Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai được mệnh danh là “Mona Lisa của Bắc Âu”. Bức tranh nổi tiếng do họa sĩ người Hà Lan Johannes Vermeer vẽ vào khoảng thế kỷ XVII.
Năm 1999, nhà văn nữ người Mỹ Tracy Chevalier viết tiểu thuyết cùng tên, dệt nên câu chuyện tình yêu hấp dẫn dựa trên bức họa.
Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai là “cuốn tiểu thuyết như ngọc”, lôi cuốn nhiều thế hệ độc giả. Tuy nhiên, đến nay, cảm hứng của thiên truyện - bức kiệt tác của họa sĩ người Hà Lan - vẫn chưa được giải mã hết.
Tiểu thuyết "Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai" của nhà văn Tracy Chevalier. Ảnh: Nhã Nam. |
Hàng lông mi “giấu” sau “lớp áo màu”
Từ lâu, bức tranh Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai đã “mê hoặc” nhiều nhà nghiên cứu. Tranh vẽ một cô gái trẻ với ánh nhìn nghiêng đầy huyền bí, đôi môi e ấp nửa cười, quấn chiếc khăn màu xanh vàng, bên tai trái có một viên ngọc trai lớn.
Mới đây, các nhà nghiên cứu của phòng trưng bày Mauritshuis ở The Hague (Hà Lan) tiết lộ kết quả nghiên cứu về bức họa. Nhóm phát hiện hàng lông mi của cô gái rất mờ nhạt, khiến nhiều người không thể nhận ra.
Dự án sử dụng công nghệ tiên tiến nhất để nghiên cứu mẫu vật từ năm 1994. Thông qua kỹ thuật quét, chụp và phân tích mẫu sơn, nhóm đã lý giải được vì sao chúng ta không nhìn thấy lông mi của cô gái trong Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai.
Abbie Vandiverem, người đứng đầu dự án nghiên cứu chia sẻ với Guardian, trước đây, nhiều quan điểm cho rằng thiếu nữ thiếu mất bộ phận này, bởi họa sĩ Vermeer theo đuổi phong cách trừu tượng hóa. Ông vẽ khuôn mặt lý tưởng không phải người thật.
Tuy nhiên, nhờ quét huỳnh quang tia X và kiểm tra bằng kính hiển vi, nhóm chứng minh rằng Vermeer đã vẽ những sợi lông nhỏ quanh hai mắt nhân vật.
Họa sĩ lừng danh sử dụng màu nâu khi vẽ chi tiết này. Ngoài ra, Vermeer “giấu” các chi tiết khác phía sau thân hình của cô gái.
Thoạt nhìn, bức họa vẽ cô gái dường như thiếu hàng lông mi. Ảnh: The Guardian. |
Những bí ẩn được giải mã
Bên cạnh đó, Abbie Vandivere cho biết nhờ chỉ dấu của hàng lông mi “biến mất", nhóm nghiên cứu đã lý giải được cách họa sĩ đại tài Vermeer vẽ tác phẩm của mình.
Ban đầu bức tranh được họa sĩ Vermeer vẽ toàn bộ bằng nền xanh lá cây. Sau đó, ông đè lên chúng bằng các khối bóng mờ màu đen và nâu. Cuối cùng là tới các màu sắc xanh, vàng, trắng… như chúng ta đã được chiêm ngưỡng.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng tiết lộ sắc trắng trong chi tiết bông hoa tai ngọc ấn tượng được lấy từ Peak District (một vùng cao ở Anh nằm tại cuối phía nam dãy Pennines).
Nhóm nghiên cứu phát hiện nhiều điều bất ngờ sau khi "giải phẫu" bức tranh. Ảnh: Daily Mail. |
Trong khi đó, màu xanh lam lấy từ bột của viên đá lưu ly lapis lazuli quý giá - một loại đá tồn tại trong các mỏ ở Afghanistan ngày nay.
Sắc đỏ hồng trong đôi môi thiếu nữ được làm từ xác một loài bọ sống ở Mexico và Nam Mỹ. Đây đều là những sản phẩm, hàng hóa quý hiếm, đắt hơn cả vàng ở thế kỷ XVII.
Một điểm đặc biệt khiến nhóm nghiên cứu khá thích thú, đó là ngay chính viên ngọc trai to tròn ấn tượng dường như là một ảo ảnh. Bởi, nó không có đường viền hay mắc cài tới tai của cô gái.
Nhờ kỹ thuật bóc tách bức hội họa, các tác giả cũng phát hiện ra trong quá trình vẽ bức tranh Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai, Vermerer đã thay đổi vị trí của tai, đỉnh khăn trùm đầu và phía sau cổ của nhân vật.
Danh tính của cô gái vẫn là ẩn số
Trên thế giới, nhiều lần con người hiện đại tìm cách giải mã về cô gái trong tác phẩm trên.
Cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Tracy Chevalier xoay xung quanh Johannes Vermeer và chuyện tình yêu với cô hầu gái Griet - người được ông thuê để làm mẫu với chiếc khuyên tai của vợ Vermeer.
Năm 2003, bộ phim cùng tên chuyển thể từ thiểu thuyết của Chevalier ra mắt khán giả. Vai cô hầu gái do nữ diễn viên Scarlett Johansson đảm nhận và chân dung Vermeer được lột tả qua diễn xuất của tài tử Colin Firth.
Năm 2008, vở kịch có tên Girl with a Pearl Earring được công chiếu tại Anh.
Tuy nhiên, những tác phẩm đa thể loại lấy cảm hứng từ bức danh họa của Vermeer không phải là câu trả lời xác đáng cho danh tính của cô gái trong Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai. Đến nay, thắc mắc này còn bỏ ngỏ, chờ đợi các nhà nghiên cứu giải mã.