"Đối với luật chống Super League, bất kỳ CLB nào cân nhắc tham gia một giải đấu không được UEFA, FIFA hay FIGC cho phép sẽ mất tư cách thành viên. Super League không đơn thuần là động thái thể hiện sự yếu kém của một số đội bóng đang gặp khó khăn về tài chính", Goal dẫn lời Chủ tịch FIGC Gabriele Gravina.
Juventus, AC Milan và Inter Milan là 3 trong 12 CLB thành viên sáng lập Super League. Sau khi dự án này đổ bể vì sự ra đi của 6 đội bóng lớn nước Anh, chỉ Inter Milan đưa ra thông báo chính thức rút lui khỏi giải.
Chủ tịch Andrea Agnelli được cho là một trong những người khởi xướng dự án Super League. Ảnh: Reuters. |
"Hiện tại, chúng tôi chưa có thông tin về ai ở lại và ai rút lui khỏi Super League. Tuy nhiên, quy tắc sẽ sớm được ban hành và đưa vào bộ luật tư pháp thể thao. Đến hạn nộp đơn đăng ký tham dự giải vô địch quốc gia, bất kỳ đội bóng nào góp mặt tại một giải đấu mang tính tư nhân khác đều bị loại khỏi hệ thống giải thuộc FIGC", ông Gravina khẳng định.
Andrea Agnelli, Chủ tịch Juventus, thừa nhận Super League không thể diễn ra như kế hoạch, nhưng vẫn nuôi tham vọng tái khởi động dự án này. Trong khi đó, dù Giám đốc Thể thao Paolo Maldini đã lên tiếng xin lỗi người hâm mộ, AC Milan vẫn chưa chính thức rút lui.
Thông báo của đội chủ sân San Siro cho biết: "Chúng tôi nhận lời tham gia vào dự án Super League với mục đích mang đến giải đấu chất lượng nhất cho người hâm mộ, hướng đến lợi ích của CLB và các cổ động viên. Việc thay đổi không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng tiến lên là điều cần thiết. Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc chăm chỉ để mang đến mô hình bóng đá bền vững".
Với lời cảnh báo đến từ FIGC, nếu không rút lui khỏi dự án, Juventus và AC Milan có thể bị cấm thi đấu tại Serie A và Coppa Italy mùa tới. Hiện tại, đội chủ sân San Siro gần như chắc suất dự Champions League, nhưng "Bà đầm già" thành Turin vẫn phải cạnh tranh để góp mặt trong top 4.