"Chỉ khi nào người buôn iPhone xách tay không còn lợi nhuận nữa thì loại hàng hóa này mới biến mất", cựu quản lý vùng Apple trả lời Zing trong buổi phỏng vấn hồi tháng 9.
Dường như ngày đó đã đến.
Dịch Covid-19, lũ lụt lịch sử tại miền Trung, Nghị định 98/2020/NĐ-CP và hàng loạt thay đổi thị trường mới ập đến cùng lúc khiến những người buôn bán iPhone xách tay quyết định “dừng cuộc chơi”.
Nghị định mới xóa sổ hàng xách tay
“Ngày 19/10, sau khi đăng một bài nhận đặt cọc iPhone xách tay, cửa hàng của tôi đã bị cơ quan chức năng kiểm tra. Tôi hiểu việc buôn bán iPhone xách tay của mình đã đến hồi kết”, T. Vinh, chủ cửa hàng di động tại TP.Trà Vinh cho biết.
Trước đó, ngày 15/10, Nghị định 98/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Theo đó, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000-50.000.000 đồng, tuỳ thuộc giá trị hàng hoá nhập lậu. Với tổ chức vi phạm, mức tiền phạt có thể lên đến tối đa 100 triệu đồng.
Hàng loạt khó khăn ập đến khiến giới buôn iPhone xách tay lao đao. |
Mức phạt được nâng lên khiến nhiều cửa hàng di động chuyên bán iPhone xách tay tại Việt Nam phải chùn tay. “Bán được một chiếc iPhone xách tay lời không quá 5 triệu đồng. Như vậy nếu bị phạt, phải bán đến 20 chiếc trót lọt mới được xem là hòa vốn. Chúng tôi quyết định dừng lại. Chẳng ai dại gì kinh doanh một loại hàng hóa mà biết chắc mình sẽ lỗ”, ông Vinh nói thêm.
Tương tự ông Vinh, nhiều cửa hàng di động như Bạch Long Mobile, Di Động Việt, Minh Tuấn Mobile cũng không truyền thông bất cứ chương trình đặt hàng nào liên quan đến iPhone 12 xách tay. Những cửa hàng trên đều tập trung vào iPhone 12 mã VN/A, loại hàng hóa được nhập khẩu chính ngạch.
iPhone 12 VN/A là lựa chọn
“Nếu bán một chiếc iPhone 12 mã VN/A, tôi có lời nhiều hơn cả hàng xách tay, lại yên tâm về thủ tục pháp lý, chính sách bảo hành. Vì vậy, đây là giải pháp thay thế hiệu quả”, Trần Đạt, chủ đại lý di động lớn tại Đà Nẵng cho biết.
Theo ông Đạt, hiện cửa hàng của ông đang ký hợp đồng với Petrosetco. Theo bảng giá dự kiến của công ty nhập khẩu này, iPhone 12 khi về Việt Nam chính ngạch có giá chênh lệch khoảng 4 triệu đồng so với hàng xách tay. Nếu tính kèm các khoảng chi phí như vận chuyển, thuế, bảo hành... thì mức giá này được xem là rẻ.
iPhone VN/A đang trở thành mặt hàng kinh doanh chủ lực của nhiều cửa hàng di động. |
Tuy vậy, nhiều cửa hàng cũng bày tỏ lo ngại khả năng cung ứng iPhone của Apple. Táo khuyết mở bán đợt đầu tiên iPhone 12 vào ngày 23/10. Tuy vậy, các mẫu máy VN/A chỉ được giao từ ngày 2/12. Khoảng thời gian 40 ngày này được xem là khoảng trống để hàng xách tay chen chân vào.
Đồng thời, đây là năm đầu tiên iPhone mã VN/A được ưu ái do ảnh hưởng từ nghị định mới, có thể Apple sẽ không đủ số lượng cung ứng cho thị trường Việt Nam.
Đeo ốp vào thì iPhone 11 cũng như iPhone 12. - Quang Huy, khách hàng từng mua iPhone XS trong ngày đầu mở bán ở TP.HCM cho biết.
"Lỗ hổng cung cầu này sẽ được lấp đầy bằng iPhone xách tay. Tuy vậy, giới buôn hàng xách tay sẽ thử những cách khác như bán lén lút với số lượng nhỏ hoặc khai thuế đầy đủ. Khách hàng mua sớm cũng phải chấp nhận chi số tiền lớn hơn", ông T. Tấn, chủ một cửa hàng di động trên đường Lê Hồng Phong, quận 10, TP.HCM dự đoán.
Tuy vậy, việc kinh doanh iPhone xách tay trong lúc chờ đợi hàng VN/A cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Tôi nhập iPhone 12 phải có số lượng lớn để tối ưu chi phí vận chuyển. Thế nhưng, nếu trong 40 ngày không bán hết, tôi có thể chịu lỗ rất nhiều khi hàng VN/A ra mắt. Đây cũng là bài toán khiến giới buôn iPhone khá đau đầu", ông Tấn nói thêm.
Lần đầu iPhone không được săn đón
"Mọi năm, iPhone ra mắt đều nhận phải nhiều 'gạch đá' khi có quá ít cải tiến hiệu năng, tính năng hay thiết kế. Tuy vậy, tôi bán vẫn chạy. Nhưng năm nay mọi chuyện lại khác hoàn toàn", ông Vinh chia sẻ.
Theo ông Vinh hàng năm, trước ngày mở bán iPhone mới, các cửa hàng ồ ạt đăng các bài kêu gọi đặt cọc trên mạng xã hội. Một số khác cố săn tìm những chiếc iPhone đầu tiên để bán cho những vị khách chịu chi. Tuy vậy, theo nhận định của nhiều chủ cửa hàng, iPhone 12 năm nay không còn được săn đón như những năm trước nữa.
iPhone không còn đại diện cho sự sang chảnh như trước đây khi các hãng di động Android tham gia "sân chơi 1.000 USD". |
"Chuyện iPhone chậm cải tiến thì rõ rồi. Thế nhưng năm nay việc kinh doanh còn phải chịu thêm ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Kinh tế khó khăn, việc chi hàng chục triệu đồng cho iPhone đã không còn được ưu tiên nữa", ông Vinh phân tích.
Theo CNET, những năm trước đây iPhone được xem là biểu tượng của sự giàu có tại Việt Nam bởi nó là đắt nhất. Nhưng đến nay, khi các mẫu smartphone Android tham gia vào sân chơi 1.000 USD, sự "sang chảnh" của iPhone dần bị lu mờ.
"Tôi cảm nhận rất rõ bởi mọi năm, khi iPhone mới ra mắt, nhiều khách hàng sẽ ồ ạt bán máy cũ rồi đặt cọc model mới. Thế nhưng năm nay, đa phần khách hàng đến cửa hàng của tôi chỉ hỏi về chương trình giảm giá iPhone 11 Pro Max. Đây là năm đầu tiên tôi thấy xu hướng này", ông Vinh cho biết.
Bên cạnh đó, nhiều khách hàng nhận định việc mua iPhone 12 thật sớm để đánh bóng tên tuổi vào năm nay không còn phù hợp nữa.
"Dù có mua thì cũng không ai dám khoe. Đồng bào miền Trung đang chịu cảnh khổ cực vì thiên tai. Việc bỏ hàng chục triệu để sắm một chiếc điện thoại có thể khiến chủ sở hữu nhận nhiều gạch đá thay vì sự ngưỡng mộ như họ mong muốn", Quang Huy, một khách hàng từng mua iPhone XS trong ngày đầu mở bán ở TP.HCM cho biết.