Ngay sau khi Jamie Vardy lập kỷ lục ghi bàn trong 11 trận liên tiếp ở giải Ngoại hạng Anh, phóng viên Jonathan Liew (người châu Á) nổi tiếng của báo Telegraph (Anh) đăng tải lên trang Twitter cá nhân lời tố cáo: “Làm tốt lắm, đồ phân biệt chủng tộc”.
Ngay sau đó, anh đăng tiếp lên trang Facebook cá nhân một trạng thái khá dài, mở đầu bằng câu: “Ngày hôm qua, một bộ phận fan Leicester City nổi điên vì tôi chỉ đích danh thần tượng của họ - Jamie Vardy, là kẻ phân biệt chủng tộc”.
Hồi đầu tháng 8, Vardy bị camera quay lại cảnh nói 3 lần từ “Jap” với 1 người đàn ông châu Á trong khi đang chơi bài trong 1 sòng bạc ở Thái Lan.
Theo lý giải của phóng viên Jonathan Liew, hệ thống phân cấp mức độ phân biệt chủng tộc có quy định người này không được gọi tên người khác mà chèn thêm chữ cái “J”, “N”, “P” hay “Y” vào đằng trước.
Jamie Vardy bị phóng viên của tờ báo uy tín hàng đầu nước Anh tố cáo về hành vi phân biệt chủng tộc. Ảnh: Getty. |
Vardy gọi “Jap” ở đây rất có thể đang muốn ám chỉ quốc tịch Nhật Bản của người đàn ông châu Á. Tuy vậy, “Jap” có thể xem là cách gọi miệt thị.
Theo quan điểm của Jonathan Liew, Vardy phải bị Leicester City sa thải. Thậm chí, theo lời Jonathan thì kẻ phân biệt chủng tộc “xứng đáng phải chịu nắm đấm của cảnh sát, sự vùi dập của dư luận, sự xa lánh của bạn bè. Anh ta phải quỳ xuống để cầu xin sự tha thứ của công chúng”.
Dù vậy, Jonathan khẳng định Vardy có thể dành thời gian để tuyên truyền chống lại nạn phân biệt chủng tộc trước công chúng, làm việc cho các tổ chức từ thiện, phát biểu ở trường học, giáo dục cầu thủ trẻ về sự đa dạng sắc tộc và khoan dung. Trước hết và sau cùng, Vardy cần có lời xin lỗi chân thành và bày tỏ sự hối hận về hành động bồng bột của anh.
Jonathan kết luận: “Đòi hỏi của tôi với Vardy là giấc mơ viển vông, tôi rất thông cảm nếu các bạn không chia sẻ quan điểm này. Nhưng có một nạn nhân, không phải tôi cũng không phải bạn. Càng không phải một cầu thủ bóng đá vừa ghi bàn trong 11 trận liên tiếp đang được cả thế giới ngưỡng mộ”.