Ngay sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần 6 vào đầu tháng 9, nhiều người Hàn Quốc khi được phỏng vấn đều cho biết họ lo lắng về “cơm ăn áo mặc” hơn là những hành động khiêu khích hay lời lẽ đe doạ từ Triều Tiên.
Sự quan tâm khác nhau của người dân ở Hàn Quốc với bản tin về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hồi đầu tháng 9. Ảnh: AFP. |
Năm 2017 đánh dấu năm Triều Tiên có những bước tiến vượt bậc về công nghệ tên lửa và hạt nhân. Nước này đã 2 lần phóng tên lửa bay qua Nhật Bản và được cho là có thể tấn công tới căn cứ quân sự Mỹ ở Guam. Vụ thử hạt nhân thứ 6 cũng là lần mạnh nhất từ trước đến nay… nhưng không khiến nhiều người Hàn Quốc bận tâm.
Giai đoạn đụng độ nghiêm trọng gần nhất giữa Triều Tiên và Hàn Quốc là năm 2010 khi Triều Tiên lần lượt bắn chìm tàu chiến Cheonan và pháo kích đảo biên giới Yeonpyeong. Tuy nhiên, những người dân ở Seoul, thành phố nằm trọn trong tầm bắn của tên lửa Triều Tiên, vẫn tin rằng các sự cố sẽ không thể leo thang để bùng phát thành chiến tranh.
“Vài người chú ý đến bản tin về vụ pháo kích khi nó được chiếu trên màn hình ở trung tâm mua sắm, rồi nhanh chóng rời đi. Họ không phải đi trốn, mà họ tìm mua vội món hàng trước khi siêu thị đóng cửa. Tôi cũng mua khăn choàng, vì nó sẽ phát huy tác dụng trong trường hợp chúng ta bị mất điện do Triều Tiên tấn công”, Dohoon Kim, chủ biên trang Huffington Post Korea, viết.
Sự bàng quan, hoặc rất lạc quan, của người dân Hàn Quốc được thể hiện cụ thể qua khảo sát mới nhất của Gallup (Mỹ), thực hiện sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần 6 vào tháng 9/2017. Theo đó, đến 58% người dân Hàn Quốc tin rằng chiến tranh sẽ không tái diễn trên bán đảo Triều Tiên.
Thanu niên Hàn Quốc ngày nay lo lắng vì những áp lực có thật trong cuộc sống hơn là những tuyên bố rỗng, lời đe doạ liên tục lặp lại của Triều Tiên. Ảnh: AP. |
Về mặt kỹ thuật, hai miền vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, chứ không phải hiệp định hoà bình. Cùng với tính cách khó đoán của nhà lãnh đạo Kim Jong Un nên giới chức Hàn Quốc cho biết họ luôn yêu cầu quân đội trong tình trạng sẵn sàng, đặc biệt trong bối cảnh Bình Nhưỡng liên tục gây hấn và leo thang.
Tuy nhiên, phần lớn thanh niên Hàn Quốc đều là những người không có ký ức về cuộc chiến đã xảy ra 60 năm trước. Họ bị chi phối nhiều hơn bởi những khó khăn sát sườn trong cuộc sống hàng ngày, như tỷ lệ thất nghiệp tăng, suy thoái kinh tế khiến công việc ngày càng áp lực, nhiều người tự tử vì bế tắc cuộc sống…
So với những thách thức trực tiếp phải đối mặt ngày qua ngày, người Hàn Quốc ít bận tâm hơn đến những lời đe doạ từ năm này qua năm khác của Triều Tiên. Lời đe doạ chiến tranh mới nhất của nhà lãnh đạo Kim Jong Un hoặc Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong Ho cũng không phải là ngoại lệ.
Trên thực tế, trang NK News đã thống kê những bản tin của KCNA và cho thấy Triều Tiên đã đe doạ khởi chiến đến 200 lần trong hơn 20 năm qua.
Tần suất cụm từ "tuyên bố chiến tranh" được nhắc đến trong các bản tin của KCNA. Ảnh: NK News. |
Đó là những lần Bình Nhưỡng phản ứng khi hãng Sony phát hành bộ phim The Interview năm 2014 để chế giễu các lãnh đạo Triều Tiên; hoặc khi một vụ nổ súng xảy ra ở khu vực đình chiến cách đây 2 năm; hay khi Triều Tiên bị Tổng thống Mỹ George W. Bush xếp vào “trục ma quỷ” năm 2003...
Tuy nhiên, lời đe doạ cuối tháng 9/2017 của Ngoại trưởng Ri khiến giới quan sát chú ý hơn, do ông này đề cập đến một hành động cụ thể là Triều Tiên có thể bắn hạ máy bay Mỹ. Trong nhiều bài phân tích, các chuyên gia đều nhận định sự đe doạ cứng rắn này là điều mà Bình Nhưỡng phải làm, do họ không thể cho qua việc lãnh đạo cấp cao bị ông Trump thản nhiên nói xấu.
Nếu xung đột Triều Tiên - Mỹ thật sự xảy ra, Hàn Quốc chắc chắn sẽ bị liên lụy và chịu thiệt hại. Khi đó, chính quyền hiện tại của nước này, vốn không theo đuổi chính sách cứng rắn như người tiền nhiệm, sẽ rơi vào thế khó khăn trong việc quyết định phản công như thế nào. Tổng thống Moon Jae In là người chủ trương tìm cách đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán.
Nhưng một điều đã rõ, là ông Kim Jong Un sẽ không bao giờ chấp nhận lời kêu gọi Triều Tiên phải từ bỏ vũ khí hạt nhân, do Bình Nhưỡng xem đây là sức mạnh gắn liền với sự vững chắc của chế độ. Cho nên trong quá trình các nước tìm cách đối phó, Triều Tiên sẽ lại tiếp tục đe doạ “tuyên bố chiến tranh” vào một thời điểm khác.