Kết thúc loạt sút luân lưu, Bonucci hét vào ống kính máy quay: “It's coming to Rome” để nhại lại câu “It's coming home” của người Anh. Thật bẽ bàng khi sân Wembley đón hàng chục nghìn khán giả, Hoàng gia Anh đến xem, David Beckham rủ cạ cứng Tom Cruise sang coi mấy đứa đàn em nâng cúp, nhưng tuyển Anh chỉ chuốc thêm một lần ê chề.
Toàn bộ trận chung kết có lẽ đã gói trong tấm ảnh chắc chắn sẽ viral này: Chiellini kéo Saka lại. Anh khởi đầu hùng hổ với sức trẻ, chỉ mất hơn một phút để ghi bàn, nhưng rốt cục hai ông già Italy ở trung tâm hàng thủ mới cho họ biết thế nào là lễ hội.
Chiellini kéo áo Saka ở cuối trận chung kết Euro 2020. Ảnh: Reuters. |
Italy già rơ hơn và rõ ràng là hay hơn. Khi Chiellini cầm cúp lên, mình mới thấy Italy đã thực sự trải qua một cuộc cách mạng về tư duy. Ngày xưa nguyên đội đẹp trai như tài tử thì đá xấu, giờ toàn mấy ông xấu nhưng tấn công đẹp.
Nhiều người không thích cách các cầu thủ Anh tháo huy chương bạc ra trên bục. Sao họ phải xấu hổ vì đã về nhì? Thể thao đúng là nơi chỉ tôn vinh những nhà vô địch, nhưng ngôi á quân cũng rất ấn tượng sao? Lần gần nhất Anh vào chung kết một giải đấu lớn là khi nào? Lúc đó còn chưa có Ngoại hạng Anh.
Dẫn dắt một dàn cầu thủ trẻ vào đến chung kết, huấn luyện viên (HLV) Southgate thực sự rất giỏi và các cầu thủ Anh thực sự rất giỏi. Ngoài Southgate, có lẽ không ai dám sử dụng một cặp tiền vệ trung tâm mà một cầu thủ của West Ham, một người của Leeds United.
Sẽ không ai chửi Saka đâu nhỉ? Cầu thủ 19 tuổi bị giao đá trái khóa đuôi trong trận đấu quan trọng nhất cuộc đời. Nhưng sẽ nhiều người chửi Southgate, thay 2 cầu thủ trẻ vào đá luân lưu, thì cả hai đều thực hiện không thành công. Nhưng lúc Southgate tung 2 người này vào, mình thực sự nghĩ quyết định ấy rất hợp lý.
Quyết định chọn người đá luân lưu gây tranh cãi của Southgate. Ảnh: Reuters. |
Trong khung thành Italy là Donnarumma, thủ môn hay nhất giải. Donnarumma cũng giúp Italy thắng trong loạt sút luân lưu ở bán kết. Ném 2 tài năng trẻ vào sân là chơi đòn tâm lý với Donnarumma. Và chắc chắn một điều: Các cầu thủ Anh đã tập sút 11 m nát nước cả rồi.
Tứ kết World Cup 2014, HLV Louis van Gaal rút thủ môn Cillessen ra, ném Tim Krul vào phút chót hiệp phụ với Costa Rica chỉ để sau đó anh tỏa sáng ở loạt sút luân lưu. Nhưng ngay trong trận tiếp theo đó với Argentina, Hà Lan lại phải đá luân lưu và Van Gaal đã không làm lại màn đó và thua. Những trò chơi tâm lý kiểu này chỉ dùng được một lần và đó là màn chơi dao, thắng thì huy hoàng, bại thì điêu tàn.
Southgate đơn thuần đã thua trong canh bạc tâm lý, nhưng ông làm quá giỏi ở giải lần này. Việc tuyển Anh vào đến chung kết là quá thành công rồi. Chúng ta thích cách ông ôm Saka và Sancho sau trận đấu và an ủi họ. Thế giới không dừng lại chỉ sau một quả luân lưu hỏng ăn, và 2 người còn cả tương lai phía trước.
Tương lai đó có lẽ đã rạng rỡ hơn, hoành tráng hơn nếu họ sút vào 11 m và trở thành nhà vô địch châu Âu ở tuổi đôi mươi. Nhưng một lần nữa, về nhì có tệ đến như người ta vẫn nói không? Người ta đã chỉ thua đúng đội giỏi nhất, giỏi thứ nhì cũng đáng được tôn vinh chứ.
Nếu muốn hỏi cảm giác thua chung kết Euro, rồi sau đó chờ ngày vô địch thế nào thì cứ đi hỏi đội Italy. Thua tức tưởi ở Euro 2000, thua bất lực tại Euro 2012 rồi giờ vô địch.
Còn Anh mới thua có một trận chung kết, hãy nghe lời James Bond nói: Bóng đá sẽ về nhà, chỉ là vào một ngày khác thôi, vì "Tomorrow never dies".