- Là chuyên gia thể thao, ông biết những gì về Ironman - loại hình rất mới ở Việt Nam?
- Ironman là một cuộc đấu đặc thù, biến thể từ triathlon - 3 môn phối hợp hiện đại, có trong chương trình thi đấu của các kỳ Olympic và ASIAD, cũng như từng xuất hiện ở SEA Games.
Ở Việt Nam, cách đây 10 năm, từng có giải triathlon do một tổ chức quốc tế thực hiện tại Hội An (Quảng Nam). Tuy nhiên, cuộc đấu khi đó chỉ dành cho người nước ngoài và chưa có người Việt Nam nào tham gia.
Hiện tại, có thể khẳng định, Việt Nam chưa có môn và VĐV triathlon.
Các VĐV phải trải qua quãng đường 90 km trên yên xe. |
- Liệu có phải vì đòi hỏi khắc nghiệt của môn này, cả về thể hình, sức mạnh, lẫn sức bền nên đến giờ triathlon vẫn vắng bóng tại Việt Nam?
- Theo tôi, đó chỉ là một lý do. Điều quan trọng chính là việc chúng ta chưa nhìn nhận và đón nhận nó, cả trên hai tư cách: một loại hình vận động, rèn tập có tính hấp dẫn, giải trí cao gắn với du lịch và một môn thể thao hiện đại nằm trong chương trình Olympic, ASIAD.
Xin nói thật, ngay cả dân chuyên môn cũng đang thấy triathlon là một môn vẫn còn rất xa vời và chưa phù hợp. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc gây dựng có cả thuận lợi và khó khăn, mà điều quyết định nếu chúng ta quyết tâm làm chắc chắn sẽ thành công.
Ở Đông Nam Á đang có 3 nước đầu tư môn này rất mạnh là Malaysia, Thái Lan, Singapore. Trong đó, Singapore và Malaysia từng có đại diện dự tranh Olympic. Những nước có điều kiện tương đồng như thế đều làm được, không cớ gì Việt Nam không làm được.
Môn triathlon đã được đưa vào các giải đấu lớn như Olympic hay ASIAD. |
- Vậy theo ông , đó là những thuận lợi, khó khăn gì?
- Khó khăn lớn nhất chính là mặt bằng chung thể hình, sức mạnh, sức bật của con người Việt Nam khá khiêm tốn so với đòi hỏi của triathlon. Môn này cũng có tính quy trình, bài bản, phối hợp rất cao, gắn với thời gian tương đối dài. Trên thực tế, chúng ta cũng chưa có gì, ngay cả nhận thức, khái niệm tối thiểu.
Tuy nhiên, về mặt khách quan, triathlon lại rất thuận lợi tại Việt Nam với hàng loạt địa phương có bãi biển dài đẹp, vô cùng lý tưởng cho việc tập luyện, thi đấu. Triathlon cũng rất phù hợp với xu hướng đó khi thể thao thế giới đang ưu tiên thúc đẩy các môn thể thao hiện đại - giải trí - phối hợp.
Trong khi đó, Thể thao Việt Nam cũng đang hội nhập quốc tế mạnh mẽ và toàn diện chứ không chỉ bó hẹp ở chuyên môn hay thành tích, và các môn thể thao biển, kết hợp du lịch đang trở thành điểm nhấn hàng đầu. Ngay năm tới, Việt Nam sẽ đăng cai Đại hội thể thao Bãi biển châu Á tại Đà Nẵng.
- Chúng ta sẽ phải bắt đầu từ đâu để thúc đẩy triathlon tại Việt Nam?
- Việc tổ chức giải Ironman chính là một trong những phương thức quan trọng để quảng bá, thúc đẩy triathlon tại Việt Nam. Như theo dõi của tôi, rất nhiều môn đã được du nhập và phát triển mạnh chính từ các cuộc đấu như thế, có chất lượng cao về nhiều mặt và được quảng bá rộng rãi.
Từ đây, các nhà tổ chức cũng hoàn toàn có thể đề nghị và phối hợp với ngành thể thao để có một chiến lược, lộ trình bài bản, khả thi cho môn này tại Việt Nam. Có lẽ chúng ta nên bắt đầu theo hướng gây dựng, thúc đẩy phong trào gắn với du lịch làm nền tảng, từ đó tiến tới thể thao thành tích cao.
Ngoài cơ quan quản lý nhà nước (có thể Vụ TDTT Quần chúng hay Vụ Thể thao thành tích cao thuộc Tổng cục TDTT), Hiệp hội Thể thao Điện tử Giải trí Việt Nam có thể làm “đầu mối”, hay thậm chí hoàn toàn có thể thành lập một tổ chức xã hội - nghề nghiệp riêng cho triathlon.
Cần có thêm nhiều giải đấu được tổ chức, từng bước nâng cấp đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia, cũng như sớm ban hành và phổ biến rộng rãi Luật Triathlon, trên cơ sở tham khảo luật quốc tế…
- Trong trường hợp Việt Nam cần tuyển chọn, đào tạo lực lượng VĐV triathlon theo hướng đỉnh cao dự tranh các giải quốc tế, chúng ta nên tiến hành ra sao?
- Tôi cho rằng, để có một VĐV triathlon đủ sức thi đấu quốc tế, chúng ta cần phải mất khoảng 10 năm, trải qua quá trình tuyển chọn, đào tạo chuyên biệt. Còn trước mắt, chúng ta có thể làm theo cách rất “đắc dụng” của nhiều môn khác là tuyển chọn các VĐV ở môn có sự tương đồng cao. Mà ở đây, với triathlon, chắc chắn không có đối tượng nào phù hợp hơn các VĐV bơi, cụ thể là bơi vượt biển hay bơi đường dài. Trong ba môn, bơi là môn “gốc” khó nhất mà quan trọng nhất.