Theo kiểm tra, người dân tại một số khu vực tại Việt Nam như hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), cầu Rồng (Đà Nẵng), Hòa Thành (Cà Mau), cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây... có thể đặt hàng sớm dịch vụ Internet vệ tinh Starlink với giá "cọc" 99 USD, và chờ đến 2022 để có thêm thông tin.
Tuy nhiên, không phải ai đặt cọc trên website cũng sẽ truy cập được Internet của Starlink vì còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
Khi đặt cọc, website sẽ hiện thông báo bằng tiếng Anh, tạm dịch: "Starlink đang có mục tiêu phủ sóng khu vực của bạn vào năm 2022. Đơn hàng sẽ được xử lý trên quy tắc đặt trước được phục vụ trước".
Một số khu vực tại Việt Nam có thể đặt trước Starlink, nhưng chưa chắc sẽ dùng được dịch vụ trong năm 2022. |
Người dùng cần cung cấp họ tên, số điện thoại, email và thông tin thẻ ngân hàng để thanh toán. Website cũng nhấn mạnh khoản tiền cọc có thể "hoàn trả đầy đủ" và "đặt cọc không đảm bảo sẽ có dịch vụ".
Ngoài Việt Nam, một số khu vực gồm đường cao tốc, khu dân cư tại nhiều quốc gia như Campuchia, Malaysia, Phillipines cũng có thể đặt trước Starlink với giá cọc tương tự. Các khu vực chưa được hỗ trợ sẽ có thông báo "Starlink chưa có mặt tại khu vực của bạn, nhưng sẽ mở rộng phủ sóng khi chúng tôi phóng nhiều vệ tinh hơn".
Đây có thể là một phần trong chiến dịch mở rộng khu vực đặt trước Starlink, diễn ra từ tháng 2 năm nay. Trước đó, dịch vụ này đã cho thử nghiệm tại Mỹ, Anh và Canada với chi phí lắp đặt, thiết bị là 499 USD bên cạnh cước thuê bao 99 USD/tháng. Website của Starlink cho biết tốc độ dịch vụ là 50-150 Mbps, độ trễ thấp, chỉ ở mức 20-40 ms. Thông số này tốt hơn so với gói cơ bản của nhà mạng tại Việt Nam, nhưng chưa thể so với các gói nâng cao vốn có băng thông lên đến 1 Gbps.
Starlink là dự án chòm sao vệ tinh do SpaceX phát triển từ năm 2015 với mục tiêu cung cấp Internet vệ tinh đến bất cứ đâu trên thế giới. Chòm sao này gồm hàng nghìn vệ tinh nhỏ được sản xuất và phóng hàng loạt lên quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất, cung cấp kết nối Internet cho những thiết bị như smartphone, máy tính...
Sứ mệnh của Starlink là mang kết nối Internet đến mọi nơi trên Trái Đất bằng cách phóng hàng chục nghìn vệ tinh lên quỹ đạo thấp của Trái Đất. Ảnh: Starlink. |
Tháng 11/2018, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã chấp thuận cho SpaceX phóng 12.000 vệ tinh lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp. Đến nay, số vệ tinh Starlink được phóng là hơn 1.200. Dự kiến đến năm 2024, Starlink sẽ phóng 4.425 vệ tinh.
Elon Musk, CEO SpaceX cho biết tốc độ của Starlink sẽ tăng gấp đôi vào cuối năm nay, độ trễ giảm xuống dưới 20 ms. Theo CNBC, dịch vụ Internet "trên trời" dự kiến bao phủ đa phần Trái Đất vào cuối năm, sẽ phủ sóng toàn cầu trong năm 2022.
Để hiện thực hóa tham vọng, SpaceX có thể phải bỏ ra khoảng 10 tỷ USD. Tuy nhiên, ban lãnh đạo ước tính dự án sẽ đem lại cho công ty khoảng 30 tỷ USD/năm. Hồi tháng 2, SpaceX cho biết đã có hơn 10.000 khách hàng sử dụng dịch vụ tại Mỹ và nước ngoài, sau 3 tháng thử nghiệm từ tháng 10/2020.