Bộ trưởng Ngoại giao Angelino Alfano tuyên bố động thái trên trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Italy La Repubblica, phát hành ngày 1/10.
"Chúng tôi đã quyết định ngừng thủ tục chấp thuận. Đại sứ sẽ phải rời khỏi nước này", ông Alfano nói.
"Chúng tôi muốn Bình Nhưỡng hiểu rằng việc cô lập là không thể tránh khỏi nếu họ không thay đổi phương hướng", ngoại trưởng Italy cho biết.
Tuy nhiên, ông Alfano nhấn mạnh rằng Italy không cắt đứt quan hệ ngoại giao "vì việc duy trì một kênh liên lạc là cần thiết".
Bộ trưởng Ngoại giao Italy Angelino Alfano phát biểu trong cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về mối đe doạ của sự phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt tại trụ sở ở New York, Mỹ, ngày 21/9. Ảnh: Reuters. |
AFP cho biết Triều Tiên đã bổ nhiệm quan chức bộ ngoại giao Mun Jong Nam làm đại sứ mới tại Rome hồi tháng 7. Chức vụ này đã bị bỏ trống hơn 1 năm trước đó.
Nhà ngoại giao này đã bắt đầu làm việc ở Rome nhưng chưa hoàn thành thủ tục chấp thuận với chính quyền Italy.
Cộng đồng quốc tế đang tìm cách gây áp lực để Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Trước đó, Tây Ban Nha, Mexico, Peru và Kuwait cũng đã yêu cầu đại sứ Triều Tiên rời đi. Đặc biệt, Trung Quốc đã đồng ý hạn chế xuất khẩu dầu và nhập khẩu hàng dệt may của Triều Tiên từ ngày 1/10.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với Triều Tiên sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6. Bên cạnh đó, Mỹ đã kêu gọi nhiều quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao và tài chính với Bình Nhưỡng.