Thừa ủy quyền của Thủ tướng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong vừa báo cáo Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 (từ 1/10/2023 đến hết tháng 9/2024).
Một dự án bỏ hoang ở tỉnh Vĩnh Phúc của Tập đoàn Phúc Sơn. Ảnh: Nhị Tiến. |
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, một trong những kết quả nổi bật của công tác phòng, chống tham nhũng là xử lý nghiêm trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cán bộ, lãnh đạo quản lý để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi quản lý, phụ trách.
Các cơ quan chức năng đã thực hiện đúng chỉ đạo “kiên quyết, kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2024 có 52 người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra hành vi tham nhũng. Trong đó, có 19 người bị khiển trách, 17 người bị cảnh cáo và 16 người bị cách chức.
Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có thẩm quyền đã xác minh tài sản thu nhập năm 2023 với 16.351 người. Kết quả cho thấy có 8.884 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm nộp bản kê khai so với quy định.
Đáng chú ý, qua xác minh kết luận có 19 người không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và bị xử lý kỷ luật như xóa tên khỏi danh sách ứng cử; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo; kỷ luật bằng hình thức cách chức.
Việc phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết, trong năm 2024, các cơ quan điều tra trong lực lượng công an đã thụ lý điều tra hơn 1.500 vụ án, với hơn 3.800 bị can phạm tội tham nhũng.
Tổng số tài sản thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý, điều tra trên 4.759 tỷ đồng, 47.704m2 đất và 138,4 ha đất; đã thu hồi trên 684 tỷ đồng, 16.695 m2 đất và 967,4 ha đất; tạm giữ, kê biên, phong tỏa, ngăn chặn giao dịch trên 1.184 tỷ đồng và nhiều bất động sản, tài sản có giá trị khác
Riêng vụ án xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn đã kê biên, thu giữ 315,75 tỷ đồng; 1,97 triệu USD; 534 cây vàng SJC; 1.444 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các loại.
Một trường hợp nộp lại quà tặng
Để phòng ngừa tham nhũng, báo cáo cho thấy, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác người có chức vụ, quyền hạn theo quy định.
Theo đó, số công chức, viên chức phải thực hiện chuyển đổi vị trí công tác là 92.142 người. Đến thời điểm báo cáo, công chức, viên chức được chuyển đổi vị trí công tác là 88.640 người (đạt 96,2%).
“Việc chuyển đổi vị trí công tác đảm bảo phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ, không làm xáo trộn, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, đơn vị”, Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong thông tin.
Báo cáo cũng cho biết, năm 2024, lực lượng chức năng cũng đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm và xử lý 1.121 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.
Năm 2024, có 1 trường hợp nộp lại quà tặng theo quy định cho đơn vị với số tiền 3,6 triệu đồng.
Chính phủ nhìn nhận, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện toàn diện.
Một số nơi, người đứng đầu chưa quan tâm thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ.
Trong khi, tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục; công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ còn hình thức, chưa thực chất.
Những cuốn sách của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là chủ biên, tác giả của nhiều đầu sách lý luận chính trị, trong đó có những cuốn được tái bản nhiều lần.
Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Công an nhân dân, Tư tưởng Hồ Chí Minh về công an nhân dân, 125 câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công an nhân dân, Tư tưởng Hồ Chí Minh về Công an nhân dân - Giá trị lý luận và thực tiễn, Tham nhũng và hoạt động của Công an nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở Việt Nam là một số tác phẩm tiêu biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.