Các lệnh yêu cầu người dân ở nhà tiếp tục được ban hành ở Mỹ. Giờ đây 1 trên 3 người Mỹ đang được lệnh không ra ngoài, trong khi các lệnh cách ly xã hội cũng đang leo thang tại châu Âu, nơi chiếm đến 1/2 số ca nhiễm virus của thế giới.
Tổng dân số được lệnh ở nhà tại Mỹ lên tới 101 triệu người, giữa lúc số người nhiễm toàn quốc vượt mức 34.000, còn số ca tử vong vượt trên 410, theo thống kê của Reuters.
Hàn Quốc có thêm 64 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 8.961
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ngày 23/3 thông báo nước này có thêm 64 ca nhiễm trong 24 giờ qua, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus ở nước này lên 8.961.
Số liệu mới nhất tiếp tục kéo dài chuỗi 12 ngày liên tiếp số ca nhiễm mới của Hàn Quốc ở mức quanh 100 hoặc thấp hơn, cho thấy dịch bệnh đã được kiểm soát đáng kể.
Harvey Weinstein dương tính với virus corona
Ngày 22/3, NBC News 4 ở New York đưa tin hai phạm nhân đã dương tính ở nhà tù Wende gần Buffalo, bang New York, cùng nhà tù mà Harvey Weinstein bị chuyển tới để lĩnh án 23 năm, nhưng không cho biết danh tính.
Sau đó tờ báo địa phương Niagara Gazette đưa tin một trong hai phạm nhân đó là Harvey Weinstein, và New York Post sau đó xác nhận thông tin.
Cơ quan quản lý nhà tù của bang New York xác nhận rằng Weinstein đã được chuyển tới nhà tù Wende (cách Manhattan 6 tiếng về phía tây bắc) từ ngày 18/3, tuy rằng Wende chỉ là nơi tiếp nhận tù nhân mới, và Weinstein sẽ thụ án tại nhà tù Fishkill cũng ở bang New York, theo Niagara Gazette.
Niagara Gazette đưa tin Weinstein có thể đã nhiễm bệnh trước khi được chuyển tới nhà tù Wende từ nhà tù khét tiếng Rikers Island tuần trước.
Harvey Weinstein, nhà sáng lập hãng phim Weinstein Company, từng là người đàn ông quyền lực hàng đầu ở Hollywood trước khi dính bê bối tấn công tình dục. Ảnh: AP. |
Các bang của Mỹ tăng cường cách ly xã hội
Ohio, Louisiana và Delaware là những bang mới nhất ra lệnh giới hạn đi lại như trên vào ngày 22/3, theo sau New York, California, Illinois và Connecticut.
“Những gì chúng ta làm ngay bây giờ sẽ làm chậm kẻ xâm lược. Sẽ cầm chân kẻ xâm lược để hệ thống y tế của chúng ta... có thời gian để điều trị người bệnh”, Thống đốc Ohio Mike DeWine phát biểu.
Trong ba bang mới ra lệnh, Louisiana có 837 ca nhiễm và 20 ca tử vong, tức đứng thứ ba về số ca nhiễm trên dân số, và số ca nhiễm tại đây đã tăng 10 lần trong tuần qua, Thống đốc John Bel Edwards cho biết.
Thượng nghị sĩ bang Kentucky Rand Paul của đảng Cộng hòa là thành viên đầu tiên của Thượng viện tuyên bố nhiễm Covid-19. Trước đó, ít nhất hai thành viên của Hạ viện đã dương tính.
Thị trưởng New York, một tâm dịch ở Mỹ, ngày 22/3 nói dịch bệnh là cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất kể từ Đại Suy thoái ở Mỹ thập niên 30, và kêu gọi quân đội Mỹ tới hỗ trợ. Ông nói thành phố New York không nhận đủ hỗ trợ về vật tư y tế từ chính quyền liên bang để đối phó với làn sóng bệnh nhân nặng, cần máy thở, nguy hiểm tính mạng.
Trong khi đó, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cũng nói sự hỗ trợ từ chính phủ liên bang hiện chưa đủ, kêu gọi quân đội xây dựng bệnh viện tạm. Ông cảnh báo 40-80% người dân New York có thể sẽ nhiễm virus.
“Thời gian là rất quan trọng, từng phút đều quan trọng, là chuyện sống chết”, ông nói. “Nhưng đồng thời, sẽ không có sự hỗn loạn... cuộc sống sẽ diễn ra, chỉ khác đi. Nhưng cuộc sống vẫn diễn ra”.
Ngày 22/3, Tổng thống Trump nói sẽ điều Vệ binh Quốc gia tới New York, California và Washington để chống dịch, và tàu bệnh viện Mercy sẽ tới Los Angeles trong vòng một tuần.
Đức cấm tụ tập trên 2 người, thủ tướng tự cách ly
Hôm 22/3, Đức đã cấm các nhóm trên 2 người tụ tập, ngoại trừ gia đình.
Bà Merkel cũng nói sẽ tự cách ly tại nhà ngay lập tức sau khi biết một bác sĩ tiêm chủng bệnh viêm phổi cho bà hôm 20/3 đã nhiễm virus corona chủng mới, theo thông báo từ văn phòng thủ tướng Đức. Bà sẽ được kiểm tra thường xuyên trong những ngày tới trong khi làm việc tại nhà.
Thông tin này nhanh chóng chiếm lĩnh các mặt báo thay cho tin về các biện pháp cách ly xã hội rộng rãi mà bà Merkel công bố trước đó.
Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: Reuters. |
Quy định mới của Đức, sẽ được áp dụng trong ít nhất hai tuần, được xem là thuộc hàng khắt khe nhất trong số lệnh cấm ra đường đã được áp dụng tại nhiều nước. Tại Đức, số ca nhiễm đã tăng lên đến hơn 23.900 hôm 22/3, với hơn 90 người tử vong.
Theo quy định mới, người dân vẫn sẽ được phép đến nơi làm việc và rời nhà để chăm sóc người thân, đi khám bệnh và mua sắm. Các cuộc họp được xem là quan trọng và các kỳ thi vẫn sẽ diễn ra, và người dân sẽ được cho phép ra ngoài để tập thể dục hoặc đi dạo, miễn là họ giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 mét.
Ca nhiễm và tử vong ở Italy giảm nhẹ
Italy có 3.957 ca nhiễm mới ngày 22/3, nâng tổng số lên 59.138. Số ca tử vong mới là 651, nâng tổng số ca tử vong lên 5.476.
Italy vừa ra lệnh cấm đi lại trong nước ngày 22/3, trong nỗ lực mới nhằm ngăn virus lây lan, theo Reuters. Bộ y tế và bộ nội vụ của Italy ra thông cáo yêu cầu người dân không đi tới thị trấn hay vùng khác trừ khi thật cần thiết hoặc vì lý do y tế.
Chính phủ cũng ra lệnh ngưng mọi hoạt động kinh doanh không thiết yếu để buộc thêm nhiều người nữa phải ở nhà. Những ngành nghề nhắm tới lần này là xe hơi, may mặc và nội thất, và sẽ có cho tới ngày 25/3 để dừng hoạt động, đóng cửa cho đến ngày 3/4.
Một hành khách đi tàu đến Naples, Italy hôm 22/3. Ảnh: Reuters. |
Italy đang có nhiều ca tử vong vì dịch Covid-19 nhất thế giới, trong khi đó số ca nhiễm đứng thứ hai sau Trung Quốc. Nhưng số ca nhiễm mới ngày 22/3 thấp hơn ngày 21/3 (6.557 ca), và số ca tử vong mới cũng thấp hơn ngày 21/3 (793 ca).
“Chúng tôi không muốn phóng đại lên về xu hướng, nhưng so với ngày hôm trước thì các con số có giảm một chút”, Franco Locatelli, đứng đầu một hội đồng y tế cấp cao của Italy tư vấn cho chính phủ, cho biết.
“Chúng ta không thể mất cảnh giác, và vẫn phải tiếp tục các biện pháp đang có và tuân thủ chỉ dẫn của chính phủ”, ông nói tại một buổi họp báo.
Một số lãnh đạo địa phương đã hối thúc Thủ tướng Giuseppe Conte ra các biện pháp mạnh hơn giữa lúc số ca nhiễm tiếp tục tăng mạnh.
Đến khi thủ tướng ra lệnh đóng cửa doanh nghiệp, một số lãnh đạo doanh nghiệp tỏ ra bất bình, trong khi các lãnh đạo công đoàn lại nói ông Conte chưa đủ cứng rắn, và đe dọa tổng đình công nếu quá nhiều công nhân gặp nguy cơ về sức khỏe.
Trong một video trên Facebook ngày 22/3, ông Conte nói Italy đang gặp khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ sau Thế chiến II, với hệ thống bệnh viện ở vùng trù phú phía bắc gần đã căng hết giới hạn, và hầu như toàn bộ số giường điều trị tích cực đã kín.