Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Indonesia có thể kiện Trung Quốc vì xâm phạm lãnh hải

Indonesia ngày 21/3 phản đối mạnh mẽ việc một tàu hải cảnh Trung Quốc cản trở tàu tuần tra của nước này đang làm nhiệm vụ quanh quần đảo Natuna cuối tuần qua.

Ngày 21/3, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã triệu Đại biện lâm thời của Trung Quốc tại Jakarta để phản đối việc tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm lãnh hải quanh quần đảo Natuna, phía bắc nước này.

"Tại cuộc gặp, chúng tôi đã truyền đạt sự phản đối mạnh mẽ liên quan tới việc tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm quyền chủ quyền của Indonesia", Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Marsudi cho hay.

Bộ trưởng Thủy sản Indonesia Susi Pudjiastuti ngày 21/3 cũng cho biết, nỗ lực của nước này trong việc duy trì hòa bình ở Biển Đông “bị phá hoại ngầm”.

Theo bà, Indonesia có thể đưa tranh chấp hàng hải mới nhất giữa nước này với Trung Quốc ra tòa án quốc tế. “Indonesia theo đuổi và thúc đẩy hòa bình ở Biển Đông trong nhiều năm. Với vụ việc hôm qua, chúng tôi cảm thấy những nỗ lực của mình bị cản trở và phá hoại ngầm”, bà Pudjiastuti nói sau cuộc họp với các quan chức đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta.

Cùng ngày, Công sứ Đại sứ quán Trung Quốc tại Indonesia Sun Weide cho rằng, vụ việc xảy ra trong “ngư trường truyền thống của Trung Quốc”. Ông này kêu gọi Indonesia thả 8 thuyền viên bị bắt giữ.

tau Trung Quoc xam pham lanh hai Indonesia anh 1
Một tàu hải cảnh của Trung Quốc. Ảnh: AP

Trước đó, bà Susi Pudjiastuti, cho biết khi Indonesia cố gắng bắt tàu Trung Quốc đánh bắt trái phép trong vùng biển Natuna, thì tàu hải cảnh Trung Quốc tới ngăn cản.

Cụ thể, sự việc bắt đầu lúc 14h ngày 19/3 khi giới chức Indonesia phát hiện tàu Kway Fey 10078 nặng 200 tấn của Trung Quốc ở vị trí 05°05’866” Bắc/109°07’646” Đông, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia ở Biển Đông.

Lúc 15h, tàu tuần tra KP HIU 011 của Bộ Thủy sản và Các vấn đề Hàng hải Indonesia bắt con tàu trên cùng 8 thành viên thủy thủ đoàn vì đánh bắt cá bất hợp pháp và hộ tống tàu tới vùng biển Natuna để điều tra thêm.

2h sáng ngày 20/3, trên đường tới Nautura, một tàu hải cảnh Trung Quốc có vũ trang đã tông vào tàu tuần tra của Indonesia nhằm mục đích giải vây cho tàu nước họ. Ngay sau đó, một tàu hải cảnh khác được trang bị tốt hơn có mặt tại hiện trường và lớn tiếng ra lệnh cho tàu tuần tra của Indonesia trong vòng 30 phút phải thả tàu cá trái phép.

Bà Pudjiastuti dùng từ “ngạo mạn” để mô tả sự can thiệp của tàu hải cảnh Trung Quốc trong vụ việc, theo Jakarta Post.

Đây không phải lần đầu tiên tàu Trung Quốc thể hiện sự hung hăng trước các tàu chấp pháp của Indonesia. Vụ việc tương tự xảy ra ngày 26/3/2013 khi tàu tuần tra Nanfeng RRC 310 của Trung Quốc cố gắng giải cứu một tàu của nước này bị tàu tuần tra Hiu Macan 01 của Indonesia bắt giữ tại vùng biển Natuna.

tau Trung Quoc xam pham lanh hai Indonesia anh 2

Quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông, giữa bán đảo Mã Lai và đảo Borneo. Đồ họa: Developmentadvisor

Bộ trưởng Thủy sản Indonesia nói rằng Jakarta sẽ yêu cầu Trung Quốc giải thích việc nếu họ nói "đường 9 đoạn" không bao gồm Natuna vậy tại sao họ vẫn đánh cá trái phép ở đó. Bộ trưởng Thủy sản Indonesia cũng nhấn mạnh, chính phủ Trung Quốc không nên đứng đằng sau hoạt động đánh bắt trái phép và không có kiểm soát này.

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố về cái gọi là "đường 9 đoạn" hay "đường lưỡi bò" nuốt gần trọn Biển Đông. Indonesia không phải là bên tranh chấp tại Biển Đông, nhưng nước này lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ đưa quần đảo Natuna giàu tài nguyên mà Indonesia đang kiểm soát vào cái gọi là "đường 9 đoạn". Quần đảo Natuna ở phía nam Biển Đông, giữa bán đảo Mã Lai và đảo Borneo.

Hồi tháng 11/2015, Indonesia tuyên bố có thể sẽ kiện Trung Quốc ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) nếu yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh đối với Biển Đông không được giải quyết thông qua đối thoại.

Indonesia nhấn mạnh, yêu sách "đường 9 đoạn" do Trung Quốc vẽ ra là vấn đề không chỉ riêng nước này phải đối mặt mà nó cũng tác động trực tiếp tới lợi ích của Malaysia, Brunei, Việt Nam và Philippines. Indonesia tin rằng yêu sách "đường lưỡi bò" của Trung Quốc đối với một phần quần đảo Natuna là "không có cơ sở pháp lý".

Hải Anh

Bạn có thể quan tâm