Jong Tae Se sinh ra tại Nhật Bản, cha mẹ anh đang sống ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, chàng trai này lại có mối liên hệ đặc biệt với Triều Tiên, một thứ tình cảm được hình thành qua nhiều thế hệ và trải qua biết bao thay đổi của lịch sử, xã hội.
Ngay từ nhỏ, Jong Tae Se đã bộc lộ được khả năng chơi bóng của mình. Anh sớm thành danh tại giải VĐQG Nhật Bản trong màu áo Kawasaki Frontale. Dẫu vậy, với lối sống có phần xa hoa, ít ai nghĩ sẽ có một ngày Jong Tae Se quay về đứng trong hàng ngũ của CHDCND Triều Tiên.
Trước cơ hội khoác áo đội tuyển Nhật Bản, Jong Tae Se đã thẳng thừng từ chối. |
Hành trình trở về đất mẹ
Trước năm 2007, Jong Tae Se thậm chí còn chưa từng đặt chân đến Triều Tiên. Những hình ảnh về đất mẹ đối với chàng cầu thủ sinh năm 1984 có lẽ cũng không khác nhiều một chiếc tivi đen trắng, mập mờ và thật cũ kỹ.
Một buổi chiều tình cờ năm 2005, Jong chứng kiến thất bại của CHDCND Triều Tiên trên sân Nhật Bản trong khuôn khổ vòng loại World Cup 2006 và không đủ điều kiện góp mặt ở ngày hội bóng đá thế giới tại Đức. Giây phút xúc cảm khiến Jong Tae Se trăn trở và sau đó, anh đưa ra một quyết định gây bất ngờ cho tất cả.
Chân sút của câu lạc bộ Kawasaki Frontale khi ấy bày tỏ mong muốn khoác áo đội tuyển quốc gia Triều Tiên. Bất chấp những khó khăn trong việc xin thủ tục, cuối cùng Jong cũng có thể trở về phục vụ đội bóng quê hương.
Theo luật của FIFA, Jong Tae Se đã đủ tiêu chuẩn để chơi cho CHDCND Triều Tiên dù anh là công dân Hàn Quốc đang định cư tại Nhật Bản. Sau đó, kênh truyền hình Hàn Quốc SBS đã làm hẳn một bộ phim tài liệu về hành trình trở về đất mẹ đầy gian nan của Jong Tae Se.
Jong Tae Se có lẽ là trường hợp hy hữu nhất trong lịch sử thể thao Triều Tiên. |
Giọt nước mắt nối Triều Tiên với thế giới
Khi tình yêu quê hương lên tiếng, Jong Tae Se thi đấu bùng nổ hơn bao giờ hết. Anh có khởi đầu như mơ cùng Triều Tiên khi ghi 8 bàn sau hai trận gặp Mông Cổ và Ma Cao. Jong tiếp tục gây chú ý với những pha lập công vào lưới Nhật Bản và Hàn Quốc tại Giải vô địch bóng đá Đông Á 2008.
Không quá khi nói Jong Tae Se là nhân tố chính góp phần đưa CHDCND Triều Tiên lần đầu tiên có mặt tại một kỳ World Cup sau 44 năm chờ đợi. Trước phong độ chói sáng của Jong Tae Se, khán giả túc cầu đặt cho anh biệt danh “Rooney của châu Á”, còn người dân Triều Tiên gọi anh với cái tên trìu mến “Rooney của nhân dân”.
Giọt nước mắt của Jong Tae Se làm tan chảy hàng triệu trái tim người yêu bóng đá đẹp. |
Trận đấu bảng G trên SVĐ Ellis Park tại World Cup 2010, máy quay bỗng khựng lại vì bắt gặp Jong Tae Se bật khóc khi đang hát quốc ca. Khán giả truyền hình ngỡ ngàng và tự hỏi đã bao lâu rồi họ chưa chứng kiến hình ảnh xúc động đến vậy. Tiếng nhạc kết thúc cũng là lúc người hâm mộ Triều Tiên trên khán đài vẫy cờ tự hào như thể họ vừa giành chiến thắng trước ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch Brazil.
Giọt nước mắt lăn dài trên má Jong Tae Se đã chảy vào lịch sử World Cup, giọt nước mắt ấy đã nối Triều Tiên với thế giới. Một đất nước khép mình, sau 44 năm họ mới trở lại đấu trường World Cup. Một đất nước khép mình, sau 44 năm họ mới có cơ hội mặc áo dài tay thi đấu trước sự cổ vũ khán giả toàn cầu.
Người ta vẫn gọi giọt nước mắt của Jong Tae Se là giọt nước mắt bí ẩn. Truyền thông Triều Tiên thì luôn cho rằng tuyển thủ phải mạnh mẽ, can trường và không được rơi lệ. Và chỉ có Jong Tae Se biết anh khóc vì điều gì, có lẽ bởi anh đã chọn một con đường khó khăn nhưng đáng tự hào.
Quyết tâm trở về quê hương thi đấu, Jong Tae Se thực sự đã trở thành người hùng của bóng đá Triều Tiên. |