Hakeem al-Araibi, một người bất đồng chính kiến ở Bahrain, nghĩ rằng anh đã thoát khỏi tầm kiểm soát của chính phủ Bahrain khi trốn sang Australia nhiều năm trước với tư cách người tị nạn chính trị. Tuy nhiên, năm 2018, anh ta mạo hiểm đến Thái Lan để hưởng tuần trăng mật muộn và ngay lập tức bị Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) bắt giữ. Araibi đối mặt với khả năng bị dẫn độ về Bahrain, New York Times cho biết.
Bahrain, quốc gia bị cáo buộc lạm dụng tra tấn và các hình thức khác, đã tận dụng lệnh truy nã đỏ của Interpol để nhằm tìm kiếm và bắt giữ những người bất đồng, bất chấp các quy tắc bảo vệ người tị nạn.
Đó dường như là sự xấu hổ đối với Interpol. Sự việc này đã kéo dài nhiều năm và dẫn đến những cáo buộc tổ chức cảnh sát quốc tế lớn nhất thế giới đã trở thành công cụ chính trị cho các chính phủ độc tài. Interpol hứa sẽ cải thiện vấn đề, nhưng vụ bắt giữ Hakeem al-Araibi là lời cảnh tỉnh nghiêm khắc, rằng dù Interpol có cải cách, tổ chức này vẫn dễ bị thao túng bởi những người có quyền lực.
Thức tỉnh sau 11/9
Interpol có trụ sở tại thành phố Lyon, Pháp. Sau vụ tấn công khủng bố 11/9 ở Mỹ, các nhà lãnh đạo thế giới hy vọng tổ chức cảnh sát lâu nay ngủ quên bên bờ sông Rhone sẽ trở thành lực lượng thống nhất trong việc thực thi pháp luật.
Ronald K. Noble, cựu chủ tịch Interpol, người được cho là đã mở đường cho tổ chức này trở thành công cụ chính trị cho các quốc gia. Ảnh: AFP. |
Các mục tiêu về an toàn và an ninh của Interpol được cho là đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia và tập hợp các nền dân chủ và chuyên chế thành thể thống nhất. Tuy nhiên, dựa vào hồ sơ và các cuộc phỏng vấn trên khắp năm châu, có thể thấy khi theo đuổi tầm nhìn đó, các quan chức hàng đầu của Interpol đã bỏ qua những cảnh báo khẩn cấp từ bên trong rằng tổ chức dễ bị tổn thương bởi sự can thiệp chính trị.
Hết lần này nên lần khác, Interpol ưu tiên mở rộng hoạt động quốc tế hơn là các biện pháp bảo vệ tổ chức và con người. Ngày nay, Interpol đang tranh giành để tăng cường giám sát ở 194 quốc gia và xem xét hàng nghìn lệnh truy nã đỏ đã tích lũy trong nhiều năm qua. Không ai biết có bao nhiêu người đã bị ảnh hưởng bởi động cơ chính trị thông qua Interpol.
Điều đó khiến các chính phủ trên khắp thế giới, bao gồm Mỹ cố gắng tìm hiểu xem Interpol đang bắt giữ những tội phạm chạy trốn, hay sử dụng cảnh sát cho mục đích của những kẻ chuyên quyền. “Chúng tôi vui mừng vì có quy trình mới, nhưng trong nhiều trường hợp thì quá muộn”, John F. Flanagan, luật sư có khách hàng bị từ chối tị nạn và ra lệnh bỏ tù ở California dựa trên lệnh truy nã đỏ của Nga, cho biết.
Alexey Kharis, thân chủ của luật sư Flanagan, người đang kháng cáo phán quyết của tòa án California đã được trả tự do vào tháng 12/2018, sau khi một thẩm phán viện dẫn bằng chứng rằng lệnh truy nã đỏ có động cơ chính trị.
Ưu tiên chống khủng bố hơn nhân quyền
Không ai bận tâm đến việc gọi Interpol khi máy bay bị khủng bố kiểm soát tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc vào ngày 11/9/2001. Interpol được ví như cửa hàng “Nine to Fine”, nơi mọi thứ đều nằm trên giấy.
Interpol từ tổ chức cảnh sát quốc tế độc lập bị chỉ trích đã trở thành công cụ cho các quốc gia vì mục đích chính trị hơn là hỗ trợ bắt giữ tội phạm thực sự. Ảnh: Reuters. |
Ngân sách hàng năm của tổ chức này, ngay đến hôm nay, chỉ bằng Sở Cảnh sát Cincinnati, thành phố ở bang Oiho, Mỹ. Các nhà làm phim của Hollywood thường ví von Interpol là phiên bản toàn cầu của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI), hoặc Scotland Yard (Sở Cảnh sát London, Anh).
Interpol ngoài đời thực không có thẩm quyền thực hiện điều tra hoặc bắt giữ, thực chất đây là cơ quan ngân hàng thông tin cảnh sát, một bảng thông báo kỹ thuật số để các sĩ quan cảnh sát trên thế giới chia sẻ những gì họ biết và cảnh báo cho cảnh sát các quốc gia khác về những tội phạm nguy hiểm. Ngay sau vụ tấn công 11/9, Ronald K. Noble, sĩ quan cảnh sát Mỹ, lúc đó là chủ tịch của Interpol đã nhìn thấy vai trò quan trọng của tổ chức này trong cuộc chiến chống khủng bố.
Noble đã đưa ra sáng kiến kỹ thuật số có tên I-24/7 cho phép các quốc gia sử dụng dữ liệu của Interpol suốt ngày đêm. Lệnh truy nã đỏ là thành phần quan trọng trong đó. Nó là một sắc lệnh đảm bảo các sĩ quan cảnh sát ở một số quốc gia yêu cầu đối tác nước ngoài thực hiện vụ bắt giữ.
Khi hệ thống hoạt động, nó giúp bắt giữ những kẻ giết người, hiếp dâm và nhiều tội danh khác vượt qua phạm vi biên giới quốc gia. Phát hành các lệnh truy nã đỏ đã trở thành ưu tiên của Interpol kể từ sau vụ 11/9.
“Tôi đặc biệt tự hào khi báo cáo cho thấy rằng số lượng lệnh truy nã đỏ mới đã tăng 40% trong năm 2004, lên tới hơn 1.900 lệnh”, ông Noble từng nói. Tuy nhiên, ngay trong những năm đầu thực hiện chiến dịch, các quan chức Interpol đã nhìn thấy dấu hiệu của những rắc rối.
Ủy ban kiểm toán nội bộ của Interpol đã báo cáo về các khiếu nại, ít nhưng ngày càng tăng, từ những người nói rằng họ đang bị nhắm mục tiêu cho mục đích chính trị. Mỹ, vốn thường xuyên công khai chỉ trích vấn đề nhân quyền của nhiều nước và là tài trợ lớn nhất cho Interpol, đáng lý ra phải yêu cầu một sự thay đổi. Nhưng ở thời điểm đó, chống khủng bố là ưu tiên hàng đầu.
Đến năm 2006, Interpol đã ban hành hơn 2.800 lệnh truy nã đỏ, gấp đôi so với những năm trước vụ tấn công 11/9, ngay cả khi có cảnh báo nội bộ rằng một số chính phủ đang nhắm vào người tị nạn hơn là tội phạm.
Cảnh báo khẩn cấp
Năm 2007, khi Iran vận động để ngăn chặn lệnh bắt các công dân nước này liên quan đến vụ đánh bom một trung tâm Do thái ở Argentina vào năm 1994, Interpol đã giữ vững lập trường.
“Chúng tôi đã bỏ phiếu để ra lệnh truy nã đỏ”, Thomas V. Fuentes, một người từng phục vụ trong ủy ban điều hành của Interpol vào thời điểm đó cho biết. Ông nói rằng Interpol hiện đại vẫn có thể từ chối ảnh hưởng chính trị.
Điều xảy ra tiếp theo là một bước ngoặt trong lịch sử của Interpol. Chủ tịch Noble đã phát động chương trình có tên I-link, cho phép các chính phủ ban hành lệnh truy nã đỏ gần như ngay lập tức. Các cựu quan chức Interpol nói rằng đó là một quyết định có tầm nhìn, nhưng giờ đây họ phải thừa nhận điều đó khiến Interpol dễ bị lợi dụng.
Hakeem al-Araibi bị Interpol Thái Lan bắt giữ theo lệnh truy nã đỏ của cảnh sát Bahrain. Ảnh: Reuters. |
Claudio Grossman, một luật sư người Chile, từng phục vụ trong ủy ban kiểm toán của Interpol đã nhìn thấy sự khởi đầu của những rắc rối và kẽ hở. Grossman và các đồng nghiệp nhiều lần cảnh báo Chủ tịch Noble hãy chậm lại. Nhưng số lượng các lệnh truy nã đỏ tiếp tục tăng lên gấp đôi.
Ông Grossman và một số đồng nghiệp cho biết Interpol đã ra các lệnh truy nã quá nhanh với quá ít sự giám sát và kêu gọi tổ chức này cải thiện kiểm soát.
Cuộc cải tổ chậm chạp
Interpol đã phản ứng quá chậm. Một số người nói rằng văn hóa của Interpol là các sĩ quan cảnh sát đưa ra quyết định vì lợi ích của sĩ quan khác. Những người này đã ngăn chặn việc cải cách, một số khác lại không nhìn thấy sự việc. Vấn đề của Interpol chỉ trở nên cấp bách khi một số nạn nhân được đưa ra ánh sáng.
Một trong những trường hợp đầu tiên là Benny Wenda, một người tị nạn Indonesia sống ở Anh vào năm 2003. Ông Wenda, người lãnh đạo phong trào độc lập ở tỉnh West Papua, nhận ra rằng vào năm 2011, chính phủ Indonesia thông qua Interpol đã ra lệnh truy nã đỏ để bắt giữ ông.
“Đó là dấu hiệu đầu tiên cho chúng tôi thấy rằng điều này đang bị chính trị hóa”, Jago Russell, giám đốc điều hành nhóm vận động Fair Trials có trụ sở tại London nói. Tuy nhiên, rất khó để các chính phủ và Interpol quan tâm đến vấn đề.
Ông Kim Jong Yang, chủ tịch mới của Interpol đang đối mặt với những thách thức trong việc cải tổ sau nhiều cáo buộc tổ chức này đang bị các chính phủ thao túng vì động cơ chính trị. Ảnh: AFP. |
Các nhà báo, nhóm nhân quyền đã sớm phơi bày nhiều bằng chứng về sự lạm dụng, đáng chú ý là trường hợp của William F.Browder, một nhà đầu tư có trụ sở tại London, Anh. Chính phủ Nga đã nhiều lần cố gắng thông qua Interpol để ra lệnh truy nã đỏ bắt giữ ông.
Cuối cùng, nhiều năm sau những cảnh báo, cùng hàng loạt bài báo chỉ ra những tiêu cực, Interpol mới bắt đầu xem xét lại hệ thống lệnh truy nã đỏ của tổ chức này vào năm 2014. Jürgen Stock, người Đức, chủ tịch lúc đó của Interpol đã ưu tiên những cải cách ngay lập tức.
Nhưng phải mất thêm 2 năm, Interpol mới phê duyệt cuộc đại tu lại hệ thống nhằm thắt chặt các yêu cầu trong hồ sơ, thêm nhân viên bảo vệ dữ liệu và củng cố ủy ban đánh giá nội bộ. Interpol cũng tạo ra một nhóm để xem xét trước các lệnh truy nã đỏ, khôi phục việc giám sát bị giảm từ sau vụ 11/9.
Giờ đây Interpol đang vội vã xem xét 50.000 lệnh truy nã đỏ đang tồn tại trong nhiều năm và thanh lọc những lệnh được coi là không thỏa đáng. Nhưng ngay cả khi có những cải thiện trong quy trình ra lệnh, Interpol vẫn dễ bị thao túng bởi các chính phủ.
Vụ bắt giữ cựu ngôi sao bóng đá người Bahrain là một bằng chứng cho điều đó. Dù Interpol đã rút lệnh nhưng anh đã bị giam giữ trong nhiều tháng trước khi được trả tự do.
Interpol không thảo luận về các trường hợp riêng lẻ, nhưng cho biết một thách thức quan trọng mà tổ chức này đối mặt là sự miễn cưỡng của các quốc gia để xác nhận xem, họ có cấp tình trạng tị nạn cho người nằm trong lệnh truy nã hay không.
Ông Russell hoan nghênh những thay đổi của Interpol, nhưng cho biết các trường hợp bắt giữ trái quy định cho thấy tổ chức này cùng các thành viên chính phủ cần phải làm nhiều hơn nữa:
“Họ đã rời mắt khỏi quả bóng sau ngày 11/9, chia sẻ càng nhiều thông tin càng tốt, tổn thất của một số cá nhân không phải là vấn đề. Bạn không thể rời mắt khỏi tổ chức này ngay bây giờ”, ông Russell nói.