Trong cuộc phỏng vấn với AFP, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cho biết tăng cường phòng vệ quanh quần đảo Natuna chính là ưu tiên hàng đầu của nước này.
Các đợt triển khai tiếp theo bao gồm điều tàu chiến, chiến đấu cơ F-16, tên lửa đất đối không, máy bay không người lái và radar. Song song với việc triển khai vũ khí, Indonesia cũng sẽ xây dựng những cơ sở quân sự và cải thiện một đường băng ở khu vực này.
Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia. Ảnh: SCMP |
"Đây sẽ là tai, mắt của chúng tôi. Như vậy chúng tôi có thể biết được rõ chuyện gì đang xảy ra ở quần đảo Natuna và những vùng lân cận trong Biển Đông", Bộ trưởng Ryacudu nói.
Tuyên bố mạnh mẽ của Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia được đưa ra một ngày sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết cuối cùng về vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông vào ngày 12/7.
Một trong những nội dung đầu tiên PCA đưa ra là Trung Quốc không có quyền lịch sử ở Biển Đông. “Không có cơ sở pháp lý nào để Trung Quốc đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên trong vùng biển nằm trong đường 9 đoạn”, phán quyết của toà cho hay.
Toà khẳng định dù ngư dân Trung Quốc từng đến một số đảo trong quá khứ, nhưng trong lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ "thực hiện quyền kiểm soát đặc quyền đối với vùng nước và nguồn tài nguyên xung quanh".
Indonesia không có tranh chấp hàng hải với Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh cũng đã khẳng định quần đảo Natuna thuộc chủ quyền của Indonesia.
Vị trí quần đảo Natuna. Đồ họa:Wikipedia |
Tuy nhiên, yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc đã chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia xung quanh quần đảo Natuna.
Do vậy, Jakarta phản đối việc Trung Quốc gộp vùng biển quanh quần đảo Natuna của nước này vào cái gọi là "đường 9 đoạn" mà Bắc Kinh đơn phương vạch ra.
Bên cạnh đó, từ đầu năm nay, Hải quân Indonesia đã nhiều lần bắt giữ các tàu cá Trung Quốc trái phép quanh quần đảo Natuna. Những vụ việc này khiến quan hệ 2 nước trở nên căng thẳng.