iPhone 4, Tinder và những khoảnh khắc công nghệ ấn tượng nhất thập kỷ
Thứ ba, 17/12/2019 09:15 (GMT+7)
09:15 17/12/2019
Trong 10 năm qua, thế giới công nghệ đã chứng kiến nhiều khoảnh khắc đáng nhớ, có cả những điều tích cực, bùng nổ, bê bối và mất mát.
Năm 2010, Steve Jobs vẫn là CEO Apple và iPhone thay đổi toàn bộ ngành công nghiệp smartphone. Ở bên kia chiến tuyến, chiếc điện thoại Android “hot” nhất là Motorola Droid. Trên Internet, Facebook là mạng xã hội đang phát triển. Những ứng dụng mà chúng ta sử dụng mỗi ngày như Spotify mới có mặt tại 6 quốc gia, trong khi Tinder hay Uber chưa ra đời. Ảnh: CNET.
Các hãng công nghệ Mỹ thường gặp khó khăn khi hoạt động ở Trung Quốc khi phải chọn giữa kiểm duyệt hoặc từ bỏ thị trường tỷ dân. Google rút khỏi Trung Quốc vào tháng 1/2010. Đây là bước ngoặt của Google. Ảnh: Reuters.
Chiếc iPhone đầu tiên năm 2007 đã mở đầu cho kỷ nguyên smartphone hiện đại, song thay đổi thực sự diễn ra khi Apple trình làng iPhone 4 sau đó 3 năm. Đây là một trong những sản phẩm Apple có thiết kế đẹp nhất, trang bị màn hình độ nét cao và camera trước để gọi video. Khi iPhone 4 ra mắt, smartphone Android đã có mặt song phải mất vài năm để chúng đạt đến đẳng cấp thiết kế của iPhone. Ngay cả những smartphone mạnh mẽ hiện nay vẫn được sản xuất dựa trên khuôn mẫu chiếc điện thoại tốt nhất 2010. Ảnh: iMore.
Được đặt tên theo chương trình khoa học viễn tưởng Firefly, Google Wave là công cụ chỉnh sửa tài liệu trực tuyến theo thời gian thực dựa trên mô hình mạng xã hội. Tuy nhiên, thất bại của Wave đến từ việc Google không biết nó dành cho ai. Dịch vụ được phát hành chính thức vào tháng 5/2010 và bị ngừng phát triển sau đó 2 tháng. Tháng 1/2012, Wave chính thức bị xóa sổ. Trước đó một tháng, Quỹ Vườn ươm Apache đã ra đời phiên bản nguồn mở của Wave, giữ nó hoạt động đến năm 2018. Wave chỉ là một trong rất nhiều sản phẩm được Google ra mắt rồi khai tử chóng vánh vì không biết mục đích thực sự là gì. Ảnh: The Verge.
Những ai thường chơi game, theo dõi các giải đấu thể thao điện tử (eSports) hẳn đã nghe qua Twitch, nền tảng phát trực tuyến game lớn nhất thế giới. Ra mắt tháng 6/2011, đến nay Twitch có hơn 2 tỷ người dùng mỗi tháng với thời lượng xem trung bình 90 phút mỗi ngày. Nếu YouTube tạo ra những ngôi sao như PewDiePie, Twitch là cái nôi của các “siêu streamer” như Ninja hay Shroud. Ảnh: tubefilter.com.
Netflix nổi tiếng là một trong những dịch vụ stream phim lớn nhất thế giới. Thế nhưng trước khi Internet bùng nổ, Netflix chuyên cho thuê đĩa phim. Năm 2011, Netflix đã nhìn thấy tương lai của streaming, nhưng nhu cầu thuê đĩa vẫn cao. Vào thời điểm đó, CEO Reed Hastings đã quyết định vận hành song song 2 mảng thuê đĩa và streaming. Thậm chí dịch vụ thuê đĩa phim còn đổi tên thành Qwikster, một cái tên khá quê mùa và bị khai tử ngay trong năm 2011. Tuy đã đứng lên để trở thành nền tảng streaming lớn nhất, thất bại của Netflix trong thời kỳ chuyển giao giữa truyền thống và hiện đại vẫn là bài học đáng giá. Ảnh: Gizmodo.
Tháng 10/2011, giới công nghệ bàng hoàng khi đồng sáng lập Apple Steve Jobs qua đời vì bệnh tật. Là biểu tượng gắn liền với thành công của Apple, câu hỏi lớn nhất là Táo khuyết sẽ tiếp tục như thế nào nếu thiếu Jobs. Thật may mắn khi Apple tiếp tục gặt hái những thành công mới dưới bàn tay lèo lái của Tim Cook, trở thành hãng công nghệ giá trị nhất thế giới. Không chỉ sản xuất phần cứng, Apple giờ đây còn mở rộng sang lĩnh vực phim ảnh, trợ lý ảo và dịch vụ. Ảnh: CBS News.
Tháng 4/2012, một trong những thương vụ lớn, táo bạo và thành công nhất của Facebook được thực hiện. Đó là mua lại Instagram, mạng xã hội chia sẻ ảnh miễn phí trên smartphone. Khi bán cho Facebook với giá một tỷ USD, Instagram có 3 triệu tài khoản. Hiện tại, con số này là hơn một tỷ. Sau 7 năm, Instagram trở thành một phần không thể thiếu của nhiều người, là nơi chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ, thậm chí hạ gục “ông lớn” Snapchat. Ảnh: Softpedia.
Xuất hiện vào năm 2012, Oculus Rift đã biến khái niệm thực tế ảo (VR) trở nên phổ biến, gần gũi với mọi người. Những chiếc kính VR mang đến trải nghiệm xem phim, chơi game chưa từng có. Trong đợt gây quỹ trên Kickstarter, Oculus Rift thu hút 10.000 người đóng góp với số tiền lên đến 2,4 triệu USD. Chiến dịch này là tiền đề cho việc Facebook mua lại Oculus với giá 2 tỷ USD. Tuy chưa thể trở thành sản phẩm của mọi nhà, sự bùng nổ của VR với Oculus Rift là một trong những xu hướng công nghệ thú vị nhất thập kỷ. Ảnh: The Verge.
Ra mắt tháng 9/2012, Tinder là ứng dụng hẹn hò với cách sử dụng đơn giản: chọn người phù hợp bằng cách lướt ngón tay qua hàng loạt gợi ý dựa trên thông tin cơ bản do người dùng cung cấp. Tuy không phải ứng dụng hẹn hò đầu tiên, Tinder đã đặt ra tiêu chuẩn cho thể loại ứng dụng này. Những câu hỏi ghép đôi phức tạp, hệ thống hồ sơ và tin nhắn rườm rà đã không còn, thay vào đó chỉ có vuốt và vuốt. Tính đến tháng 8 năm nay, Tinder có khoảng 57 triệu người dùng với 5,2 triệu thuê bao trả phí trên toàn thế giới. Ảnh: Tinder.
Nếu chuyên về thiết kế hay nhiếp ảnh, chắc hẳn bạn sẽ biết Photoshop, công cụ chỉnh sửa ảnh do Adobe phát hành. Phiên bản Photoshop CS6 ra mắt năm 2012 có giá 700 USD, cũng là phiên bản bị làm lậu nhiều nhất. Giá bán đắt khiến người dùng e dè khi bỏ tiền mua một phần mềm chỉnh sửa ảnh. Đến năm 2013, Adobe thông báo toàn bộ phiên bản Photoshop trong tương lai sẽ phát hành thông qua Creative Cloud, gói thuê bao cung cấp đầy đủ ứng dụng Adobe với giá 50 USD mỗi tháng. Không chỉ Adobe, Microsoft Office và nhiều phần mềm cũng áp dụng trả phí dạng thuê bao và gặt hái nhiều thành công, đồng thời giảm bớt tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm. Ảnh: Pexels.
Thêm một “thương vụ bạc tỷ” của Facebook diễn ra tháng 2/2014 khi bỏ 19 tỷ USD mua lại WhatsApp, ứng dụng nhắn tin OTT với 450 triệu người sử dụng vào lúc ấy. Facebook mua lại WhatsApp trong hoàn cảnh người dùng đang sụt giảm, và đó là minh chứng cho thấy tham vọng trở thành “bá chủ” của Facebook sau khi mua Instagram trước đó 2 năm. Ảnh: Android Headlines.
Amazon là một trong những hãng đầu tiên gia nhập thị trường loa thông minh với loạt sản phẩm Echo trang bị Alexa, trợ lý ảo do chính công ty phát triển. Từ khi xuất hiện tháng 1/2015, dòng loa Echo đã giúp trợ lý ảo trở thành cụm từ quen thuộc. Đến nay, trợ lý ảo xuất hiện khắp mọi nơi, từ điện thoại, xe hơi đến TV… Chỉ với giọng nói, bạn có thể ra lệnh cho trợ lý ảo điều khiển mọi thiết bị thông minh. Không chỉ Amazon mà Google, Microsoft, Samsung và nhiều ông lớn cũng gia nhập lĩnh vực trợ lý ảo. Với sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo và máy học, trợ lý ảo chắc chắn sẽ làm được nhiều thứ hơn trong tương lai. Ảnh: The Verge.
Tháng 10/2015, Steve Mahan là người khiếm thị đầu tiên được trải nghiệm lái xe hơi trên mẫu xe tự lái của Google (nay gọi là Waymo). Từ đó đến nay, công nghệ dành cho xe tự lái ngày một phát triển. Cuộc đua thương mại hóa xe tự lái cũng tiêu tốn các hãng công nghệ hàng tỷ USD. Khó khăn có, thất bại cũng có nhưng đây vẫn được xem là tương lai trong ngành giao thông vận tải. Ảnh: Daily Mail.
Trong lịch sử vũ trụ, hầu hết tên lửa đều trở thành rác thải không gian sau khi bay lên quỹ đạo. Sau khi phóng thành công vệ tinh, tên lửa rơi xuống Trái Đất và kết thúc sứ mệnh. Tỷ phú Elon Musk muốn thay đổi điều đó khi Công ty SpaceX của ông bắt tay phát triển tên lửa có thể hạ xuống bệ hạ cánh sau khi phóng. Dự án gặp nhiều trở ngại kỹ thuật, tên lửa phát nổ sau khi phóng trong những lần thử nghiệm. Đến ngày 21/12/2015, lần đầu tiên tên lửa Falcon 9 của SpaceX hạ cánh thành công xuống Florida (Mỹ) sau khi phóng lên quỹ đạo. Đến nay, SpaceX đã phóng và hạ cánh 46 tên lửa đẩy. Ảnh: National Geographic.
Ra mắt tháng 8/2016, Galaxy Note7 trang bị chip xử lý mạnh mẽ, công nghệ camera siêu nhanh, quét mống mắt và thiết kế cao cấp. Tuy nhiên chỉ vài tháng sau khi bán ra, tình trạng cháy nổ pin đã khiến Samsung bị chỉ trích nặng nề. Sự cố khiến nhiều hãng hàng không cấm mang Note7 lên máy bay. Sau đợt thu hồi đầu tiên, những chiếc Note7 được bán lại với “pin xanh” đảm bảo an toàn, song tình trạng cháy nổ vẫn diễn ra. Có lẽ khai tử Note7 là cách giải quyết cuối cùng để chấm dứt mọi thứ. Vụ việc Note7 cũng là lời cảnh báo cho các nhà sản xuất trong việc đảm bảo chất lượng sản phẩm, chọn nhà cung cấp uy tín để tránh lặp lại sự cố đàng tiếc. Ảnh: The Verge.
Đã từ lâu, Facebook chia sẻ dữ liệu người dùng cho bên thứ 3 để khai thác thương mại. Có lẽ hãng cũng không ngờ người dùng lại biết chuyện này khi The Guardian phanh phui vụ Công ty tư vấn Cambridge Analytica thu thập dữ liệu từ hàng triệu người dùng Facebook mà không hề báo trước. Đây là khởi đầu cho hàng chục bê bối xâm phạm quyền riêng tư mà Facebook là thủ phạm chính, đồng thời khiến nhiều ông lớn công nghệ (kể cả Facebook) đánh giá, điều chỉnh lại việc thu thập, xử lý dữ liệu của người dùng. Ảnh: INC.
Tháng 12/2017, Ủy ban Truyền thông Mỹ (FCC) bỏ phiếu xóa sổ các quy tắc Internet trung lập (net neutrality). Đây là quy tắc buộc các nhà cung cấp dịch vụ cân bằng mức băng thông truy cập Internet, không phân biệt bất cứ loại dữ liệu hay website nào. Việc loại bỏ Internet trung lập gây ra nhiều tranh cãi. Những người ủng hộ cho rằng các nhà cung cấp dịch vụ không được phân biệt đối xử với các loại dữ liệu và kết nối nhất định. Trong khi nhóm phản đối (các công ty viễn thông và nhóm phản đối chính phủ) cho rằng điều này sẽ mở ra một thế giới cạnh tranh không lành mạnh. Nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra phản đối việc hủy bỏ Internet trung lập. Ảnh: NBC.
Từ đầu những năm 2010, chúng ta đã nghe đến khái niệm “nhà sáng tạo” chỉ những người chia sẻ nội dung trên YouTube (còn gọi là YouTuber). Các YouTuber không ngừng đổi mới nội dung, hình thức video để thu hút người xem. Nhiều YouTuber mang về thu nhập lên đến hàng chục nghìn USD mỗi tháng. Là nền tảng giải trí tổng hợp, những bê bối là điều không thể tránh khỏi. PewDiePie phân biệt chủng tộc (năm 2017), Logan Paul (ảnh) có những hành vi kém văn hóa tại Nhật Bản (năm 2018), thả dao từ trên lầu để câu view bởi một YouTuber Việt Nam (năm 2019) là một trong nhiều ví dụ cho thấy sự tạp nham của nền tảng chia sẻ video lớn nhất thế giới, đồng thời là thách thức cho hệ thống kiểm duyệt của nền tảng này. Ảnh: The Verge.
“Tôi đang cân nhắc biến Tesla thành công ty tư nhân, mua toàn bộ cổ phần giá 420 USD mỗi cổ phiếu” là những gì tỷ phú Elon Musk đăng lên Twitter ngày 7/8/2018. Hóa ra đó chỉ là lời nói suông nhưng cũng khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Ngay sau tuyên bố của Musk, cổ phiếu Tesla tăng giảm bất thường, đến cả Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cũng muốn điều tra xem Musk có đủ tiềm lực tài chính biến Tesla thành công ty tư nhân hay không. Ảnh: Medium.
Đối với Apple, thập kỷ này khép lại bằng một trong những khoảnh khắc đáng xấu hổ: ngừng phát triển bàn sạc không dây AirPower. Ra mắt lần đầu năm 2017, sản phẩm được đánh giá rất tiện dụng khi có thể sạc cùng lúc AirPods, iPhone và Apple Watch bằng công nghệ không dây, tuy nhiên quá nhiệt là vấn đề cần giải quyết. Việc AirPower bị hoãn bán trong năm 2018 khiến nhiều người hoài nghi về tính khả thi của sản phẩm. Tháng 3 năm nay, hình ảnh AirPower xuất hiện trên website Apple và hộp đựng AirPods khiến nhiều người hy vọng sản phẩm vẫn tồn tại. Tuy nhiên đến cuối tháng, Apple đột ngột tuyên bố hủy phát triển AirPower vì không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng. AirPower chính thức gia nhập danh sách sản phẩm “chết từ trong trứng”. Ảnh: iMore.
Đến tháng cuối cùng của thập kỷ, giới công nghệ đón tin 2 nhà sáng lập Google là Larry Page và Sergey Brin, chính thức rời công ty. Từ khi Google tái cấu trúc thành Alphabet vào năm 2015, cả 2 đã không còn xuất hiện và biến mất khỏi truyền thông. Thông tin mới nhất gắn với 2 nhà sáng lập Google là bê bối liên quan đến cáo buộc quấy rối tình dục của Andy Rubin, đồng sáng lập hệ điều hành Android. Page và Brin được cho là trả 90 triệu USD để Rubin đồng ý rời Google. Không phải Page hay Brin, Pichai và các lãnh đạo khác mới là nhân vật đứng ra giải quyết mọi sự cố, xung đột mà Google gặp phải. Ảnh: AP.
Sau 3 năm, thị trường đã xuất hiện thêm nhiều “bản sao” Lý Tử Thất mới. Đi cùng là sự trỗi dậy của livestream bán hàng, thứ chưa có trong phong cách làm video trước đây của cô.