Indonesia cân nhắc đánh thuế du khách đến Bali. Ảnh: Reuters. |
Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Du lịch Sandiaga Uno cho biết khoản thuế du lịch sẽ gây quỹ cho các dự án bảo tồn, bao gồm trồng rừng ngập mặn và trồng rạn san hô, để đảm bảo du khách sẽ có tác động tích cực đến môi trường địa phương.
Theo Bộ trưởng Uno, thời gian áp dụng và mức thuế vẫn đang được thảo luận. Bên cạnh đó, Nia Niscaya, một quan chức về chính sách chiến lược của Bộ, cho biết Indonesia đang xem xét ví dụ từ Thái Lan.
Tuy nhiên, nhiều tổ chức kinh doanh lo ngại thuế sẽ ngăn cản du khách đến thăm hòn đảo, gây tổn hại cho ngành du lịch vào thời điểm ngành này vẫn đang phục hồi sau đại dịch, tờ Jakarta Post đưa tin.
Trong vài tuần qua, hàng chục khách du lịch đã bị trục xuất khỏi Bali, khi chính quyền tăng cường các biện pháp thực thi pháp luật để xử lý những người nước ngoài lạm dụng thị thực để làm việc trên đảo, vi phạm luật giao thông và không cư xử đúng mực tại các địa điểm tôn giáo.
Đầu tháng này, Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư, đã kêu gọi đánh thuế du lịch. Ông nói rằng Bali là một trong những điểm du lịch rẻ nhất thế giới và điều này đã “khuyến khích nhiều du khách nước ngoài có thu nhập thấp đến Bali”, dẫn đến nhiều hành vi không đúng mực.
Theo ông, hòn đảo này nên chuyển hướng khỏi du lịch đại trà và tập trung vào việc trở thành một điểm du lịch chất lượng cao.
Trước đại dịch Covid-19, Bali đã thu hút 6,2 triệu du khách nước ngoài mỗi năm. Du lịch ước tính đóng góp khoảng 60% nền kinh tế của hòn đảo.
Trong khi đó, người dân địa phương ngày càng phẫn nộ với hành vi thiếu tôn trọng hoặc trái pháp luật của khách du lịch, từ việc người nước ngoài chụp ảnh khỏa thân trên mạng xã hội tại các địa điểm linh thiêng, cho đến việc vi phạm luật giao thông.
Sách hay về Đông Nam Á
Để giúp độc giả hiểu thêm về Đông Nam Á, Zing giới thiệu ba cuốn sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia về chủ đề này: “Cạnh tranh Trung - Ấn tại Đông Nam Á”, “Gắn kết và chủ động thích ứng: Tầm nhìn và triển vọng của ASEAN sau năm 2025” và “Đông Nam Á học - Một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa”.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.