Xuất phát điểm là nhìn thấy cơ hội qua Internet
Khi tới Mỹ, nhằm thực hiện công việc, một người bạn của Ma đã chỉ cho ông về Internet. Bạn ông cho ông biết rằng tất cả mọi thứ đều có trên Internet. Kết quả là Ma đã quyết định tìm kiếm bia, và ông không chỉ tìm thấy về các hãng bia Trung Quốc mà còn tìm được mọi thông tin về Trung Quốc trên Internet.
Khi về nước, Ma quyết định thành lập China Pages, một thư viện của các công ty Trung Quốc đang tìm kiếm khách hàng và gọi nó là hoạt động kinh doanh trên Internet đầu tiên của Trung Quốc, tuy nhiên sau đó China Pages đã thất bại! Nhưng bốn năm sau, Ma đã thành lập một doanh nghiệp Internet khác. Ông đặt tên cho công ty thứ hai của mình là Alibaba.
Thành công vượt bậc
Khỏi phải nói thêm về dự án thứ hai này của Jack Ma. Bởi tuần tới, Alibaba sẽ bắt đầu giao dịch trên Sàn chứng khoán New York, đây là thương vụ chào bán cổ phiếu lớn nhất trong lịch sử Mỹ. Bloomberg cho biết, Alibaba muốn bán 12% cổ phiếu của công ty. Trong khi đó các nhà phân tích đánh giá hãng thương mại điện tử này trị giá 160 tỷ đôla. Như vậy có nghĩa là Alibaba sẽ tung 20 tỷ đôla cổ phiếu ra thị trường, nhiều hơn mức kỷ lục 19,65 tỷ đôla của Visa.
Nên nhớ, Ma vẫn còn sở hữu 8,9% cổ phiếu của công ty tương đương 14,5 tỷ đôla. Ma không còn giữ chức CEO của Alibaba. Thay vào đó, ông là chủ tịch và vẫn là gương mặt đại diện của công ty.
"Những người bình thường có thể làm được những điều phi thường"
Ma không có điểm gì tương đồng với các CEO công nghệ điển hình. Ông trượt đại học hai lần, tới lần thứ ba ông mới thi đỗ. Ông học để trở thành một thầy giáo và không biết lập trình nhưng lại thành lập một công ty công nghệ khổng lồ.
Trở về thời điểm năm 2010, khi Alibaba đang cạnh tranh gay gắt với eBay ở Trung Quốc, các phóng viên thường gọi Ma là "Crazy Jack" vì cách minh họa của ông khi phát biểu và cả những mục tiêu táo bạo.
Câu chuyện của Ma bắt đầu ở Hàng Châu, Trung Quốc, một thành phố 2,4 triệu dân gần Thượng Hải. Ông được sinh ra ở đây vào năm 1964 trong một gia đình nghệ sĩ ping tan chuyên nghiệp (một loại hình kể chuyện và hát ballad).
"Khi còn nhỏ tôi khá gầy gò, nhưng tôi là một chiến binh tuyệt vời", Ma hồi tưởng trong "Alibaba", một cuốn sách viết bởi Liu Shiying và Martha Avery. "Tôi chưa bao giờ sợ những đối thủ to lớn hơn mình".
Mặc dù ông rất hay đánh nhau với bạn cùng lớp vì họ chế giễu tầm vóc của ông, nhưng ông lại tỏ ra rất quyến rũ khi gặp khách du lịch nước ngoài. Ông thường đến một khách sạn gần nơi ông ở để gặp gỡ mọi người và học tiếng Anh. Ông cũng mua một chiếc đài phát thanh để nghe kênh phát thanh tiếng Anh hàng ngày.
Ông học ngôn ngữ rất tốt nhưng chưa bao giờ học giỏi toán. Điểm toán trong kỳ thi tuyển sinh đại học của ông rất thấp nên ông bị trượt tới hai lần.
Cuối cùng, sau khi chuẩn bị khá nghiêm túc cho lần thi thứ ba, ông đã đỗ vào trường Học viện Sư phạm Hàng Châu trong năm 1988. Ông chia sẻ rằng ngay sau khi tốt nghiệp ông đã bị một số công ty từ chối nhận vào làm, trong đó có Kentucky Fried Chicken. Tuy nhiên, sau đó ông đã trở thành một giáo viên dạy tiếng Anh với mức lương khoảng 12 đôla một tháng tại một trường đại học tại địa phương.
Trong sự bùng nổ xuất khẩu của Trung Quốc, Ma đã thành lập một công ty dịch thuật, nhờ đó mà ông có cơ hội đặt chân tới Mỹ lần đầu vào năm 1995, nơi ông biết đến Internet.
China Pages, nỗ lực đầu tiên của Ma với tư cách một doanh nghiệp Internet, đã thất bại. Theo New York Times, Ma bị gây áp lực, buộc phải liên doanh với China Telecom và cuối cùng bị tước quyền kiểm soát công ty.
Tuy nhiên, Ma đã bắt đầu lại mọi thứ vào năm 1999, khi mà cơn sốt Internet bắt đầu tới Phố Wall ở Mỹ. Ma tập hợp 17 người bạn vào căn hộ của mình và thành lập một trang web thương mại trực tuyến. Trang web có tên Alibaba.com này cho phép các hãng xuất khẩu gửi danh sách sản phẩm để người tiêu dùng có thể duyệt.
Ngay lập tức, nó đã thu hút các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Đến tháng 10/1999, công ty của Ma đã nhận được góp vốn 5 triệu đôla từ Goldman Sachs và 20 triệu đôla từ SoftBank, một hãng viễn thông của Nhật.
Ma là một diễn giả lôi cuốn và biết cách truyền cảm hứng, giấc mơ của mình cho đồng nghiệp. Ngay cả khi mới thành lập nhóm Ma đã tạo cho mọi người cảm giác đây là một gia đình gắn bó, Porter Erisman, tác giả bộ phim tài liệu và là một nhân viên đầu tiên của Alibaba cho biết. Ma thúc đẩy nhóm bằng cách tạo ra một nét đặc trưng đó là trở thành một công ty nhỏ vững vàng sẵn sàng thách thức những gã khổng lồ.
Ma hóa trang và hát trong lễ kỷ niệm 10 năm thành lập của Alibaba. |
"Chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đó vì chúng ta còn trẻ và chúng ta không bao giờ, không bao giờ đầu hàng", Ma nói trong băng thu âm để tập hợp nhân viên.
Ông đã đưa ra những tuyên bố khá táo bạo với báo chí về tốc độ phát triển nhanh chóng của công ty. Với tình yêu nghệ thuật (được thừa hưởng từ cha mẹ), Ma cũng đã tạo ra một số điều kỳ quặc, hài hước tại công ty. Khi Alibaba lần đầu mang lại lợi nhuận, Ma đã cung cấp cho tất cả nhân viên những bình xịt Silly String để họ thoải mái sử dụng. Khi công ty quyết định thành lập Taobao, cạnh tranh với eBay vào đầu năm 2000, ông đã yêu cầu nhóm làm việc trồng cây chuối trong giờ nghỉ để giữ năng năng lượng của họ ở mức cao.
Thậm chí hiện tại, hàng năm Alibaba vẫn tổ chức một cuộc thi tài năng tại một sân vận động khổng lồ, nơi mà các nhân viên có thể tập luyện hàng tuần. Ma cũng đã chúc phúc cho hàng trăm nhân viên Alibaba mới cưới trong trang phục cưới trang trọng tại một nghi lễ thường niên.
Tất nhiên, Ma cũng có lúc mắc sai lầm trong những ngày khởi nghiệp. Công ty đã tăng trưởng rất nhanh nhưng cũng tiêu tốn rất nhiều tiền mặt. Năm 2001, Ma đã phải sa thải toàn bộ nhân viên quốc tế của hãng. Cuối cùng, Ma chấp nhận rủi ro và ông quyết định tạo ra một trang web phục vụ nhu cầu cho công dân Trung Quốc, những người vừa mới biết tới Internet.
Quyết định này giúp Alibaba qua mặt eBay tại Trung Quốc vào giữa những năm 2000. Taobao hiện là một trong 20 trang web được truy cập nhiều nhất thế giới, và, kết hợp với một trang web khác của Alibaba, Tmall, nó đã tạo ra tổng khối lượng giao dịch khổng lồ, lên tới 240 tỷ đôla vào năm 2013.
Ma thôi giữ chức CEO của Alibaba vào năm 2013, CEO mới là Johnathan Lu, người trước đây giữ chức phó chủ tịch cao cấp.
"Tôi nghĩ sẽ dễ dàng hơn cho mình khi từ chức CEO", ông chia sẻ với The Wall Street Journal. "Nhưng bây giờ tôi phát hiện ra rằng muốn làm một chủ tịch tốt cũng rất khó, bận rộn hơn rất nhiều so với một CEO".
Sau khi công ty nộp đơn xin IPO, Ma đã viết một bức thư gửi cho nhân viên Alibaba. Trong đó, Ma nói với họ rằng "sự tàn nhẫn và áp lực vô song" đang chờ đón ở phía trước, nhưng Alibaba có thể vượt qua bằng cách gắn bó với văn hóa và nhiệm vụ ban đầu.
Dưới đây là một đoạn rất đáng giá trong bức thư: "Chúng ta biết rõ chúng ta sẽ không thể tồn tại nếu chỉ tin vào tầm nhìn xa trông rộng và tỏa sáng, hoặc chỉ vì những hành động hoàn hảo của chúng ta. Chúng ta tồn tại vì trong 15 năm qua chúng ta đã trung thành với sứ mệnh của chúng ta là "làm cho việc kinh doanh trên toàn thế giới trở nên dễ dàng hơn", bởi vì chúng ta đã khẳng định trên một hệ thống giá trị "khách hàng là trên hết", bởi vì chúng ta đã kiên trì tin tưởng vào tương lai và bởi vì chúng ta đã khẳng định rằng: Những người bình thường hoàn toàn có thể làm được những điều phi thường".