Quân đội Mỹ ngày 30/12 không kích phiến quân Kata’ib Hezbollah, giết chết 25 phiến quân, làm bị thương 55 người, nhằm trả đũa nhóm này tấn công một căn cứ Iraq, giết hại một nhân viên Mỹ.
Nhưng thủ tướng Iraq lại gọi cuộc không kích là “cuộc tấn công của Mỹ nhắm vào lực lượng vũ trang Iraq”.
“Thủ tướng (Iraq) mô tả cuộc tấn công của Mỹ nhắm vào lực lượng vũ trang Iraq là cuộc tấn công nghiêm trọng, không thể chấp nhận được và sẽ gây ra hậu quả nguy hiểm”, văn phòng thủ tướng Iraq cho biết.
Hiện trường sau cuộc không kích vào trụ sở nhóm Kata’ib Hezbollah ở Qaim, Iraq. Ảnh: Reuters. |
Nguy cơ châm ngòi xung đột Mỹ - Iran
Cuộc không kích sẽ buộc Iraq xem xét lại việc hợp tác với liên minh do Mỹ dẫn đầu nhằm chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), phía Iraq nói thêm.
Giữa căng thẳng ngày càng nóng giữa Mỹ và Iran, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong tháng này cáo buộc các lực lượng thân Iran đã tấn công căn cứ Mỹ ở Iraq, theo Reuters.
Các lực lượng trên đã giúp Baghdad đánh bại IS, và sau đó thâm nhập bộ máy an ninh của Iraq.
Quan chức Mỹ nói vì Iran và tay sai ngày càng gây hấn, đã tới lúc Mỹ phải tái lập lại sự răn đe của mình, và “phản ứng sao cho chính thể Iran hiểu ra vấn đề”, theo lời đặc phái viên Mỹ về Iran Brian Hook.
Iran phủ nhận cáo buộc tấn công lực lượng Mỹ, nói không có bằng chứng, và lên án các vụ không kích của Mỹ là “khủng bố”.
Thiệt hại tại trụ sở phiến quân Kata’ib Hezbollah sau khi bị Mỹ không kích. Ảnh: Reuters. |
Giữa lúc này, Iraq đang căng thẳng khi hàng nghìn người xuống đường biểu tình phản đối chính phủ mà họ cho là tham nhũng, khiến hầu hết người Iraq kẹt trong nghèo khó, theo Reuters.
Họ cũng phản đối các nhóm phiến quân như Kata’ib Hezbollah và “đỡ đầu” là Iran, vốn ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Iraq Abdul Mahdi.
Ít nhất 450 người đã thiệt mạng vì an ninh Iraq và các phiến quân đàn áp biểu tình, gây ra sự phẫn nộ đã buộc Abdul Mahdi phải từ chức. Ông chỉ đang giữ cương vị này tạm thời.
Nhưng ở Basra, khoảng 400 người biểu tình phản đối cuộc không kích của Mỹ, ủng hộ các nhóm phiến quân.
Đe dọa buộc lính Mỹ tăng cường an ninh
Cuộc không kích của Mỹ vấp phải phản đối mạnh mẽ trong khu vực, kèm các lời đe dọa, buộc lực lượng Mỹ ở phía bắc Iraq tăng cường an ninh.
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran tuyên bố việc trả thù “tội ác” của Mỹ là “quyền đương nhiên của Iraq và những người bảo vệ cho Iraq”.
“Chúng tôi sẽ đáp trả mạnh mẽ nhắm vào lực lượng Mỹ ở Iraq”, thủ lĩnh Jamal Jaafar Ibrahimi của nhóm phiến quân PMF, đồng minh quyền lực nhất của Iran ở Iraq, nói ngày 30/12.
PMF từng giúp lính Iraq giành lại lãnh thổ từ tay IS, sau đó sáp nhập vào bộ máy an ninh Iraq, có ảnh hưởng chính trị lớn.
Iraq đang căng thẳng khi hàng nghìn người xuống đường biểu tình phản đối chính phủ. Ảnh: Reuters. |
Thủ tướng tạm thời của Iraq Abdul Madhi nói chính phủ vẫn kiểm soát được các nhóm phiến quân “trong 95% số trường hợp”, và nói chính phủ đặt mục tiêu giữ Iraq không vướng vào xung đột giữa các liên minh.
Nhưng chính phủ không thể làm nhiều vì đang trong giai đoạn chuyển giao cho thủ tướng mới, và phải theo lệnh của Quốc hội.
Liên minh Fatih, lớn thứ hai trong Quốc hội, đại diện cho phiến quân, đã lên án cuộc không kích. Trong khi đó, liên minh lớn nhất trong Quốc hội cho biết muốn tìm cách giảm hiện diện quân sự của Mỹ ở Iraq, đồng thời yêu cầu Fatih kiềm chế phiến quân, không tạo cớ cho Mỹ tấn công thêm.
Mỹ còn vấp phải sự lên án từ Nga, Syria và nhóm Hezbollah thân Iran, đầy quyền lực ở Lebanon. Trong khi đó, thủ tướng Israel chúc mừng Ngoại trưởng Mike Pompeo vì “chiến dịch quan trọng”.