Một tàu hải cảnh của Trung Quốc. Ảnh: AP |
Phát biểu trước các phóng viên hôm qua, ông Arif Havas Oegroseno, Thứ trưởng Điều phối Hàng hải và Tài nguyên biển của Indonesia, tuyên bố mà Trung Quốc đưa ra về "ngư trường truyền thống" của nước này ở quần đảo Natuna không được công nhận theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. “Nó là điều bịa đặt, mơ hồ về mặt thời gian, không rõ năm tháng nào nó trở thành lịch sử, truyền thống”, Kyodo News dẫn lời ông nói.
Theo ông Oegrosen, Công ước của Liên Hợp Quốc không công nhận ngư trường truyền thống, và chỉ công nhận "quyền đánh bắt cá truyền thống" do công dân của một quốc gia thực hiện trong phạm vi một nước khác nhưng phải được thông qua bằng hiệp ước với bên liên quan.
Indonesia cho đến nay chỉ có một hiệp ước về quyền đánh cá truyền thống với Malaysia, được áp dụng trong một khu vực cụ thể.
Ông Oegroseno cũng cho rằng, hành động của tàu hải cảnh và tàu cá Kway Fey của Trung Quốc trong vụ đâm va gần đây với tàu Indonesia gần quần đảo Natuna là vi phạm Công ước về quy định phòng tránh va chạm trên biển của Tổ chức Hàng hải Quốc tế. Theo ông, hành động của Trung Quốc đang tạo ra "một trò chơi mới" mà các nước Đông Nam Á cần phải theo dõi chặt chẽ.
Quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông, giữa bán đảo Mã Lai và đảo Borneo. Đồ họa: Developmentadvisor |
Sáng 20/3, khi tàu tuần tra Indonesia áp giải tàu cá Kway Fey cùng 8 thuyền viên về khu vực gần quần đảo Natuna để xử phạt vì xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Indonesia, tàu hải cảnh Trung Quốc tông vào tàu tuần tra của Indonesia nhằm mục đích giải vây cho tàu nước họ.
Ngày 21/3, Trung Quốc cho rằng tàu cá nước này đang hoạt động ở "ngư trường truyền thống của Trung Quốc" thì bị một tàu có vũ trang của quốc đảo Đông Nam Á "quấy rối", buộc tàu hải cảnh Trung Quốc phải đến để hỗ trợ.
Theo ông Iuhut Binsar Panjaitan, Bộ trưởng Điều phối Chính trị, Pháp lý và An ninh của Indonesia, 8 thuyền viên Trung Quốc sẽ bị truy tố.
Sau hàng loạt các sự cố trong vùng lãnh hải của giới chức Indonesia cũng tuyên bố tăng cường sự hiện diện ở khu vực quần đảo Natuna.
Trung Quốc ngang ngược tuyên bố về cái gọi là "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò" nuốt gần trọn Biển Đông. Indonesia không phải là bên tranh chấp tại Biển Đông, nhưng nước này lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ đưa quần đảo Natuna giàu tài nguyên mà Indonesia đang kiểm soát vào cái gọi là "đường 9 đoạn" mơ hồ.