Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Jakarta xóa sổ 'vùng đỏ' như thế nào?

Indonesia đã giảm thành công số ca mắc Covid-19 và tử vong tại hai đảo đông dân là Java và Bali. Nước này vẫn tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.

Những dấu hiệu lạc quan xuất hiện giữa làn sóng dịch bệnh tại Indonesia. Từ hôm 31/7 đến nay, số ca mắc Covid-19 ở Indonesia đi theo chiều hướng giảm dần. Tới ngày 11/8, một trong những ổ dịch nghiêm trọng nhất cả nước là thủ đô Jakarta đã được đưa ra khỏi danh sách có nguy cơ cao về lây truyền dịch bệnh, theo Reuters.

Ánh sáng cuối đường hầm

Tại Jakarta, 14.619 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 được ghi nhận hôm 12/7, ngày dịch bệnh đạt đỉnh ở thủ đô. Tuy nhiên hôm 9/8, số ca mắc Covid-19 được ghi nhận chỉ còn 727, giảm 20 lần so với một tháng trước đó.

Tình hình ở các bệnh viện đã dễ thở hơn. Trong thời gian cao điểm, tới 90% giường bệnh tại Jakarta luôn trong tình trạng kín chỗ. Nhưng giờ đây, tỷ lệ giường bệnh đã có bệnh nhân chỉ còn 39%.

Thủ đô Jakarta chỉ còn 10.520 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly tại nhà, thấp nhất trong 7 tỉnh và thành phố trên hai hòn đảo Java và Bali đông dân.

dich benh indonesia anh 1

Đường phố Jakarta vằng bóng người trong lệnh phong tỏa. Ảnh: Reuters.

Trong ngày 11/8, Jakarta ghi nhận thêm 40 ca tử vong, nhưng có đến 1.222 bệnh nhân mắc Covid-19 được điều trị hồi phục.

Nhà chức trách Indonesia tuyên bố Jakarta không còn "vùng đỏ", tức khu vực có nguy cơ cao về lây lan dịch bệnh Covid-19.

Tất cả các khu vực ở thủ đô Jakarta hiện được xếp vào danh sách "vùng cam", tương đương có nguy cơ lây lan dịch bệnh trung bình.

Những dấu hiệu khả quan đạt được ở Jakarta sau 5 tuần thành phố này nằm dưới lệnh phong tỏa nghiêm ngặt chưa từng có.

Chính quyền Jakarta bắt đầu phong tỏa một phần thủ đô từ 3/7, trong ngày cả nước ghi nhận 27.913 ca mắc Covid-19 và 493 trường hợp tử vong sau 24 giờ. Khi đó, dịch bệnh ở Indonesia vẫn đang trên đà leo đỉnh.

Để ngăn dịch bệnh lây lan, Indonesia đóng cửa tất cả thánh đường Hồi giáo, những địa điểm bị coi là siêu lây nhiễm. Tại các khu vực vùng đỏ và vùng da cam, mọi hoạt động tập trung đông người để cầu nguyện bị cấm.

Các nhà hàng, trung tâm thương mại ở những điểm nóng dịch bệnh cũng bị đóng cửa.

Lệnh phong tỏa sau đó dần được siết chặt trên phạm vi cả nước, trong đó đảo Java và Bali, nơi có những khu vực dân cư đông đúc, là các điểm nóng.

Liên tục gia hạn phong tỏa

Chính phủ Indonesia nới lỏng các biện pháp phong tỏa ở một số khu vực từ 26/7, thời gian chấm dứt lệnh phong tỏa ban đầu. Các quán ăn vỉa hè, một số trung tâm thương mại tại những nơi số ca mắc Covid-19 giảm mạnh được phép mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt vẫn tiếp tục được duy trì ở thủ đô Jakarta và các khu vực vùng đỏ khác.

Cho đến ngày 9/8, chính phủ Indonesia cho biết sẽ kéo dài các biện pháp phong tỏa trên hai đảo đông dân là Java và Bali cho tới 16/8, bất chấp số ca mắc Covid-19 tai hai khu vực này đã giảm 27% sau một tháng.

Thủ đô Jakarta dù không còn vùng đỏ vẫn tiếp tục bị phong tỏa và hạn chế di chuyển nghiêm ngặt.

"Chúng ta không được để những chuyển biến tích cực vừa đạt được bị lãng phí", theo Bộ trưởng Hàng hải và Đầu tư Luhut Pandjaitan, người giám sát chiến dịch ứng phó Covid-19 trên đảo Java và Bali.

Nhà chức trách Indonesia chỉ đạo các trung tâm thương mại chỉ mở cửa phục vụ 25% công suất. Khách hàng phải chứng minh đã tiêm vaccine Covid-19 mới có thể sử dụng dịch vụ.

dich benh indonesia anh 2

Một người dân Indonesia được tiêm vaccine. Ảnh: Reuters.

Theo Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin, tình trạng tiêm chủng của người dân sẽ quyết định các thủ tục y tế mà họ phải tuân thủ tại một số địa điểm du lịch hoặc cơ sở giáo dục.

Trong khi đó, số ca mắc Covid-19 lại có dấu hiệu tăng nhanh ở một số khu vực khác ngoài Java và Bali. Để ngăn thảm kịch tương tự từng xảy ra trên đảo Java, chính phủ Indonesia quyết định kéo dài lệnh phong tỏa tại các vùng đỏ ngoài Java và Bali tới ngày 23/8.

Sau khi khiến các bệnh viện trên đảo Java điêu đứng, biến chủng Delta lúc này đang lan rộng sang các khu vực khác ở Indonesia, khiến hệ thống chăm sóc y tế tại những nơi này có nguy cơ quá tải.

Tại tỉnh Gorontalo trên đảo Sulawesi, 90% giường chăm sóc bệnh nhân điều trị tích cực đã kín chỗ. Tỷ lệ này ở ít nhất 3 khu vực trên đảo Sumatra đã lên trên 80%, Bộ Y tế Indonesia cho biết.

Trong khi đó, tỉnh Đông Kalimantan trên đảo Borneo chứng kiến dịch bệnh lan nhanh chưa từng có. Giữa tháng 6, tỉnh này chỉ ghi nhận 922 ca mắc Covid-19 trong tuần. Nhưng Đông Kalimantan có thêm 12.127 ca mắc Covid-19 chỉ trong tuần đầu của tháng 8.

Trong ngày 11/8, Indonesia ghi nhận 30.625 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số người mắc bệnh ở nước này lên 3,74 triệu. Số người chết vì Covid-19 trong 24 giờ qua là 1.579, nâng tổng số ca tử vong vì dịch bệnh lên 112.198.

Tới ngày 10/8, Indonesia đã tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19 cho 51,2 triệu dân, tương đương 19,1% dân số. Khoảng 24,5 triệu người Indonesia, tương đương 9,3% dân số, đã tiêm đủ liều vaccine.

Thái Lan dồn lực điều tra vụ nữ du khách Thụy Sĩ bị sát hại ở Phuket

Nhà chức trách Thái Lan đang truy tìm những người nhập cư và cựu tù nhân sống ở Phuket bị nghi có liên quan tới cái chết của nữ du khách Thụy Sĩ.

Số người chết vì Covid-19 ở Indonesia vượt 100.000

Indonesia đang dẫn đầu thế giới về số bệnh nhân Covid-19 tử vong mỗi ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo con số thực tế có thể lớn hơn.

Quy định về quần kiểu bikini khiến quan chức môn bóng ném bị phản đối

Các hiệp hội thể thao châu Âu đang yêu cầu chủ tịch Liên đoàn Bóng ném Quốc tế từ chức sau bê bối liên quan tới quy định trang phục thi đấu kiểu bikini đối với phụ nữ.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm