Tuần trước, ông Jack Ma đã nêu ý kiến của mình về văn hóa làm việc “996”, là cách người Trung Quốc gọi lịch làm việc 12 giờ/ngày, 6 ngày/tuần. Tuy nhiên phát ngôn của ông, được trích lại trên trang Weibo của Alibaba, khiến nhiều người bức xúc vì cho rằng những người lãnh đạo công ty tại Trung Quốc cổ vũ việc vắt kiệt sức lao động.
Jack Ma giải thích nhưng vẫn bị phản đối
Do đó, nhà sáng lập của Alibaba mới đây đã phải giải thích rõ hơn về quan điểm của mình.
“Nếu bạn tìm được công việc yêu thích, thì làm việc 996 không còn là vấn đề. Nếu không có đam mê, thì làm việc phút nào như tra tấn phút đó".
Không ai thích làm việc tại một công ty bắt ép bạn làm theo lịch 996. Không chỉ dã man, làm việc như vậy còn ảnh hưởng tới sức khỏe và chắc chắn là không thể duy trì lâu dài. Ngoài ra, người lao động, các mối quan hệ và cả luật pháp đều không chấp nhận chuyện đó.
"Về lâu dài, kể cả có trả lương cao đi nữa thì nhân viên cũng sẽ nghỉ hết”, ông Jack Ma viết trên trang Weibo cá nhân.
Tỷ phú Jack Ma đã phải giải thích lại về quan điểm của ông đối với văn hóa làm việc tại Trung Quốc. Ảnh: Xinhua. |
Bài viết mới của Jack Ma có vẻ khá mâu thuẫn với những gì ông nói trong cuộc họp nội bộ của Alibaba, khi cho rằng không thể làm việc 12 giờ/ngày thì đừng nghĩ đến chuyện gia nhập Alibaba.
“Còn trẻ mà không làm theo lịch 996 thì bao giờ mới làm? Các bạn nghĩ không phải làm việc vất vả mới là cái đáng khoe à? Nếu không đầu tư thời gian, năng lượng nhiều hơn người khác, làm sao có thể đạt được thành công”, ông Jack Ma nói trong cuộc họp.
Tuy nhiên, theo giải thích của nhà sáng lập Alibaba, thời gian đó không chỉ là để làm việc mà còn là để phát triển bản thân.
“996 đích thực là dành thời gian để học hỏi, suy nghĩ và phát triển bản thân. Những người làm được theo lịch đó là đã tìm được đam mê của mình, và có nhiều thứ khiến họ hạnh phúc hơn là tiền bạc”, ông giải thích trên trang cá nhân.
Bài viết của Jack Ma tiếp tục bị nhiều người chỉ trích trong phần bình luận, cho rằng ông không nắm bắt được tinh thần của nhân viên.
“Lại một lần nữa nói về cống hiến nhưng không nhắc gì đến lương thưởng. Đây đúng là giọng của những người thích bóc lột”, một người bình luận phía dưới.
Bài toán làm việc lâu hay hiệu quả
Trong thời gian qua, nhiều tập đoàn công nghệ Trung Quốc như Huawei, Baidu hay JD đã bị chỉ trích về văn hóa làm việc khuyến khích nhân viên làm thật nhiều, dùng những ngôn từ như “cống hiến” hoặc các hình ảnh kiểu “tinh thần của chó sói”.
Tuần trước, nhà sáng lập JD Richard Liu Qiangdong bình luận trong một bài viết về kế hoạch sa thải những nhân viên không đạt chỉ tiêu. Ông Liu cho rằng ông “không coi những kẻ lười biếng là anh em”, và kêu gọi mọi nhân viên cùng mình cống hiến.
Nhân dân nhật báo của Trung Quốc cũng đăng tải một bài viết cho rằng không nên “chỉ mặt” những người lên tiếng về văn hóa làm việc 996.
“Đánh giá cao sự siêng năng không đồng nghĩa với bắt ép nhân viên làm thêm giờ. Không nên nói những người phản đối văn hóa 996 là ‘kẻ lười biếng’ hay ‘không chịu cống hiến’”, tác giả bài viết bình luận. Bài viết cũng cho rằng việc bắt ép nhân viên làm thêm giờ sẽ không hiệu quả.
Nhiều công ty như Baidu không ép nhân viên làm ngoài giờ, nhưng hầu hết nhân viên đều làm thêm giờ vì ai cũng vậy. Ảnh: Reuters. |
Nhiều người làm trong lĩnh vực phần mềm cho rằng làm việc kéo dài khó có hiệu quả. Trong một bài viết của SCMP, nhiều lập trình viên cho rằng họ không thể tập trung liên tục trong 12 tiếng.
“Quãng thời gian hiệu quả nhất của tôi là từ 4-8h tối, khi tôi tập trung hoàn toàn để lập trình. Phần lớn thời gian trước 4h chiều tôi dành để nói chuyện với đồng nghiệp. Tôi tập trung hơn sau khi họ đã đi về”, một lập trình viên tại Bắc Kinh chia sẻ.
Người này cũng mô tả sếp của anh thường tới văn phòng vào tối muộn để xem ai đang làm việc. Những người này thường được ghi nhận về KPI và có lợi thế khi xem xét thăng chức.
Tại Baidu, công ty tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc, 2 kỹ sư xác nhận công ty không bắt làm việc theo lịch 996, nhưng nhiều người vẫn làm thêm giờ vì áp lực kiểu “ai cũng vậy”.
“Ra về lúc 6h tối là bị coi về sớm”, 1 kỹ sư chia sẻ.
Bytedance, công ty sở hữu ứng dụng TikTok gần đây đã thay đổi chính sách. Nhân viên chỉ còn làm 6 ngày/tuần cách tuần, chứ không liên tục như trước. Nhân viên làm thêm vào cuối tuần được hưởng lương cao hơn 20%, nhưng theo luật lao động Trung Quốc con số này đáng ra phải là 100%.
“Chẳng ai làm kiểu 996 được mãi. Người ta chỉ chấp nhận cống hiến khi công ty phát triển nhanh chóng và có thưởng”, một nhân viên Bytedance chia sẻ.
Một nhân viên khác tại công ty này nói rằng khi phải ở lại văn phòng 12 giờ/ngày, cô thường làm việc cá nhân như xem phim, mua sắm hoặc ngủ gật.
“Khi nhân viên thấy họ cống hiến mà chẳng được gì, tinh thần sẽ đi xuống. Lúc này lịch làm việc 996 sẽ mất tác dụng, mọi người bắt đầu làm việc riêng nhiều hơn. Khi những biểu hiện mất hiệu quả xuất hiện, đã đến lúc dừng lịch làm việc kiểu 996”, William Chen, một nhà sáng lập tại Trung Quốc chia sẻ.
"Ngành công nghệ không nên chú trọng quá nhiều về thời gian làm việc, mà nên tập trung hơn vào việc sáng tạo. Những người sáng tạo cần có thời gian nghỉ ngơi", luật sư Katt Gu, người ủng hộ phong trào phản đối 996 nhận xét.