Người dân Myanmar lại không thể truy cập Internet, theo AFP. Nhóm giám sát NetBlocks cho biết "tình trạng mất Internet do lệnh của chính phủ" đã khiến Myanmar gần như bị cô lập hoàn toàn trên không gian mạng.
Trong khi đó, lực lượng an ninh ở thành phố Myitkyina, miền Bắc Myanmar ngày 14/2 đã nổ súng để giải tán một cuộc biểu tình. Một nhà báo có mặt tại hiện trường cho biết không rõ cảnh sát đã sử dụng đạn cao su hay đạn thật.
Vài giờ sau, chính quyền Myanmar do quân đội kiểm soát đã gia tăng nỗ lực dập tắt các cuộc biểu tình phản đối cuộc chính biến hôm 1/2.
Hình ảnh ghi lại cảnh lực lượng vũ trang được điều động ở nhiều địa phương tại Myanmar nhanh chóng lan truyền trên các phương tiện truyền thông. Liên Hợp Quốc lập tức yêu cầu được triển khai quan sát viên tại quốc gia Đông Nam Á này.
Các phương tiện quân sự được triển khai tại Myanmar vào ngày 14/2. Ảnh: Reuters. |
Truyền thông Myanmar cho biết ít nhất 5 nhà báo đã bị bắt giữ. Hình ảnh một số người bị thương do cuộc đàn áp cũng đã được đăng tải.
Tuyên bố chung của các đại sứ Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU) tại Myanmar kêu gọi quân đội nước này không làm hại dân thường.
"Chúng tôi kêu gọi các lực lượng vũ trang kiềm chế bạo lực đối với những người biểu tình, những người đang phản đối việc lật đổ chính phủ hợp pháp của họ", tuyên bố cho biết.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres lặp lại lời kêu gọi đó, yêu cầu các nhà chức trách "đảm bảo quyền tụ tập và biểu tình ôn hòa mà không bị trừng phạt".
Gần như toàn bộ Myanmar đã rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi và các lãnh đạo dân cử bị bắt giữ vào ngày 1/2.
Nỗ lực ngắt Internet từ phía chính phủ do quân đội kiểm soát đã không thể ngăn làn sóng phản đối từ người dân. Nhiều đám đông khổng lồ đã tụ tập ở nhiều nơi trên khắp Myanmar, từ thành thị đến nông thôn.
Nhóm giám sát của Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho biết ít nhất 400 người đã bị giam giữ kể từ khi cuộc chính biến diễn ra.
Nhưng nỗi sợ bị bắt giữ đã không ngăn cản được đám đông quay trở lại các đường phố trên khắp đất nước trong ngày thứ 9 liên tiếp của cuộc biểu tình trên đường phố hôm 14/2.
Tại thành phố Dawei, miền Nam Myanmar, 7 sĩ quan cảnh sát đã rời hàng ngũ để tham gia những người biểu tình chống đảo chính.
Chính phủ mới của Myanmar do quân đội kiểm soát cho đến nay vẫn không bị lay chuyển trước làn sóng lên án của dư luận quốc tế.
Một phiên họp khẩn cấp của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 12/2 đã kêu gọi chính phủ mới trả tự do cho tất cả những người "bị giam giữ vô cớ" và trao lại quyền lực cho chính quyền của bà Aung San Suu Kyi.
Tuy nhiên, chính quyền khẳng định họ đã nắm quyền một cách hợp pháp và chỉ thị cho các nhà báo trong nước không gọi họ là nhà nước nắm quyền nhờ đảo chính.