá như Giải thưởng tác giả văn học Hàn Quốc (1980), Giải thưởng văn học Lee Sang (1981), Giải thưởng văn học Đại Hàn Dân Quốc (1990), Giải đặc biệt của Hội văn hóa Trung ương (1993), Giải thưởng văn học hiện đại (1993), Giải thưởng văn học Manhe (1999)... Năm 2011, Google Doodle kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Park Wansuh để tưởng nhớ đến nữ nhà văn đặc biệt của văn học Hàn Quốc.