Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Jose Mourinho tụt hậu vì không chịu thay đổi

Sau thất bại 0-1 trước Everton ở trận ra quân Premier League 2020/21, huấn luyện viên Jose Mourinho đang đối diện nguy cơ rời Tottenham Hotspur.

Bình luận

Mourinho anh 1

Dù biết chẳng có huấn luyện viên nào chưa từng bại trận cả, cái cách bại trận của Mourinho vừa rồi cho thấy khả năng rất lớn: Tottenham và ông có thể chia tay trước thời hạn hợp đồng.

Có lẽ, với mối lương duyên Mourinho - Premier League sẽ không có giây phút nào tuyệt vời hơn ngày đầu tiên ông xuất hiện trong buổi ra mắt Chelsea năm 2004.

Người ta nói nhiều về tuyên ngôn “tôi là người đặc biệt” của ông, song câu nói “đây là đội bóng với những cầu thủ hàng đầu, và tôi là HLV hàng đầu” mới thể hiện được đúng cái khẩu khí của ông. Từ đó, ông trở thành một phần lịch sử không thể xóa nhòa của Chelsea nói riêng và Premier League nói chung.

Jose Mourinho hôm nay đã khác

Tuy nhiên, ở lần trở lại Premier League thứ 3 của mình, Jose Mourinho đã nhạt nhòa đi rất nhiều. Nếu ngày xưa, ông được đánh giá là HLV “cuốn hút, sáng tạo và phong cách quản lý mang nghệ thuật hắc ám” hoặc “là một người hoang dã, khó dự đoán và gây đầy tranh cãi” thì hôm nay, thứ còn lại về ông dường như còn đúng 2 điều “gây đầy tranh cãi” và “nghệ thuật hắc ám” mà thôi.

Ai cũng hiểu triết lý bóng đá của Mourinho là như thế nào. Ông theo đuổi lối chơi thực dụng, luôn cảnh giác cao trong phòng ngự, kiểm soát không gian chặt chẽ và chớp mọi cơ hội mà đối phương sơ hở. Lối chơi ấy đã có thời khó bị khắc chế, và nó mang lại cho ông những danh hiệu liên tiếp ở Porto và Chelsea (giai đoạn đầu).

Mourinho anh 2

Jose Mourinho đã lạc hậu với bóng đá hiện đại. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, sau đỉnh cao của triết lý này ở Inter Milan, Jose Mourinho bắt đầu xuôi dần vào dòng chảy lạc hậu bất chấp kỷ lục điểm mà ông từng lập ra cho Real Madrid.

Kể từ ngày Mourinho rời khỏi Chelsea lần đầu, bóng đá đã thay đổi nhiều về chiến thuật, với những cập nhật có thể nói là hàng ngày. Pressing trong bóng đá được nâng tầm lên đẳng cấp khác với nhiều biến ảo khôn lường. Những HLV huyền thoại, tên tuổi lớn đều lặn vào hậu trường nhường sân khấu cho lớp trẻ. Còn Mourinho, nay đã 57 tuổi, vẫn không thay đổi gì trong cách tiếp cận của mình.

Người ta nói năm 1992 với luật cấm thủ môn dùng tay bắt đường bóng chuyền về là mấu chốt để thay đổi cả nghề bắt gôn với việc hình thành nên các thủ thành giỏi chơi chân, thì sự bùng nổ của thứ pressing cực đoan ngay bên phần sân đối phương cũng chính là nguyên nhân đồng thời là cả sản phẩm của lối chơi hiện đại hôm nay.

Nó khắc chế và khai tử luôn lối chơi co cụm kiểu bê tông cổ điển đồng thời tự tái tạo mình bằng cách tự nâng tầm.

“Nếu đối thủ cố gắng chơi dâng cao với hàng thủ cũng dâng cao theo, điều đó có nghĩa là bạn phải đánh chiếm ở ngay phần sân của đối thủ ấy và rõ ràng, thủ thành cũng phải lên cao hơn so với lệ thường. Đơn giản, khi một cầu thủ bất kỳ đều có khả năng chuyền đường dài và chính xác tầm 60 m để phản công, thủ thành dâng cao để phòng ngự là yếu tố tiên quyết”, chính HLV Joachim Low của đội tuyển Đức vô địch World Cup 2014 đã nói như thế.

Đánh giá này, nếu soi chiếu vào trận thua vừa rồi của Jose Mourinho, chúng ta sẽ phải thừa nhận ông đã lạc hậu rồi, dù ta có yêu mến ông đến mấy.

Trước hết, hãy nói về bóng đá một cách đơn giản nhất đã. Triết lý nào đi nữa, thì điều quan trọng nhất của bóng đá vẫn là chiến thắng. Chiến thắng chỉ có thể có được nếu đội ghi bàn. Bởi vậy, đội bóng dù có chơi phòng thủ đi nữa, thì cũng phải nghĩ đến việc ghi bàn. Và đội bóng của Mourinho cũng thế. Họ cũng phải nghĩ đến việc ghi bàn song họ sẽ ghi bàn bằng cách nào?

Tottenham gần như nhường toàn bộ việc kiểm soát bóng cho Everton, sẵn sàng chơi với đội hình thấp cùng ý đồ rất rõ là không cho phép đối phương tạo ra cơ hội ghi bàn, đồng thời chờ Everton sơ hở để phản công bằng những đòn chí mạng.

Trong khi đó, Everton chơi hiện đại hơn, họ cũng không tỏ ra vội vàng trong khâu triển khai, chấp nhận có thể có ít cơ hội được tạo ra nhưng khi đã có cơ hội thì phải rõ rệt. Trong cục diện như thế, Everton gần như không phạm phải sai lầm nào cả. Và khi đối thủ không mắc sai lầm, Tottenham lấy gì để phản công?

Bạn sẽ không thể nào ghi bàn nếu không có bóng. Đó là chân lý chắc chắn. Và trong bối cảnh các đội đều quyết liệt giành lại bóng ngay từ phần sân đối phương, cơ hội có bóng của một đội chơi theo kiểu Mourinho theo đuổi sẽ càng nhỏ hơn nhiều lần.

Vấn đề của Mourinho là gì khi ông không chịu thay đổi mình? Tuổi 57 chưa phải là già. Mourinho lại là người thông minh và sáng tạo.

Có lẽ, nó bắt nguồn từ cái thâm căn của ông với Barcelona thì phải? Ông yêu mến Barcelona đến mức phải chống lại nó khi ông không có cơ hội nào với nó. Và ông chống lại nó bằng cách trung thành đi theo triết lý “phản Barca” thể hiện trên lối chơi tiêu cực mà chính ông gầy dựng nên.

Cứ như vậy, so với thời đại, Jose Mourinho đang trượt đi dần. Và với HLV tên tuổi lẫy lừng như ông, thật sự nhận việc ở Tottenham là bước lùi.

Mourinho anh 3

Jose Mourinho không thể phát huy bản sắc của. Ảnh: Getty.

Spurs và Jose - một lựa chọn sai lầm

Nói thẳng ra, sai lầm đầu tiên là của bộ sậu Daniel Levy - Trevor Birch. Họ mời Jose Mourinho vì tên tuổi của ông và “quy hàng” trước ông thay vì đủ bản lĩnh cương cường để đưa ra đề nghị mà ông không thể chối từ. Nói thẳng ra, họ đã làm hại chính CLB của mình, đồng thời chứng minh Tottenham là đội bóng đánh mất bản sắc.

Thực tế, 5 năm gắn bó với Tottenham và dẫu chưa mang lại danh hiệu nào cho CLB, nhưng Pochettino đã làm được nhiều điều cho Tottenham. Chưa bao giờ Tottenham là CLB có sự ổn định về thành tích từ lúc Premier League được thành lập tới khi Pochettino nhận việc, và họ luôn lép vế trong các cuộc chiến với những anh hào top 4.

Tuy nhiên, kể từ khi Pochettino đến, khái niệm top 4 ấy đã không còn nữa. Chính Pochettino lột xác đội bóng với bản sắc bóng đá rõ ràng và phù hợp.

5 năm trời đó cũng là quãng thời gian mà cầu thủ Tottenham quen với triết lý bóng đá tấn công, chơi pressing ngay từ phòng tuyến của đối thủ. Nếu nói không ngoa, trong vòng 5 năm qua, nếu gọi tên đội bóng chơi hấp dẫn nhất Premier League, chắc chắn sẽ phải có Tottenham trong khi Man United và Arsenal có thể bị loại ra một cách tiếc nuối.

Và khi bản sắc, lối chơi và triết lý đã được định hình, việc Mourinho đến Tottenham lẽ ra phải được kỳ vọng là sẽ tiếp nối văn hóa bóng đá ấy. Thường thì các CLB khi tuyển HLV luôn có cuộc "mặc cả" về triết lý bóng đá mà trong đó, tất cả đội bóng lớn đều muốn HLV phải duy trì triết lý xương sống của CLB.

Jose Mourinho từng thỏa hiệp để kỳ vọng có ghế ở Nou Camp và suýt nữa thì ông được nhận việc. Chỉ vì ông kiên quyết không thay đổi lối tiếp xúc truyền thông theo yêu cầu của CLB xứ Catalonia, mà Barca không tuyển chọn ông để thay chân Rijkaard.

Tottenham không có tên tuổi ở tầm cỡ Barca, nhưng cũng không phải là đội bóng nhỏ. Vậy mà Levy và Birch đã thỏa hiệp, để Mourinho đạp đổ nền tảng Pochettinho xây dựng và bắt đầu lại từ đầu.

Sai lầm này của Levy sẽ bắt Tottenham phải trả giá nhiều. Bản thân thái độ chơi bóng của các cầu thủ Tottenham trước Everton cho thấy chính họ cũng không muốn theo đuổi triết lý bóng đá cũ rích và bế tắc như vậy.

Và khi Mourinho chỉ trích các cầu thủ của mình, cho rằng họ còn quá “ngây thơ”, ông vô tình tạo ra đợt sóng ngầm chưa biết sẽ thành sóng thần lúc nào.

Về phần Mourinho, lựa chọn Tottenham cũng là sai lầm của chính ông. Nói về tầm vóc của một CLB, Tottenham nhỏ hơn những nơi mà Mourinho từng trải qua (trừ Porto).

Người ta có thể nhận thấy đó là bước lùi của sự nghiệp ngay khi ông nhận việc, trừ phi ông chứng minh được bằng cách mang lại danh hiệu. Mà ở Premier League hôm nay, để vô địch khó khăn hơn thời 2004/05 rất nhiều lần.

Một thứ nữa cũng cho thấy Mourinho sai lầm chính là tính phù hợp về bối cảnh. Mourinho là HLV cực giỏi về mặt xây dựng tinh thần chiến đấu cho các cầu thủ.

Ông tạo ra tinh thần chiến đấu ấy thông qua áp lực cực lớn trong những buổi tập và các đòi hỏi cụ thể dành cho các cá nhân, trong việc tạo ra không khí cạnh tranh đội hình và quan trọng nhất là trong việc chỉ ra cho cầu thủ của mình một kẻ thù chung.

Cái cách chỉ ra cho cầu thủ của mình kẻ thù chung, gầy lên ngọn lửa thù địch để họ có thể cống hiến hết khả năng của mình trong cả mùa giải kéo dài ấy được Mourinho thực hiện xuất sắc với Chelsea, Inter Milan và Real.

Tuy nhiên, ở những lần mà ông thành công đó, đối trọng của CLB ông dẫn dắt là rất ít, thậm chí nhiều khi chỉ có một như trường hợp ở Real. Còn bây giờ thì sao?

Tại Premier League hiện nay, Tottenham có ai là đối trọng lớn nhất? Nếu nói về đối thủ cạnh tranh chức vô địch, đó sẽ lần lượt là Man City, Liverpool, Chelsea, Man United và Arsenal. Quá rộng, nhiều, tản mát và điều đó khó có thể khiến cầu thủ cảm nhận được kẻ địch chung của mình cụ thể là kẻ nào? Bài toán tâm lý của Mourinho, bởi thế có thể vô dụng trong trường hợp này.

Và khi đội bóng Mourinho dẫn dắt không còn cảm thấy có kẻ thù chung buộc họ phải chống lại bằng mọi giá, điều gì sẽ xảy ra? Cùng với áp lực liên tục, không ngừng nghỉ và được gia tăng mỗi tuần bởi chính HLV trưởng của mình, tâm lý tiêu cực sẽ nảy sinh, và cầu thủ sẽ chỉ nhìn về một hướng để chống lại: Jose Mourinho.

Mourinho anh 4

Jose Mourinho đứng trước nguy cơ mất việc tại Tottenham. Ảnh: Getty.

Thất bại có thể là chắc chắn

Trong hoàn cảnh này, Jose Mourinho còn lại vũ khí gì? Rất rõ ràng, như chúng ta đã nói ở đoạn đầu, ông chỉ còn lại 2 yếu tính “gây tranh cãi’ và “nghệ thuật hắc ám”. Và ông đã sử dụng nghệ thuật hắc ám ấy trong trò chơi cân não mà ông tạo ra cho chính các cầu thủ của mình.

Trước khi ra quân ở trận gặp Everton, Mourinho đã lôi Chủ tịch Daniel Levy vào cuộc khi nói trong buổi họp báo rằng: “Tôi đã làm rõ với lãnh đạo của CLB hiểu là tôi cần tay săn bàn nữa”. Tuyên bố này không phải nhắm vào giới chóp bu của Tottenham mà thay vào đó, nó là mũi tên hướng đến hàng công của CLB.

Chưa dừng ở đó, Mourinho đánh giá cầu thủ Tottenham quá “ngây thơ và khờ khạo” để có thể giành được danh hiệu Premier League. Và sau khi thất bại 0-1 trước Everton, ông bắt đầu lôi câu chuyện chương trình tập luyện chuẩn bị mùa giải bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như thái độ của các cầu thủ trên sân là “lười biếng”.

Jose Mourinho luôn có thói quen chia sẻ những điều thu hút truyền thông ở trước và sau trận đấu. Ông không nói ra để xây dựng mình trở thành biểu tượng công chúng lúc nào cũng xuất hiện trên trang nhất của báo chí hay trở thành xu hướng theo dõi trên mạng xã hội.

Ông muốn thứ khác. Đó chính là phản ứng của cầu thủ. Ông muốn cầu thủ của mình phải có phản ứng để từ phản ứng đó tạo thành các hành động cụ thể trên sân mà ông kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả.

Cách làm này từng phát huy tác dụng khi đi kèm theo nó là các bài thuyết giảng nội bộ của Mourinho trước, trong và sau trận đấu. Trong cuộc chơi đấu trí kiểu này, Mourinho xem cầu thủ như những chú rắn hổ mang.

Ông chọc cho họ phùng mang trợn má lên, sau đó dẫn dụ họ đứng trước địch thủ để cú đớp của họ phát tác. Tuy nhiên, nó có phát tác không ở Tottenham hôm nay?

Nếu điểm danh các trung phong hàng đầu châu Âu hiện nay, không một ai trong chúng ta dám gạch tên Harry Kane. Khi Mourinho nói ông cần trung phong (striker), không hiểu ông đang đặt Harry Kane ở đâu?

Giả sử, nếu ông nói cần một tiền đạo (forward), câu chuyện có thể sẽ khác. Mũi tên có thể nhắm đến Son Heung-min, Lamela, Moura, và nó sẽ được hiểu là thông điệp về cạnh tranh đội hình đơn thuần.

Tuy nhiên, khi tâm điểm là Harry Kane, mọi chuyện sẽ khác hẳn. Cuộc chơi cân não này thực sự rủi ro lớn với Mourinho, bởi phản ứng của cầu thủ có thể xảy ra hoặc tích cực như ông chờ đợi, hoặc tiêu cực một cách khó lường.

Với ngôi sao đã ghi 143 bàn ở Premier League trong màu áo Tottenham, Harry Kane nên được coi là tượng đài thực sự mà bất kỳ HLV nào cũng cần thận trọng khi “trêu ong, chọc rắn”. Tầm ảnh hưởng của Harry Kane dễ khiến “nghệ thuật hắc ám” của Mourinho bị phản đòn.

Chắc Mourinho còn nhớ ở mùa giải 2016/17, khi Mourinho đến Old Trafford, CLB đã dành chiếc áo số 9 cho Ibra và buộc Anthony Martial phải nhường số áo yêu thích ấy để nhận về số 11. Kết quả là Anthony Martial mất dần động lực thi đấu, từ người ghi 17 bàn ở mùa giải trước trở thành kép phụ mờ nhạt với 8 bàn cả mùa.

Hai mùa giải kế tiếp, Martial không khá hơn và chỉ đến mùa 2019/20, khi Solskjaer cầm quân trọn vẹn cả mùa, Martial mới bùng nổ với 23 bàn trong số áo yêu thích: số 9.

Câu chuyện trung phong và Harry Kane cho thấy Jose Mourinho đã phải dùng đến đòn cuối cùng của mình khi mới chỉ là khởi đầu ở Tottenham. Nếu đòn cuối cùng này không phát huy tác dụng, thất bại là điều không thể tránh khỏi.

Và đến khi thất bại, chúng ta sẽ nhận thấy ngay cả đến nghệ thuật hắc ám, thứ vốn là vũ khí đặc sản của Mourinho, còn không phát huy nổi tác dụng thì chuyện ông trở thành biểu tượng cũ cũng là chuyện bình thường.

Chỉ tiếc nuối duy nhất, nếu chuyện Tottenham - Mourinho là mối lương duyên bất thành. Đó chính là tiếc nuối cho Tottenham, CLB tưởng như định hình để tạo ra Premier League hấp dẫn vô cùng.

Lúc ấy, họ sẽ phải làm lại từ đầu lần nữa để vươn tới chính bản thân mình ở thời điểm còn Pochettino. Và 5 năm với Pochettino bỗng thành lãng phí khủng khiếp, không chỉ ở khía cạnh thời gian, nỗ lực mà còn cả ở khía cạnh tài chính, thứ mà Daniel Levy quan tâm nhiều nhất.

Màn đấu khẩu trong phòng thay đồ Tottenham mùa giải trước All or Nothing, bộ phim về CLB Tottenham ở mùa giải 2019/20, cho thấy khoảnh khắc Dele Alli và Eric Dier tranh cãi quyết liệt trong phòng thay đồ.

Chuyển nhượng 16/9: Hai cầu thủ Real sắp gia nhập Tottenham

Tottenham đang thu về những tín hiệu tích cực trong cuộc đàm phán với Real Madrid nhằm chiêu mộ Gareth Bale và Sergio Reguilon.

Real sẵn sàng chịu thiệt để có Dele Alli

Trong trường hợp để Gareth Bale trở lại Tottenham, Real Madrid đứng trước cơ hội có sự phục vụ của tiền vệ Dele Alli.

Hà Quang Minh

Bạn có thể quan tâm