Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Indonesia: Rà từ trang đồi trụy đến mạng xã hội trước bầu cử

Cả hai đảng lớn của Indonesia đều tiếp tay phát tán các tin bịa đặt làm hại đối thủ trước bầu cử 17/4 tới. Tin giả vừa trở thành một ngành công nghiệp, vừa là kẻ thù của dân chủ.

Căn phòng im lặng gần như tuyệt đối, không hợp với tên gọi “phòng chiến tranh” (War Room) chút nào. Đây là nơi nhóm chuyên viên trẻ người Indonesia đào bới mạng Internet để tìm những thông tin giả mạo, bịa đặt.

Hầu hết họ làm việc một cách lặng lẽ, đi qua hết trang này sang trang khác, từ trang đồi trụy, trang đánh bạc bất hợp pháp đến mạng xã hội, liên tục như vậy nhiều giờ liền trong nỗ lực tẩy sạch mọi sự lệch lạc trên mạng Internet.

bau cu Indonesia anh 1
Cuộc chiến tìm ra thông tin sai sự thật trên mạng Internet của Indonesia diễn ra trong im lặng ở căn phòng nơi nhóm 100 chuyên viên làm việc 24 giờ. Ảnh: Channel News Asia.

Thực sự là một cuộc chiến

“Phòng này giống như Phòng Tình huống (situation room)”, Riko Rahmada, phụ trách chương trình kiểm soát nội dung ở Bộ Truyền thông và Công nghệ Thông tin Indonesia (MICT), cười và nói với Channel News Asia. Trong Nhà Trắng của Tổng thống Mỹ, Phòng Tình huống vốn là nơi họp với các quan chức cấp cao để phân tích thông tin tình báo trong các tình huống khẩn cấp.

“Việc chúng tôi đang làm mỗi ngày là kiểm tra các nội dung xấu và mọi thứ trái pháp luật”, ông nói về sứ mệnh khá rộng của các chuyên viên.

Khoảng 100 người đang thay ca làm việc cả ngày để ngăn chặn làn sóng nội dung bị chính quyền coi là xấu. Indonesia đã liệt một triệu website vào danh sách đen, theo Riko. Đây thực sự là một cuộc “chiến tranh”.

Giữa lúc đất nước này đang tiến gần tới cuộc bầu cử tổng thống ngày 17/4, các chuyên viên đã chứng kiến sự gia tăng đột biến các trò bịp bợm trên mạng. Riko cho biết các thông tin bịa đặt liên quan tới chính trị đã tăng 30%.

Mục đích của chúng là nhằm gây sốc, chia rẽ và lừa gạt, một cách tinh vi và những chiêu trò này được các bên trong chính giới thực hiện.

Trong cuộc đua tới đỉnh cao quyền lực, tất cả đều sẵn sàng dùng thủ đoạn, nhưng luôn chuẩn bị sẵn cách phủ nhận mình đã phát tán sự giả dối tại một đất nước vốn yêu thích mạng xã hội.

“Nhiều trò bịp bợm trong năm bầu cử thường nhạy cảm và chúng ta cần phải bảo đảm rằng người dân có thông tin chuẩn xác để bầu cho đúng người”, ông Riko nói.

bau cu Indonesia anh 2
Nhóm chống tin giả dùng các bản đồ mô phỏng xu hướng để phục vụ công việc. Ảnh: Channel News Asia.

Hai đảng lớn đều bịa đặt tin giả

Một cuộc điều tra bởi hãng tin Reuters đầu năm nay cho thấy cả hai chính đảng lớn đang chi tiền cho các tổ chức bí mật tạo nội dung công kích đối thủ một cách phiến diện hoặc bịa đặt. Cả hai bên đều bác bỏ báo cáo điều tra của Reuters.

Có nhiều ví dụ về tin giả phát tán rộng rãi trong kỳ bầu cử này từ người ủng hộ của cả tổng thống đương nhiệm Joko “Jokowi” Widodo và đối thủ Prabowo Subianto. Các tin đồn đã gây tổn hại uy tín cho cả hai, như các thông tin nói ông Jokowi theo đạo Thiên chúa, hoặc Prabowo sẽ giải tán quân đội và cổ súy chế độ đa thê.

Facebook đã có ảnh hưởng lớn lên Indonesia với hơn 130 triệu người dùng, và là một trong những thị trường lớn nhất thế giới của mạng xã hội này. Các nền tảng của Facebook như WhatsApp và Instagram, đã trở thành mảnh đất màu mỡ cho thông tin sai sự thật. Vì vậy, Indonesia đang là nước ưu tiên đối với mạng xã hội lớn nhất hành tinh. 

Ngày 12/4, công ty này tuyên bố đã gỡ bỏ 234 tài khoản “vì có hành vi mang tính giả mạo một cách có tổ chức”.

“Đây là sự tiếp nối một thành quả tương tự vào tháng một, khi chúng tôi phá vỡ một mạng lưới các tài khoản có liên hệ với Saracen Group, và gỡ bỏ khỏi nền tảng”, một phát ngôn viên của Facebook nói với Channel News Asia.

“Chúng tôi tập trung vào việc bảo vệ cuộc bầu cử đồng thời bảo đảm người dân có tiếng nói trong tiến trình bầu cử”.

bau cu Indonesia anh 3
Cả hai đảng chính trị lớn đều bị cáo buộc đã thông đồng với việc phát tán tin giả trước bầu cử 17/4 ở Indonesia. Ảnh: Channel News Asia.

Facebook đã hợp tác với các công ty truyền thông ở Indonesia và nhà chức trách giữa những lo ngại ngày càng tăng về tin giả. Công ty này cũng tạm thời ngừng bán quảng cáo liên quan đến bầu cử cho các bên mua ngoài Indonesia.

Tin giả thành ngành công nghiệp

Tuy nhiên, nhiều người đi đầu trong cuộc chiến giám sát Internet cho rằng cần phải làm nhiều hơn nữa.

Harry Sufhemi là đồng sáng lập Mafindo, một tổ chức phi lợi nhuận dựa vào công chúng để chống tin giả. Ông chỉ có năm nhân viên, nhưng dẫn dắt 60.000 thành viên online trong việc chống lại hàng trăm chiến dịch lừa bịp khác nhau.

Sufhemi nói ông bị choáng ngợp bởi lượng thông tin sai lệch mà họ phải lật tẩy. 

“Tôi đang mất ngủ vì nó. Đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Ở các nước khác như Mỹ, Mexico, Brazil và Nigeria, đã xảy ra nhiều chuyện kinh khủng về các chiến dịch lừa đảo bởi những kẻ xấu. Chúng tôi đang cố gắng ngăn chặn điều này ở Indonesia”, ông nói.

“Dân chủ tức là ra quyết định sau khi có đủ thông tin. Nếu thông tin bị phá hoại thì sẽ không thể lựa chọn chính xác. Tin giả đang phá hủy nền dân chủ của chúng ta”.

Mafindo đặt cho mình sứ mệnh “bảo vệ, tìm và diệt”, và ở phần cốt lõi, tổ chức này muốn người dân có nhận thức, cũng như nắm các công cụ chống lại sự lừa đảo.

Sufhemi không muốn chính phủ phải theo đuổi “các biện pháp mạnh tay” như chặn hay kiểm duyệt, và họ cũng không muốn phải tự mình theo dõi những người phát tán tin giả.

“Cũng giống như vấn đề buôn bán ma túy. Bạn có thể bắt được những kẻ bào chế, nhưng chừng nào còn người tiêu thụ, sẽ có thêm nhiều kẻ cung cấp ma túy”, ông nói. “Nhưng nếu chúng ta loại bỏ cầu, nguồn cung sẽ tự biến mất”.

“Chúng tôi đang trang bị vũ khí (chống tin giả) cho mọi người”.

bau cu Indonesia anh 4
Facebook đang hợp tác với các công ty truyền thông và nhà chức trách để ngăn chặn sự phát tán của tin giả trên nền tảng của mình. Ảnh: Channel News Asia.

Những kẻ lan truyền tin giả đã tạo hẳn một ngành công nghiệp từ những nội dung có mục đích công kích, và Sufhemi cho rằng điều chúng muốn là tiền, hơn là đi theo một lý tưởng nào.

Chính quyền phải có trách nhiệm ngăn chặn những kẻ tung tin sai lệch, nhưng trong lúc này cuộc chiến tuyên truyền vẫn tiếp tục một cách căng thẳng chỉ vài ngày trước bầu cử.

Ở “phòng chiến tranh” của MICT, các nhân viên trẻ tuổi vẫn cặm cụi làm việc, tiếp xúc với các nội dung khó và tranh cãi. “Chúng tôi vẫn đang cố theo dõi các nội dung xấu, mới nhất đang được tạo ra trên Internet. Đây là một cuộc đua”, Riko nói.

Người cao tuổi dễ mắc bẫy chia sẻ tin giả trên Facebook

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science, những người lớn tuổi có khả năng chia sẻ tin tức giả trên Facebook gấp gần 7 lần so với thế hệ trẻ.

Facebook và tin giả đã khơi mào cho bạo loạn tại Paris?

Những vụ bạo lực tại Brazil và Ấn Độ, và vụ bạo loạn vừa qua ở Paris đều có những kịch bản chung: chúng đều có ảnh hưởng quá lớn nhờ vào Facebook.

Trọng Thuấn

(theo Channel News Asia)

Bạn có thể quan tâm