Reuters dẫn lại thông tin từ Tasnim, cơ quan thông tấn bán chính thức của Iran, rằng trên con tàu treo cờ Hàn Quốc này có thuyền viên từ Hàn Quốc, Indonesia, Việt Nam và Myanmar. Hãng này công bố hình ảnh cho thấy Lực lượng Phòng vệ Iran đang bám sát tàu chở dầu HANKUK CHEMI. Con tàu được cho là chở 7.200 tấn ethanol.
Ông Trần Đình Dũng, Bí thư thứ Nhất tại Đại sứ quán Việt Nam ở Tehran, cho biết truyền thông Iran mới đưa tin về vụ việc vào khoảng 16h (giờ địa phương).
"Đại sứ quán Việt Nam tại Tehran đang trao đổi qua các kênh với chính quyền địa phương để xác định có bao nhiêu công dân Việt Nam trên tàu và tình hình cụ thể hiện nay ra sao. Đại sứ quán sẽ cung cấp ngay khi có thêm thông tin chi tiết", ông Dũng nói với Zing.
Guardian trích dẫn thông tin từ hai công ty chuyên theo dõi an ninh hàng hải cũng cho biết MT Hankuk Chemi - tàu chở dầu mang cờ Hàn Quốc - bị Iran bắt giữ và đang ở trong lãnh hải của Iran.
Dữ liệu vệ tinh từ trang MarineTraffic.com cho thấy tàu MT Hankuk Chemi rời cảng Bandar Abbas của Iran vào chiều 4/1 mà không có giải trình. Tàu này đang trên hành trình đi từ Saudi Arabia đến Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Hiện Guardian chưa thể liên hệ ngay với chủ tàu để yêu cầu bình luận. Các nhà chức trách Iran cũng chưa bình luận về vụ bắt giữ.
Tàu chở dầu mang cờ Hàn Quốc đang trên hành trình từ Saudi Arabia đến UAE thì bị lực lượng Iran bắt giữ. Ảnh: Reuters. |
Vụ bắt giữ diễn ra ngay trước chuyến thăm của thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc tới Tehran, dự kiến diễn ra trong những ngày tới. Quan chức hai nước dự kiến thảo luận về việc Iran yêu cầu Hàn Quốc giải phóng số tiền 7 tỷ USD bị đóng băng trong các ngân hàng của Hàn Quốc vì lệnh trừng phạt của Mỹ.
Hôm 4/1, Mỹ bất ngờ tuyên bố vẫn giữ tàu sân bay USS Nimitz ở Trung Đông thay vì rút tàu này về nước như dự định ban đầu, do lo ngại về "các mối đe dọa" từ phía Iran.
Trước đó, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran khẳng định sẽ sớm tiến hành làm giàu uranium ở mức 20%, sát với mốc 90% cần thiết để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Động thái của Iran diễn ra trong bối cảnh quốc hội nước này mới đây thông qua dự luật nhằm tăng cường làm giàu uranium, gây áp lực buộc châu Âu giảm nhẹ các lệnh trừng phạt đối với nước Cộng hòa Hồi giáo.
Quá trình làm giàu từ mức 20% đến 90% được cho là không quá khó khăn với kỹ thuật hiện nay của Iran, có thể diễn ra trong vài tuần hoặc vài tháng.
Mười năm trước, quyết định bắt đầu làm giàu uranium lên 20% của Iran khiến Israel tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo. Căng thẳng chỉ dịu đi khi các quốc gia ký thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.
Hôm 3/1 cũng đánh dấu một năm ngày Mỹ sử dụng máy bay không người lái để sát hại tướng Iran Qassem Soleimani, cùng trung úy người Iraq Abu Mahdi al-Muhandis ở Baghdad.