Văn phòng Nhân quyền và chương trình Nhiệm vụ Hỗ trợ Iraq, hai bộ phận trực thuộc Liên Hợp Quốc, đưa ra một bản báo cáo chung về sự tồn tại của 202 ngôi mộ tập thể ở phía bắc và phía tây Iraq, nằm rải rác ở các khu vực Nineveh, Kirkuk, Salah al-Din và Anbar.
Báo cáo nhận định rất khó để thống kê chính xác số lượng người chết trong những ngôi mộ này. Ngôi mộ nhỏ nhất được tìm thấy ở phía tây thành phố Mosul chứa 8 bộ xương trong khi ngôi mộ lớn nhất ở phía nam của thành phố được cho là chứa hàng nghìn thi thể.
Mặc dù vậy, bản báo cáo cho rằng những ngôi mộ tập thể này sẽ cung cấp chứng cứ pháp y quan trọng cho việc xác định danh tính các nạn nhân. Những thông tin này cũng giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu quy mô tội ác gây ra bởi lực lượng IS ở Iraq.
Năm 2014, IS chiếm quyền kiểm soát một phần lớn lãnh thổ Iraq, trong đó có thành phố lớn thứ hai của nước này là Mosul. Ảnh: AP |
Báo cáo có đoạn viết: “Sự thật và công lý đòi hỏi quá trình bảo quản và khai quật một cách phù hợp những ngôi mộ này, cùng với đó là việc xác định danh tính các thi thể và trao trả nạn nhân về với gia đình”.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cũng cho thấy gia đình của các nạn nhân mất tích tiếp tục đối mặt khó khăn trong quá trình xác định số phận người thân của họ.
Những người này phải báo cáo sự việc đến năm cơ quan khác nhau của chính phủ, một quá trình được miêu tả là không chỉ tốn nhiều thời gian mà còn gây ra sự bực bội cho những gia đình đang chịu cảnh mất mát.
Bên cạnh việc kêu gọi thành lập một cơ quan thống kê từ chính quyền trung ương, báo cáo thúc giục chính phủ Iraq có phương án tiếp cận từ nhiều hướng với vấn đề này. Cần có sự tham gia của những chuyên gia kinh nghiệm trong lĩnh vực vũ khí và chất nổ, cùng với các chuyên gia khám nghiệm hiện trường.
Báo cáo kết luận: “Gia đình nạn nhân có quyền được biết điều gì đã xảy ra với người thân của họ. Sự thật, công lý và những hành động bù đắp là cần thiết để chứng tỏ tội ác tàn bạo của IS ở Iraq”.
Năm 2014, IS kiểm soát một phần rộng lớn lãnh thổ Iraq, bao gồm cả thành phố lớn thứ hai nước này là Mosul, lực lượng này tiếp tục mở rộng lãnh địa cho đến tận tháng 12/2017.
Điều này dẫn đến “một chiến dịch lây lan bạo lực và việc vi phạm một cách có hệ thống quyền con người, bao gồm các tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loại người và có thể bao gồm tội diệt chủng”.