Đó là sự thực nếu nhìn vào thành tích đối đầu giữa Mourinho và những người đồng nghiệp danh tiếng có quốc tịch Italy trong suốt sự nghiệp. Ông rất hiếm khi gặp khó khăn và thậm chí còn át vía được những người giỏi nhất.
Mourinho sẽ đối đầu với Max Allegri vào đêm nay. Ảnh: Getty Images. |
Mourinho áp đảo như thế nào?
Thống kê chỉ ra rằng Mourinho đã 52 lần chạm trán các nhà cầm quân người Italy danh tiếng, ông thắng 26, hòa 15 và thua 11 trận. Những bại tướng của “Người đặc biệt” lần lượt là Carlo Ancelotti, Max Allegri, Maurizio Sarri, Roberto Mancini, Claudio Ranieri, Cesare Prandelli, Gianpiero Gasperini, Walter Mazzarri và Antonio Conte.
Trong số này, chỉ duy nhất Conte là áp đảo được Mourinho trong số những lần gặp mặt. Cựu HLV Chelsea đã thắng Mourinho 4 lần trong tổng số 7 lần gặp mặt và chỉ chịu thất bại 2 trận.
Conte là nhà cầm quân người Italy hiếm hoi áp đảo được Mourinho. Ảnh: Getty Images. |
Phần còn lại, bao gồm cả những nhà cầm quân lẫy lừng như Ancelotti hay chính Allegri, đều thua nhiều hơn thắng khi chạm mặt Mourinho. Thậm chí nếu gói gọn tại đấu trường UEFA Champions League, cả Ancelotti lẫn Allegri đều chưa từng thắng nổi “Người đặc biệt”.
Điều gì đã khiến Mourinho vượt mặt so với những người đồng nghiệp tới từ quốc gia luôn tự hào là nơi sản sinh ra những chiến lược gia bậc thầy này?
Những nhà cầm quân người Italy không hề giống nhau về mặt tư duy hay triết lý. Có những người muốn chơi tấn công (Sarri, Ancelotti, Gasperini), lẫn cả những người đặt nặng tư tưởng phòng ngự truyền thống (Mancini, Mazzarri).
Câu trả lời nằm ở khả năng bùng nổ chiến thuật trong quãng ngắn của nhà cầm quân người Bồ. Mourinho biết phải làm gì để tận dụng sai lầm của đối thủ, biết phải làm gì để biến bất lợi của mình thành lợi thế và đẩy áp lực ngược trở lại đối thủ.
Sự khác biệt về triết lý
Trong thời kỳ đỉnh cao của mình, Mourinho từng dẫn Inter Milan tới gặp Barca tại Nou Camp và chơi thiếu người hơn một giờ đồng hồ mà sau cùng vẫn chỉ thua 0-1 để đi tiếp vào trận chung kết. Khi Thiago Motta lĩnh thẻ đỏ vì lỗi đánh nguội với Sergio Busquest năm 2010 ấy, Mourinho đã làm gì?
Ông phủi tay cười với ống kính (và cả thế giới) trước khi kéo Samuel Eto’o về chơi hậu vệ, Diego Milito về chơi tiền vệ phòng ngự, sẵn sàng phòng ngự đến chết với Barca của Pep. Phần còn lại của trận đấu đó và cả mùa giải năm đó có lẽ không cần nói lại nữa.
Mourinho từng dẫn dắt Inter đánh bại Barca tại bán kết Champions League 2009/10 dù thiếu người trong phần lớn thời gian trận lượt về. Ảnh: Getty Images. |
Một ví dụ khác minh chứng cho khả năng này của Mourinho là trận lượt về vòng 1/8 Champions League 2012/13 với MU tại Old Trafford. Real đã hoàn toàn bất lực trước thế trận mà “Quỷ đỏ” của Sir Alex Ferguson giăng ra. Thậm chí bàn phản lưới nhà của Sergio Ramos càng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ với Los Blancos.
Chiếc thẻ đỏ của Nani sau đó là một bước ngoặt, song rất ít người để ý rằng ngay khi MU mất người, còn Sir Alex lao xuống đường biên để tranh cãi với các trọng tài, Mourinho đã lập tức gọi Luka Modric để chuẩn bị phương án thay người. Hậu vệ phải Alvaro Arbeloa được rút ra để tiền vệ người Croatia vào sân.
Kết quả: Modric ghi bàn gỡ hòa cho Real trước khi Ronaldo kết liễu “Quỷ đỏ”. Khả năng xoay chuyển tình thế cũng như tận dụng sai lầm của đối thủ trong nội 90 phút của Mourinho là không thể xem thường.
Trái ngược với Mourinho, phần đông những nhà cầm quân người Italy không sở hữu khả năng bùng nổ đó. Dù có thể khác biệt về mặt triết lý hay tư tưởng, song những HLV người Italy đều có mẫu số chung trong cách huấn luyện là xoay sở trước những biến cố kém và quá trầm lặng bên ngoài sân cỏ.
Ancelotti, Sarri, Mancini hay Allegri đều là những HLV xuất sắc trong khâu chuẩn bị. Họ tìm kiếm thông tin về đối thủ, đưa ra đấu pháp chung cho các cầu thủ, tạo môi trường thoải mái và làm mọi cách để kế hoạch của mình đi đúng hướng.
Allegri, Sarri hay Ancelotti đều là những mẫu HLV Italy điển hình, những người trầm lặng bên ngoài đường pitch nhờ sự chuẩn bị rất chu toàn. Ảnh: Getty Images. |
Trong cuốn tự truyện “Lãnh đạo tĩnh lặng: Thu phục nhân tâm, chiến thắng trận đấu” của mình, Ancelotti thừa nhận ông trầm lặng vì bố và gia đình ông là vậy. Sự chuẩn bị của một người đàn ông phải nuôi cả gia đình luôn chỉ có một, Ancelotti và rất nhiều HLV người Italy khác, những người lớn lên trong môi trường gia đình đúng kiểu Italy chịu ảnh hưởng bởi điều đó. Họ không được rèn giũa về mặt tư duy để chuẩn bị cho những biến cố bất ngờ.
Phong cách huấn luyện của những HLV Italy vì thế không đậm chiêu trò và ẩn chứa tính bùng nổ cao trong quãng ngắn như Mourinho, người đã chứng kiến cảnh bố mình mất việc ngay trước Giáng Sinh năm 12 tuổi, chịu một chấn thương nặng tới mức giải nghệ khi còn rất trẻ và vươn lên làm HLV từ vị trí của một phiên dịch.
Người duy nhất đi ra ngoài khuôn khổ này, Antonio Conte cũng là người áp đảo được Mourinho trong những lần đối đầu. Cựu HLV Chelsea chưa từng chạm mặt “Người đặc biệt” tại Champions League, nhưng trong khuôn khổ Serie A và Champions League, Conte đã vùi dập Mourinho 4 trận và chỉ chịu thất bại 2 lần.
Mourinho đang trội hơn Allegri về thành tích đối đầu. |
Conte giống Mourinho, đều là những nhà cầm quân có khả năng bùng nổ lớn trong quãng ngắn. Thậm chí trường hợp Conte còn khá thái quá khi ông thường xuyên bộc lộ những biểu cảm bên ngoài đường pitch. Nam châm cùng chiều thì đẩy nhau, còn Conte luôn áp đảo được Mourinho.
Nhưng như đã nói, Conte đang thất nghiệp. Còn Allegri, người sẽ đối đầu với ông vào đêm nay là một HLV Italy chuẩn chỉnh. Bố Allegri là một công nhân bốc vác ở cảng Livorno, còn ông lớn lên trong khu thợ thuyền nghèo khó nhưng không trở thành thanh niên lêu lổng vì sự nghiêm khắc của bố như tờ Gazzetta dello Sport từng kể lại.
Allegri trầm lặng, nhẫn nhịn và chuẩn bị cực tốt, hệt như Ancelotti. Mourinho chưa từng ngại đối đầu với những HLV như thế, và MU sẽ có lợi thế trước Juve vào đêm nay vì lẽ đó.