Internet toàn cầu 'vô sự' trước mối họa DNS Changer ngày 9/7
Một thảm họa về “ngày không Internet” trên toàn thế giới từ virus DNS Changer đã không xảy ra, nhưng các chuyên gia cảnh báo, người dùng vẫn nên hết sức cảnh giác.
>>Virus làm 250.000 PC mất Internet ngày 9/7
>>Người Việt Nam dùng Internet 130 phút mỗi ngày
DNS Changer đã không đánh sập mạng Internet toàn cầu như những cảnh báo trước đó. |
Đã không có một vụ đánh sập mạng Internet toàn cầu trong ngày 9/7 như những cảnh báo trước đó, và FBI vừa cho đóng cửa hệ thống mạng an toàn mà họ tạo ra để bảo vệ người dùng Windows trước virus DNS Changer. Hệ thống này được FBI tạo ra từ năm ngoái nhằm lấn át các máy chủ DNS giả mạo do DNS Changer tạo ra để kiểm soát người dùng Internet.
Trên thực tế, vào nửa đêm hôm qua (9/7) 227.000 máy tính, trong đó có 64.000 chiếc tại Mỹ, vẫn bị ảnh hưởng bởi virus DNS Changer sau khi FBI đóng cửa mạng lưới an toàn của họ. Tuy nhiên, đó là một con số hết sức khiêm tốn so với hàng tỉ thiết bị kết nối Internet, bao gồm cả những thiết bị di động, như cảnh báo trước đó.
"So với đợt tấn công năm ngoái, mức độ nguy hiểm của DNS Changer đã bị giảm sút đi nhiều. Một phần nguyên nhân là do các hãng bảo mật đã có những biện pháp phát hiện và tiêu diệt loại virus này", ông Johannes Ullrich, Trưởng nhóm nghiên cứu của viện bảo mật SANS cho biết.
Trong khi đó, các hãng Internet lớn như Google hay Facebook đều đưa ra cảnh báo với người dùng về nguy cơ nhiễm phải DNS Changer và đưa ra đường link (được cho phép bởi FBI) www.dcwg.org giúp người dùng kiểm tra và gỡ bỏ loại virus nguy hiểm này nếu máy tính bị nhiễm.
Tuy nhiên, ngay cả khi đã gỡ bỏ virus, người dùng vẫn sẽ phải cài đặt lại DNS bằng tay. Tuy nhiên, các thao tác không hề khó. Ông Ullrich cũng khuyến cáo người dùng, mặc dù thảm họa DNS Changer đã không xảy ra, nhưng đây sẽ là bài học “nhãn tiền” cho người dùng về vấn đề an ninh mạng và bảo mật trong thời đại số hóa ngày nay.
DNS Changer là một loại trojan được kích hoạt từ năm 2007 và được phát hiện ra vào năm 2011. Nó lợi dụng một lỗ hỏng bảo mật trên hệ điều hành Windows để cài đặt một phần mềm độc hại trên máy tính của nạn nhân, qua đó thay đổi DNS của máy tính bị nhiễm và đưa người dùng đến với máy chủ do tác giả của nó tạo ra nhằm bán quảng cáo. Cho đến nay, đã có khoảng 4 triệu máy bị nhiễm loại mã độc lợi hại này, mang lại lợi nhuận khoảng 14 triệu USD cho chủ nhân của DNS Changer. |
Thành Duy
Theo Infonet.vn