Từng có thời những gì HLV Jose Mourinho nói ra đều được cẩn thận ghi chép lại và đăng tải như những chân lý. Nhưng đó chỉ còn là quá khứ xa xôi.
11 năm trước, ngày Jose Mourinho rời Premier League, ảnh của ông vẫn được người hâm mộ Chelsea giữ gìn cẩn thận, tên ông vẫn vang lên trong những bài hát, nhiều đoạn video về ông được xem lại trong những tiếng sụt sùi, những câu nói của ông được in lên băng-rôn, áp phích rồi dán cẩn thận ở các góc bên ngoài Stamford Bridge. Mourinho đơn giản là quá vĩ đại để bị lãng quên.
11 năm sau đỉnh cao ấy, Mourinho cúi mặt rời Premier League không hẹn ngày trở lại. Trong 3 năm, Mourinho 2 lần bị sa thải vào đúng thời khắc Giáng sinh cận kề. Nếu hiểu về văn hóa của người Anh chúng ta sẽ cảm nhận sâu sắc hơn nỗi đau và sự nhục nhã của một huấn luyện viên khi mất việc trước thềm Giáng sinh.
Một HLV chỉ bị sa thải vào giai đoạn Giáng sinh, thời điểm lễ hội và năm mới cận kề khi ông ta đã tệ tới mức không thể cứu chữa nổi. Mourinho-vĩ-đại-năm-xưa rốt cuộc cũng có ngày này.
Tháng 12/2005, Chelsea của Mourinho dễ dàng đánh bại Arsenal 2-0. Trận đấu kết thúc, dù rất buồn bã vì thất bại, HLV Arsene Wenger vẫn tiến về phía Jose Mourinho sẵn sàng cho một cái bắt tay. Nhưng Mourinho bất ngờ quay thẳng về phía đường hầm tiến vào phòng thay đồ và mất hút sau đó vài giây, để lại một Wenger ngơ ngác phía sau.
“Ở Anh, chúng ta có thể dễ dàng gặp một phụ nữ, suốt 15 năm liền, cứ đúng 4h chiều lại tạt vào tiệm uống một tách trà. Chúng tôi coi trọng lễ nghi và các thói quen tốt. Bắt tay sau một trận đấu nằm trong số đó. Hành động của Mourinho là ngạo mạn và không thể chấp nhận được”, cựu thủ môn Arsenal Bob Wilson đã mượn sóng kênh BBC Radio Five tạo nên cuộc chiến nhắm vào Mourinho.
Nhưng nỗ lực của Wilson vô nghĩa. Rất nhiều khán giả đã gọi lên BBC Radio Five để bày tỏ sự… thích thú về hành động vĩ cuồng của Mourinho. “Kẻ chiến thắng tạo nên các quy tắc. Chelsea của Mourinho đang là đội bóng mạnh nhất nước Anh. Người hâm mộ sẽ không vì Mourinho không bắt tay Wenger mà ghét ông”. Đó là chia sẻ của một khán giả trên sóng trực tiếp vào thời điểm đó.
Một cái sai nhưng lại được quá nhiều người thừa nhận lâu ngày sẽ thành… đúng. Điều này đúng với thời đỉnh cao của Mourinho - khi ông có thể dùng thành tích, kỷ lục và những chiếc cúp làm bình phong để thoải mái ngạo mạn, vĩ cuồng.
Mourinho có lẽ là HLV hiếm hoi thẳng thắn thừa nhận bản thân là mẫu HLV bất chấp thủ đoạn thông qua phát biểu: “Nếu bạn lái một chiếc Ferrrari, còn tôi chỉ lái một chiếc xe bình thường thì để đánh bại bạn, tôi buộc phải chọc thủng lốp xe bạn hoặc bỏ đường vào bình nhiên liệu xe bạn”.
Ông cũng từng thách thức đội bóng sa thải mình: “Nếu một CLB nào đó sa thải tôi vì thành tích kém cỏi. Ok thôi, đó là một phần của cuộc chơi. Tôi sẽ ra đi với nhiều triệu USD trong tay và chỉ sau đó một tháng, sẽ lại có đội bóng khác mời tôi về mà thôi”.
Từng có một thời gian dài, thế giới căng tai chờ đợi lời vàng ý ngọc của Mourinho, cẩn thận ghi chép nó lại và đăng tải như những chân lý. Người Anh thích thú khi Mourinho gọi Arsene Wenger là “kẻ thất bại đặc biệt”.
Người Madrid (Tây Ban Nha) phấn khích khi Mourinho chọc ngón tay vào mắt trợ lý của Pep Guardiola. Người Italia cho đến bây giờ vẫn coi Mourinho là thánh sống vì những điều kỳ diệu ông làm cho Inter. Động tác ăn mừng “khóa tay” của Mourinho trở thành một trong những biểu tượng.
Mourinho vào thời đỉnh cao có quyền ngạo mạn. Bởi thực tế là ông đã làm được những điều mà nhiều HLV trên thế giới, mất nhiều năm “tầm sư học đạo”, cũng không thể làm nổi. Năm 2003, ông đưa Porto lên ngôi vô địch quốc gia với 86 điểm. Vào thời điểm đó, số điểm Mourinho kiếm về cho Porto là kỷ lục của giải Bồ Đào Nha.
Ngay mùa kế tiếp, Mourinho sang Chelsea, giúp đội chủ sân Stamford Bridge chấm dứt quãng thời gian 50 năm chờ đợi chức vô địch quốc gia. Chelsea lên ngôi với kỷ lục về điểm số (95 điểm) và cũng là đội bóng chịu ít bàn thua nhất/mùa trong lịch sử Premier League (15 bàn).
Sang tới Inter, ông lập kỷ lục trở thành HLV đầu tiên trong lịch sử đưa 3 đội bóng khác nhau lọt tới bán kết Champions League. Inter sau đó cùng Mourinho vô địch luôn Champions League 2010. "Người đặc biệt" biến Inter thành đội bóng đầu tiên trong lịch sử Italia giành cú hat-trick danh hiệu trong một mùa bóng (Champions League, Scudetto và Coppa Italia).
Sự vĩ đại của Mourinho tiếp tục được đưa lên những nấc thang mới khi ông lại tạo ra một… serie kỷ lục trên cương vị HLV Real Madrid. Mourinho giúp Real vô địch La Liga 2011/12 với hàng loạt cột mốc khủng khiếp.
Đó là đội bóng thắng nhiều nhất (32 trận), thắng nhiều trận sân khách nhất (16 trận), nhiều điểm nhất không chỉ tại La Liga, mà trong cả 5 giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu (100 điểm), ghi nhiều bàn thắng nhất (121 bàn) và cuối cùng là kết thúc mùa bóng với hiệu suất bàn thắng - thua cao nhất lịch sử (+89).
Những chiếc cúp danh giá, nhưng kỷ lục đáng nhớ thực tế đã quá đủ để đưa Mourinho lên đỉnh thế giới. Nhưng kẻ vĩ cuồng này còn muốn nhiều hơn thế. Ông tự đưa mình vượt khỏi tầm vóc của một HLV bằng cách tự tán dương bản thân, và tồi tệ hơn là bằng cách đạp lên tất cả những giá trị cốt lõi của bóng đá để tiếp tục hít thở bầu không khí bóng đá đỉnh cao.
Những năm cuối sự nghiệp của Mourinho thay vì chứng kiến một cú hạ cánh an toàn, lại biến thành một tai nạn thảm khốc cũng chính vì sự ngông cuồng không có giới hạn của Mourinho.
Công bằng mà nói thì trong 5 năm gần đây - quãng thời gian được coi là tăm tối nhất trong sự nghiệp Mourinho - ông vẫn gặt hái được danh hiệu và kỷ lục. Ông vẫn vô địch Premier League cùng Chelsea, ông mang Cúp Liên đoàn về Man United ngay trong mùa đầu tiên, và trở thành HLV đầu tiên trong lịch sử "Quỷ đỏ" giành một chiếc cúp lớn ngay trong mùa đầu nhậm chức. Ông đồng thời giúp Man United lần đầu tiên vô địch Europa League.
Mourinho tin rằng với những chiếc cúp đó, ông vẫn ở đỉnh cao. Nhưng chính sự lầm tưởng đó lại đưa Mourinho xuống vực sâu mà ông không bao giờ nghĩ mình đang nằm dưới đó. Ông bị Chelsea sa thải vào ngày 17/12, bị Man United trảm vào ngày 18/12. Không vị HLV vĩ đại nào lại mất việc tới 2 lần trước Giáng sinh như vậy.
11 năm trước, ngày Mourinho rời Chelsea, ông vẫn là biểu tượng. Giờ đây, chính Mourinho đã hủy hoại bức tượng của mình trong trái tim các fan The Blues khi công khai chỉ trích chính những người yêu mến mình. Ông lấy cổ động viên làm bia đỡ đạn để bao biện cho thất bại.
Ông đớn hèn tới mức đổ lỗi lên đầu một nữ bác sỹ, khiến cô ta phải rời Chelsea, còn bản thân ông bị lôi vào một vụ kiện tụng ầm ĩ. Đỉnh điểm của sự thất bại là khi Mourinho bị chính những ngôi sao ông hết mực yêu quý phản bội tại Chelsea.
Giới chuyên môn Anh mỉa mai rằng Mourinho luôn biết cách bước lên những nấc thang mới sau khi chuyển CLB. Năm xưa, điều ông làm tại Inter vĩ đại hơn những gì ông làm cho Chelsea. Còn giờ đây, sự tủi nhục của Mourinho tại Man United cũng lớn hơn gấp bội so với những gì ông trải qua tại Chelsea.
3 năm trên cương vị HLV trưởng Manchester United, Mourinho tạo ra vô số scandal. Từ một con người đầy tự tin, ngạo mạn, ông trở thành kẻ lèm bèm, than vãn. Mourinho không bao giờ từ bỏ bất kỳ cơ hội nào để than vãn rằng Man United không mua đủ cầu thủ để ông xây dựng đội hình.
Vào mùa hè vừa qua, trong khi tất cả các đồng nghiệp của ông tại Premier League đều coi việc mang dàn cầu thủ dự bị đi du đấu mùa hè là một trải nghiệm thú vị thì Mourinho than thở rằng “làm sao tôi chuẩn bị cho mùa bóng mới với toàn cầu thủ dự bị như vậy”.
Chỉ cần tinh tế là nhận ra Mourinho đã khôn khéo rào trước cho thất bại của mình ở mùa bóng mới. Đó không phải điều mà một Mourinho tài năng, ngạo mạn trong quá khứ thường làm.
Tất cả đều chứng minh, Mourinho đã hết thời. Chỉ có điều, do ông đã từng tự đưa mình lên quá cao nên khi hạ cánh, Mourinho lao thẳng xuống vực thay vì chỉ tiếp đất đơn thuần.
Thời Sir Alex Ferguson, Man United chấp nhận mọi mạo hiểm để thành công. Nicky Butt và Paul Scholes từng dám cá cược nhiều tuần lương của mình để khẳng định năng lực của bản thân. Chính sự dấn thân, mạo hiểm và quyết tâm biến Man United thành đội bóng vĩ đại.
Mourinho đã triệt tiêu cá tính đó. M.U của ông không dám làm bất kỳ điều mạo hiểm nào. "Quỷ đỏ" trở nên nhút nhát, đớn hèn y hệt như ông thầy Mourinho.
Mourinho rời nước Anh với những lời nguyền rủa, miệt thị và trên hết là một vết nhơ rất lớn trong danh tiếng của mình. Ông mâu thuẫn với cầu thủ, ông thể hiện một lối chơi nghèo nàn và lạc hậu. Người Anh chê Mourinho không còn biết làm bóng đá. 5/6 đội bóng lớn của Premier League phát triển bóng đá dựa trên nền tảng kiểm soát bóng, xây dựng lối chơi rõ ràng.
Một mình Mourinho lạc lõng, miệt mài đi tìm cách phá lối chơi của đối phương. Triết lý đã cũ từ vài năm gần đây cho thấy Mourinho đã hoàn toàn tụt hậu trong dòng chảy của bóng đá hiện đại. Điều đó dẫn tới câu hỏi: tương lai nào đang chờ đợi Mourinho?
Liệu có đội bóng lớn nào trên thế giới sẵn sàng trả mức lương hơn chục triệu euro/năm để mời một chuyên gia gây sự và tụt hậu về dẫn dắt hay không? Tờ Daily Mail cho rằng, đích đến thích hợp nhất với Mourinho trong bối cảnh hiện tại là… châu Á (Trung Quốc hoặc Nhật Bản) - những nền bóng đá sẵn sàng chi tiền để tạo dựng thương hiệu thay vì hướng đến thành tích.
Và nếu Mourinho chấp nhận mang danh tiếng của mình “mài” ra tiền trong những năm cuối sự nghiệp, ông cũng sẽ tự đưa bản thân xuống một độ sâu mới của vực thẳm.