Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei. Ảnh: Văn phòng Lãnh tụ Tối cao Iran. |
Cuộc xung đột của Israel và lực lượng Hezbollah tại miền Nam Lebanon được cho là đòn giáng khiến Iran và tân tổng thống nước này bối rối.
Nó làm gia tăng áp lực buộc ông phải đáp trả Israel để bảo vệ đồng minh quan trọng, theo New York Times.
Đến nay, Iran vẫn cố gắng để không bị kích động, cuốn vào cuộc xung đột khu vực lớn hơn - điều mà lãnh tụ tối cao nước này, Ali Khamenei, rõ ràng không mong muốn, các nhà phân tích nhận định.
Thay vào đó, Tổng thống Masoud Pezeshkian có mặt tại Liên Hợp Quốc với hy vọng thể hiện bộ mặt ôn hòa hơn trước thế giới và gặp gỡ các nhà ngoại giao châu Âu nhằm khởi động lại đàm phán về chương trình hạt nhân. Động thái này có thể giúp gỡ bỏ các lệnh trừng phạt quan trọng đang kìm hãm nền kinh tế Iran.
Dù vậy, tuần này, tại New York, ông Pezeshkian thẳng thừng tuyên bố Israel đang tìm cách lôi kéo Iran vào cuộc xung đột rộng lớn hơn.
"Israel đang tìm cách tạo ra cuộc xung đột toàn diện này", ông nói. "Họ đang kéo chúng tôi đến điểm mà chúng tôi không muốn".
Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 24/9. Ảnh: New York Times. |
"Cơn đau đầu" của Iran
Iran đang đối mặt với tình thế khó khăn liên quan đến tình hình leo thang căng thẳng ở Lebanon, đặc biệt sau các vụ tấn công quy mô lớn nhằm vào Hezbollah.
New York Times nhận định nước này muốn khôi phục sự răn đe đối với Israel, nhưng đồng thời cũng muốn tránh cuộc xung đột toàn diện giữa hai quốc gia.
Iran muốn bảo vệ lực lượng ủy nhiệm của mình - là một phần trong chiến lược "phòng thủ phía trước" chống lại Israel - như Hezbollah, Hamas và Houthis - mà không phải trực tiếp tham gia mặt trận.
Nhưng nước này cũng muốn gỡ bỏ một số lệnh trừng phạt kinh tế bằng cách nối lại đàm phán hạt nhân với phương Tây, trong khi duy trì quan hệ quân sự và thương mại chặt chẽ với cả đối thủ của Washington là Nga và Trung Quốc.
"Các nguyên tắc cơ bản đối với Iran vẫn không thay đổi", ông Ali Vaez, giám đốc Dự án Iran tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho biết. "Iran hoàn toàn không muốn lún vào cuộc xung đột lớn hơn trong khu vực".
Đây có lẽ cũng là lý do cho đến nay, Iran chưa trả đũa vụ thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát tại Tehran.
Tấm biển ở Tehran (Iran) có hình Ismail Haniyeh, thủ lĩnh Hamas thiệt mạng ở Iran hồi tháng 7. Ảnh: New York Times. |
Kể từ khi thành lập Cộng hòa Hồi giáo, Iran đã tìm cách mở rộng ảnh hưởng khắp khu vực và thể hiện thái độ thù địch với Israel.
Iran xây dựng mạng lưới lực lượng ủy nhiệm mà nước này tài trợ, trang bị và hỗ trợ nhưng không hoàn toàn kiểm soát - bao gồm Hamas và Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine ở Gaza và Bờ Tây, Houthis ở Yemen, các nhóm dân quân ở Syria và Iraq, cùng Hezbollah ở Lebanon.
Cuộc xung đột Hamas - Israel và Hezbollah - Israel đã đưa vai trò của Iran lên vị trí trung tâm.
Ngay lập tức, Israel nắm bắt cơ hội để làm suy yếu 2 lực lượng ủy nhiệm của Iran: Hamas ở biên giới phía nam và Hezbollah ở phía bắc.
"Israel đang cố gắng dụ Hezbollah vào cuộc tấn công có thể dẫn đến xung đột toàn diện, từ đó cho phép Israel đối phó với mối đe dọa chiến lược thực sự của mình. Đó là Iran", Suzanne Maloney, giám đốc chương trình chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, cho biết.
Theo bà, đối với Iran, "Hezbollah là lực lượng răn đe lớn. Với khả năng và vị trí gần Israel, họ là tuyến phòng thủ đầu tiên cho Cộng hòa Hồi giáo. Nếu họ bị tiêu diệt, Iran sẽ trở nên dễ bị tổn thương hơn rất nhiều".
“Ngã 3 đường"
Các lực lượng ủy nhiệm đại diện cho chiến lược “phòng thủ phía trước” của Iran.
Các lực lượng trên được cho là sẽ chiến đấu thay cho Iran, nhưng ông Vaez giải thích: "Không bao giờ có nguyên tắc là Iran sẽ chiến đấu để bảo vệ họ".
Hiện tại, Iran đang theo dõi cẩn thận, trong khi cho rằng Hezbollah, được trang bị và tổ chức tốt, có thể tự mình đối đầu với Israel mà không cần sự trợ giúp công khai từ Iran.
Dù vậy, Cornelius Adebahr, người nghiên cứu về Iran tại Carnegie Europe, cho rằng Iran cần củng cố "trục kháng cự" của mình.
"Iran không thể cứ nuốt trôi mọi thứ mãi", ông nói. "Người dân sẽ hỏi: 'Bạn là cường quốc (khu vực) kiểu gì nếu không thể bảo vệ các lực lượng ủy nhiệm của mình?'".
Cảnh tượng ở Beirut, Lebanon, hôm 21/9, sau cuộc không kích của Israel. Ảnh: New York Times. |
Trong bài phát biểu ngắn hôm 24/9 tại Liên Hợp Quốc, ông Pezeshkian đã cáo buộc Israel tàn bạo và gọi lực lượng ủy nhiệm của Iran là những chiến binh tự do.
Tuy nhiên, ông cũng nói về "kỷ nguyên mới" và cam kết sẽ đóng vai trò "mang tính xây dựng". Iran sẵn sàng tái tham gia với phương Tây về vấn đề hạt nhân, ông nói.
Được tháp tùng tại Liên Hợp Quốc bởi các nhà đàm phán giàu kinh nghiệm, ông Pezeshkian đang cố gắng thể hiện chính phủ của mình ôn hòa, thực tế và cởi mở với ngoại giao.
Dù vậy, nếu lực lượng ủy nhiệm bị tổn thất nặng nề và các cuộc đàm phán hạt nhân không mang lại kết quả, có tiếng nói mạnh mẽ bên trong Iran cho rằng cần phải vũ khí hóa chương trình hạt nhân để đạt được sự răn đe.
Iran cũng có thể lựa chọn làm sâu sắc thêm quan hệ với Moscow, hy vọng có được hệ thống phòng không tiên tiến S-400 của Nga. Hệ thống hiện tại của nước này được cho có thể dễ bị tổn thương trước Israel, theo New York Times.
"Iran đang ở ngã 3 đường", ông Vaez nói. "Iran đang đánh giá liệu có con đường nào tiến tới ngoại giao hạt nhân hay không. Nhưng bất cứ cuộc chiến nào khiến Hezbollah suy yếu đáng kể sẽ làm Iran cảm thấy kém an toàn hơn và có thể thay đổi tính toán về hạt nhân".
Vấn đề Trung Đông
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...