Khói lửa bốc lên sau loạt tiếng nổ ở phía Tây thủ đô Tehran, Iran rạng sáng 26/10. Ảnh: Jerusalem Post/TTXVN. |
Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi ngày 26/10 (giờ địa phương) tuyên bố nước này quyết tâm tự vệ sau khi máy bay chiến đấu và tên lửa của Israel tấn công nhiều căn cứ quân sự và công nghiệp quốc phòng ở một số tỉnh của Iran, khiến 2 binh sỹ thiệt mạng.
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Ngoại trưởng Araghchi khẳng định trước báo giới: "Tôi nghĩ chúng tôi đã chứng minh rằng quyết tâm tự vệ của chúng tôi là không có giới hạn.”
Ngoại trưởng Iran cũng là quan chức đầu tiên của nước này lên tiếng sau vụ tấn công của Israel vào sáng sớm cùng ngày.
Về phần mình, quân đội Iran cho biết các vụ không kích của Israel chỉ làm hư hại một số hệ thống radar.
Thông báo lực lượng này nêu rõ: "Nhờ vào hiệu quả kịp thời của hệ thống phòng không của đất nước, các cuộc tấn công chỉ gây ra thiệt hại hạn chế và một số hệ thống radar đã bị hư hại."
Trong khi đó, trang tin tức Elaph của Saudi Arabia dẫn một số nguồn tin cho biết các cuộc không kích của Israel đã đánh trúng một nhà máy tên lửa chứa các máy trộn nhiên liệu nặng được sử dụng để cung cấp năng lượng cho tên lửa Khaybar và Qassem, tên lửa đạn đạo đã được Iran phóng vào Israel trong cuộc tấn công vào đầu tháng này.
Theo nguồn tin, Iran sẽ mất hai năm để sửa chữa nhà máy đã bị phá hủy hoàn toàn. Tuy nhiên, nguồn tin không nêu rõ vị trí của nhà máy.
Ở một diễn biến khác liên quan, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cùng ngày phủ nhận các thông tin của một số tờ báo cho rằng Israel đã thông qua bên thứ ba thông báo cho phía Iran các mục tiêu mà họ nhắm tới.
Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Israel nêu rõ: "Israel đã không thông báo cho Iran trước cuộc tấn công - không phải về thời điểm, không phải về các mục tiêu và không phải về quy mô của cuộc tấn công”.
Vấn đề Trung Đông
Tri Thức - Znews giới thiệu cuốn sách "Châu Phi - Trung Đông: Những vấn đề chính trị và kinh tế nổi bật". Cuốn sách giới thiệu cuộc cải cách thể chế chính trị và kinh tế ở châu Phi và Trung Đông từ sau Chiến tranh Lạnh đến nay. Cuốn sách bao trùm nhiều vấn đề về sắc tộc, khả năng giải quyết mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, chính sách của các nước lớn, dầu mỏ, khí đốt ở hai khu vực này,...