Sau bão số 5, khoảng 200 m đê biển tại thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc (huyện Lộc Hà) bị sóng đánh hư hỏng, hở hàm ếch. |
Ngoài vị trí từng được gia cố bằng lưới đá sau trận mưa bão năm 2019, đến nay, một dải cát ở khu vực này cũng bị sóng biển đánh vỡ. Một khối lượng lớn đá, cát phía chân đê bị sóng cuốn, tạo ra những hàm ếch lớn. |
Phần mái đê được gia cố bằng những mảng bê tông lớn cũng bị sóng đánh, xuất hiện những vết gãy dài hơn chục mét. |
Ông Dương Văn Long (50 tuổi, thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc) cho biết đợt lũ lụt năm 2019, đoạn kè này từng sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp hàng nghìn hộ dân trong đê. Chính quyền sau đó dùng lưới đá gia cố tạm thời nhưng đến nay đoạn đê chưa được sửa chữa cẩn thận. |
"Nếu một trận bão kèm triều cường dâng cao, đoạn kè sẽ khó trụ vững, gây nguy hiểm cho hàng nghìn hộ dân bên trong", ông Long nói. |
Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc Trần Văn Nghĩa nói khu vực bị sạt lở nằm từ đoạn Km59+200 đến Km59+400, có chiều dài gần 200 m. Sóng và lũ từng làm sạt lở toàn bộ phần chân đê, móng đê và gãy đứt phần kết cấu bê tông mái đê. "Địa phương từng sử dụng lồng sắt chứa đá gia cố tạm thời phần chân đê để tránh bị sạt lở thêm. Nhưng về lâu dài cần sớm có phương án hàn gắn phần hư hỏng", ông nói. |
Một phần cốt thép ngang của thân đê nằm lộ thiên. |
Phần lưới sắt bọc đá được gia cố năm 2019 cũng lâm vào tình trạng hư hỏng. |
Một lãnh đạo Ban quản lý Xây dựng cơ bản huyện Lộc Hà cho biết đoạn đê kè chắn sóng nằm ở vị trí cửa biển, lạch ra vào nên việc sạt lở, sóng đánh vỡ xảy ra nhiều năm nay. Địa phương đã đề xuất, xin ý kiến của tỉnh cũng như Cục Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão để đưa ra phương án trong việc khắc phục, sửa chữa lại đoạn đê biển này. |
Đoạn đê này là một phần của dự án kè biển chống xâm thực huyện Lộc Hà, có chiều dài 9 km với số vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng. Dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng từ năm 2015. |