Các tay súng IS tại Tikrit, Iraq. Ảnh: Getty Images |
Cách đây gần 5 tháng, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố tại Nhà Trắng: “Mục tiêu của chúng ta đã rõ ràng. Mỹ sẽ làm giảm và tiêu diệt IS thông qua chiến lược chống khủng bố toàn diện và bền vững”, CNN đưa tin.
Từ thời điểm đó, Mỹ đã cử các chuyên gia hỗ trợ quân đội Iraq trong cuộc chiến chống IS và đánh bom các điểm mà chúng đang chiếm giữ. Tuy nhiên, trong cuộc trả lời phỏng vấn của CNN tuần trước, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel nhận định rằng có thể Washington sẽ cần tăng cường hoạt động chống IS.
Những ngày qua, dư luận thế giới theo dõi số phận của 2 con tin Nhật và phi công người Jordan mà IS giữ với tâm trạng hồi hộp. Chúng đã chặt đầu cả 2 công dân Nhật trước sự căm phẫn của người dân xứ hoa anh đào.
Các chuyên gia đặt câu hỏi: IS đang đối phó như thế nào khi đối mặt với các chiến dịch quân sự chống chúng do Mỹ dẫn đầu tại Iraq và Syria? Mỹ có nên tham gia nhiều hơn vào cuộc chiến, ít nhất là ở Iraq?
Trong khi đó, Washington xác nhận liên quân đã tiêu diệt hơn 6.000 binh sĩ IS kể từ khi họ tham gia chiến dịch. Con số này rất đáng kể khi chúng ta nói về quân số hiện tại của IS. Theo tình báo Mỹ, IS có khoảng từ 9.000 đến 18.000 tay súng. Chúng đang thu hút chiến binh từ các tổ chức khủng bố khác để tăng quân số lên khoảng 30.000.
Theo các quan chức Mỹ, hồi tháng 10/2014, IS tuyển mộ khoảng 1.000 binh sĩ nước ngoài trong một tháng. Tướng Joseph L. Votel, người đứng đầu Sở chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của Mỹ, cho hay, kể từ khi bất ổn Syria nổ ra, “hơn 19.000 chiến binh từ 90 quốc gia đã đến Syria và Iraq”. Vì vậy nếu chiến dịch của Bộ chỉ huy trung tâm Mỹ khiến 1.200 tay súng thiệt mạng mỗi tháng và quân số của nhóm khủng bố tăng lên chóng mặt, khoảng 1.000 tay súng nước ngoài trong một tháng, chiến dịch mới chỉ thành công ở mức độ khiêm tốn.
Tuần trước, ông Hagel chia sẻ với CNN rằng Washington cần cử nhiều quân không tham chiến hơn nữa tới Iraq để đối phó với IS. “Chúng ta phải xem xét mọi phương án. Tôi nghĩ chúng ta cần tăng quân, không phải để tham chiến, mà để xác định các mục tiêu cần tấn công".
IS kiểm soát khoảng 8 triệu dân tại Iraq và Syria
Ngày 30/1, IS bất ngờ tấn công Kirkuk ở miền bắc Iraq, nơi nhiều người Kurd sinh sống. Động thái của IS nhằm đẩy các chiến binh người Kurd xa Mosul, căn cứ quan trọng của IS ở Iraq. Tổ chức khủng bố đã kiểm soát Mosul, thành phố lớn thứ 2 của Iraq, từ hồi tháng 6/2014 nhưng trong thời gian qua, lực lượng người Kurd đã đẩy lùi kẻ thù.
Quan chức người Kurd tuần trước cho hay họ đã cắt đường tiếp viện đến Mosul của kẻ thù và lấy lại khoảng 500 km2 xung quanh thành phố từ tay nhóm khủng bố.
Bên cạnh Mosul, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng cũng mất quyền kiểm soát ở một số nơi khác. Quân đội Iraq đã đẩy lùi nhóm khủng bố ra khỏi tỉnh Diyala, khu vực quan trọng gần Baghdad và giành lại gần 2.000 km2 ở vùng Sinjar thuộc miền đông của nước này. Ngoài ra, các cuộc không kích của Mỹ cũng tiêu diệt nhiều kẻ đứng đầu IS.
Tuần trước, IS mất quyền kiểm soát Kobani, thị trấn nhỏ ở biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù vậy, 1/3 lãnh thổ Syria vẫn nằm trong tay tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng. Chúng kiểm soát khoảng 8 triệu dân ở Iraq và Syria.
IS tăng quân vì lôi kéo binh sĩ từ các phiến quân
Mặc dù thất bại trên một số mặt trận nhưng ảnh hưởng của IS đang dần lớn mạnh trong thế giới Hồi giáo. Trong 6 tháng qua, IS đã nhân rộng quân số bằng cách kéo chiến binh từ các phiến quân khác từ Algeria tới Pakistan.
Các phiến quân thực hiện những vụ tấn công trên danh nghĩa của IS. Ngày 27/1, các tay súng có quan hệ với IS tấn công khách sạn Corinthia ở Tripoli, Libya khiến 10 người thiệt mạng.
Ngày 29/1, ít nhất 32 người thiệt mạng trong một loạt vụ tấn công vào binh sĩ và cảnh sát tại Sinar, Ai Cập. Tổ chức khủng bố Province of Sinai nhận trách nhiệm vụ tấn công và thừa nhận có liên hệ với IS.
CNN đưa tin, IS đã tiến vào lãnh thổ Yemen để cạnh tranh với al Qaeda trên Bán đảo Arab. Nhiều phiến quân trong thế giới Hồi giáo nhận thấy IS thành công tại Syria và Iraq nên tình nguyện gia nhập, thay vì trước đây chúng tìm đến al Qaeda. IS càng lớn mạnh ở Trung Đông, chúng càng dụ được nhiều tay súng nước ngoài. Một số sẽ quay trở về quê hương tại các nước phương Tây và gây ra các vụ tấn công trên chính mảnh đất mà họ sinh ra.