Với 196 ca tử vong mới, Italy lại tiếp tục ghi nhận số người tử vong tăng cao kỷ lục. Một ngày trước đó, nước này ghi nhận thêm 168 ca tử vong.
So với con số ca tử vong mới được công bố gần nhất của Trung Quốc - với 22 ca được Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc công bố hôm 11/3, số ca tử vong mới ở Italy đã cao gấp 9 lần.
Tại khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất - vùng Lombardy, tổng cộng 617 ca tử vong được ghi nhận, tăng 149 ca trong vòng 24 giờ.
Khu vực này - bao gồm cả Milan, thủ phủ tài chính Itaty, chiếm đa số ca nhiễm tại Italy, chứng kiến sự gia tăng mạnh các ca nhiễm mới, với 1.489 ca trong 24 giờ, theo Reuters.
Hôm 11/3 cũng ghi nhận hàng loạt ca tử vong đầu tiên ở nhiều quốc gia, bao gồm Cộng hòa Ireland, Thụy Điển, Bulgaria và Kuwai.
Nhân viên thực hiện phun khử trùng tại một bảo tàng ở Naples, Italy hôm 10/3. Ảnh: AP. |
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cùng ngày nói rằng dịch Covid-19 đã tới giai đoạn có thể gọi là đại dịch. Với những số liệu mới nhất cho thấy số ca ca nhiễm virus corona trên toàn cầu đã lên tới hơn 118.000 ca nhiễm và 4.291 ca tử vong, ông Tedros cho biết WHO đưa ra đánh giá rằng Covid-19 có thể được mô tả như một đại dịch.
Lãnh đạo WHO cũng cho biết thêm số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đại lục đã tăng gấp 13 lần trong hai tuần qua.
Trong bối cảnh bùng phát virus corona diễn ra nghiêm trọng tai Italy, Thủ tướng nước này, ông Giuseppe Conte ngày 9/3 đã mở rộng các biện pháp đối phó virus corona trên toàn quốc, yêu cầu người dân ở nhà và cấm mọi hoạt động tụ tập nơi công cộng cùng với tất cả trận đấu trong khuôn khổ giải vô địch quốc gia Serie A.
Biện pháp này được đưa ra sau khi các con số tử vong và ca nhiễm tại quốc gia châu Âu này vẫn tiếp tục tăng nhanh.
Các biện pháp chưa từng có tiền lệ được áp dụng trên toàn quốc, tác động đến hơn 60 triệu người - quy mô tương đương với tâm điểm dịch tỉnh Hồ Bắc bị Trung Quốc phong tỏa.
Việc đi lại ở Italy rơi vào hỗn loạn ngày 10/3, nhưng không dừng hẳn, sau lệnh phong tỏa cả nước.
Một số hãng như Air Canada, British Airways, Ryanair, Easyjet và WizzAir tuyên bố hủy nhiều chuyến bay tới Italy.
Tây Ban Nha ngưng đi lại hàng không với Italy trong hai tuần, trong khi Áo đưa ra giới hạn nhập cảnh với người từ Italy. Ở sân bay Fiumicino của Rome, vẫn có chuyến bay tới một số địa điểm ở châu Âu và ở Italy.
Hai tình thế trái ngược đang diễn ra khi ở Trung Quốc, những biện pháp giới hạn nghiêm ngặt nhất đang được gỡ bỏ ở tỉnh Hồ Bắc, còn ở châu Âu, các nước đang báo động mức cao, theo AFP.
Hàng loạt hãng hàng không tuyên bố hủy chuyến bay tới Italy trong nhiều tuần tới, trong khi một số nước châu Âu tuyên bố đóng cửa trường học, và cấm các sự kiện đông người. Slovenia cho biết sẽ đóng cửa biên giới với Italy, trong khi Áo cấm các chuyến tàu, chuyến bay sang nước này.