Những cuộc bạo loạn diễn ra cuối tuần qua tại Paris để lại thủ đô nước Pháp một cảnh tượng tan hoang, Khải Hoàn Môn bị bôi bẩn, 3 người thiệt mạng, hơn 260 người bị thương và ít nhất 400 người bị bắt giữ. Chính phủ Pháp đã phải huy động 37.000 cảnh sát để giữ an ninh quanh nước Pháp.
Cuộc bạo loạn “Áo khoác vàng” trở nên rắc rối bởi nó không có một thủ lĩnh thực sự, không do phe phái chính trị nào giật dây. Theo một bài điều tra của BuzzFeed, những người tham gia bạo loạn chủ yếu liên lạc với nhau qua những nhóm Facebook nhỏ, mang tính địa phương.
BuzzFeed cho rằng chính Facebook, với những thay đổi trong thuật toán hiển thị vào đầu năm nay cùng nỗ lực không thành trong việc kiểm soát tin giả đã góp phần khơi mào cho cuộc bạo loạn vừa qua.
Zing.vn lược dịch bài viết của tác giả Ryan Broderick trên BuzzFeed, mô tả quá trình mà anh gọi là Facebook “xé nát nước Pháp”.
Làn sóng bắt đầu khi Facebook thay đổi thuật toán
Vào tháng 1/2018, một nhóm Facebook được tạo ra với tên gọi “Groupes Colère” (Nhóm tức giận). Nhóm này do một công nhân người Bồ Đào Nha tên Leandro Antonio Nogueira tạo ra. Nogueira sống ở tỉnh Dordogne (Pháp), với dân số hơn 400.000 người.
Nogueira tạo ra nhóm để kêu gọi mọi người biểu tình bất bạo động, bằng cách chặn các con đường. Ngay sau đó, anh này còn tạo ra các nhóm tương tự cho các tỉnh khác của Pháp.
Những nhóm nhỏ này thu hút rất nhiều người dân địa phương, chủ yếu là người trung lưu và lao động phổ thông, bởi chúng giúp cho họ chia sẻ với nhau về những vấn đề của địa phương mình. Nhóm đầu tiên do Nogueira tạo ra ở Dordogne hiện có tới 90.000 thành viên.
Lý do các nhóm này phát triển nhanh như vậy đến từ một sự thay đổi thuật toán của Facebook. Đầu năm nay, CEO Facebook Mark Zuckerberg thông báo Facebook sẽ thay đổi thuật toán hiển thị của News Feed, để ưu tiên các tin tức đáng tin và thông tin địa phương.
Mục tiêu của Facebook là giảm ảnh hưởng của những tin tức giả, gây tranh cãi về chính trị bằng cách cho người dùng đọc được nhiều hơn các thông tin liên quan đến địa phương của họ.
Sau khi Mark Zuckerberg công bố sự thay đổi thuật toán, blog chính thức của Facebook đăng tải bài viết của Trưởng nhóm phụ trách News Feed với tựa đề “Mang mọi người đến gần nhau hơn”. |
Chính nhờ sự thay đổi thuật toán đó, những “nhóm tức giận” ở Pháp được chia sẻ và tăng trưởng nhanh chóng mặt. Khoảng hơn 10 cuộc tuần hành, biểu tình đã được tổ chức, lấy tên các nhóm theo số như Anger 24 hay Anger 87.
Những hành vi biểu tình bao gồm chặn đường, phản đối luật lao động mới, hay những chính sách về vắc-xin. Những nhóm này đóng vai trò quan trọng trong trào lưu phản đối vắc-xin tại Pháp.
Việc chia sẻ qua Facebook rất đơn giản. Những người ở cùng một khu vực có thể dễ dàng nhận ra nhau bằng các con số ở đầu bài viết, thể hiện biển số xe của địa phương họ sinh sống. Nhờ vậy, các bài viết chia sẻ thu hút cả những người già, vốn không rành về công nghệ.
Những ngọn lửa âm ỉ chờ bùng phát
Chỉ sau vài tháng, những cuộc biểu tình dần nguội đi, nhưng một ngọn lửa mới lại sắp được thắp lên. Ngày 29/5, cô Pricillia Ludosky, 32 tuổi, sống tại ngoại ô Paris tạo một cuộc vận động trên Change.org với tên gọi “Kêu gọi giảm giá xăng dầu”. Kể lại với báo Le Parisien, cô Ludosky cho biết cố đã rất bất ngờ khi biết được mức thuế xăng dầu tại Pháp, và quyết định tạo cuộc vận động nói trên.
Ban đầu cuộc vận động không được quan tâm nhiều, chỉ thu hút được khoảng vài trăm người ủng hộ bằng cách ghi danh trên trang web. Ludosky thỉnh thoảng vẫn chia sẻ đường dẫn tới trang vận động lên trang Facebook của mình. Cuộc vận động vẫn ở đó, trên trang web Change.org, cho tới khi tình hình hoàn toàn thay đổi vào tháng 10.
Ngày 10/10, Ludosky viết lên Facebook rằng cô sắp được một đài phát thanh địa phương mời lên phỏng vấn, với điều kiện cần là cuộc vận động của cô có được 1.500 chữ ký. Chỉ một ngày sau, cô đã đạt được điều kiện đó và xuất hiện trên sóng phát thành.
Hiện cuộc vận động của Ludosky đã có trên 1 triệu chữ ký. |
Câu chuyện này được chia sẻ trên một trang tin địa phương ở vùng Seinte-et-Marne, sau đó được một trang Facebook khác với khoảng 50.000 người thích chia sẻ. Đó là lúc nó thực sự cất cánh. Khoảng 500 người đã chia sẻ bài viết, cùng với rất nhiều lượt tương tác.
Khi Ludosky đang lên sóng, một cuộc vận động khác cũng được tạo ra trên trang gọi vốn cộng đồng của Pháp là MesOpinions, với tên gọi “Giới hạn mức giá 1 euro cho mỗi lít xăng”. Cuộc vận động này thực sự được quan tâm. Theo công cụ theo dõi mạng xã hội BuzzSumo, có tới 160.000 lượt tương tác cho bài viết trên trang Facebook của MesOpinions.
Chỉ 2 ngày sau, 2 tài xế xe tải đã tạo một sự kiện trên Facebook có tên “Chặn mọi ngả đường để phản đối tăng giá xăng” vào ngày 17/11. Một nhóm khác trên Facebook có tên “Nước Pháp nổi giận” được tạo ra ngày 15/10 đã có tổng cộng 17,3 triệu lượt tương tác, theo số liệu từ công cụ đo lường CrowdTangle.
Những nhóm Facebook có lượng thành viên nhiều nhất đều được tạo ra trong khoảng cuối tháng 10/2018, khi những bài viết và cuộc vận động của Ludosky được lan truyền mạnh mẽ. Ảnh: CrowdTangle. |
Theo CrowdTangle, 10 nhóm Nổi giận có số lượng thành viên nhiều nhất đều được tạo ra quanh khoảng thời gian Ludosky lên sóng phát thanh và cuộc vận động trên MesOpinions được tạo ra.
Ngày 22/10, báo Le Parisien viết về cuộc vận động của cô Ludosky, và chỉ sau vài ngày số người ủng hộ đã lên tới 225.000. Vậy là nhờ ảnh hưởng của Facebook, một cuộc vận động hầu như không ai biết tới đã trở thành một sự kiện có ảnh hưởng rất lớn. Tới thời điểm đầu tháng 12, đã có hơn 1 triệu người ủng hộ Ludosky.
Tin giả lẫn lộn giữa những cái đầu nóng
Truy cập những nhóm Nổi giận, có thể dễ dàng bắt gặp hàng loạt tin giả, thiếu căn cứ và những thông tin theo thuyết âm mưu. Trong một nhóm có tên “Citizens in Anger” với 15.000 thành viên, phần mô tả cho thấy mục tiêu của nhóm này là bảo vệ Pháp khỏi những kẻ thao túng trong Hội Tam điểm.
Trong một nhóm khác có tên “la france en colere !!!”, một trong những bài viết được chia sẻ nhiều nhất là một tin tức về hàng triệu người Đức đang từ bỏ xe hơi, đi bộ để phản đối giá xăng tăng. Đây là một tin giả, còn bức ảnh được lấy từ một vụ kẹt xe dài ở Trung Quốc năm 2010.
Một trong những bài viết đầu tiên của nhóm “la france en colere !!!” phịa ra câu chuyện cả triệu người Đức bỏ xe đi bộ vì giá xăng tăng. |
Một YouTuber khác của Pháp thì lan truyền bức ảnh về một văn bản có chữ ký của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong đó cho phép lực lượng an ninh “dùng vũ lực” với người biểu tình vào ngày 17/11. Báo Libération của Pháp đã phải đăng bài viết để cảnh báo độc giả về tin tức giả mạo này, chỉ ra rằng bức thư có quá nhiều lỗi chính tả.
Cuộc bạo loạn Áo khoác vàng không có một lãnh đạo đích thực, do vậy những người tạo được ảnh hưởng là những cá nhân với lượng tin, video được chia sẻ nhiều nhất. Đến chiếc áo vàng biểu tượng của phong trào này cũng được lấy từ một video trên Facebook. Ghislain Coutard, một người đàn ông 36 tuổi đến từ Narbonne kêu gọi mọi người mặc chiếc áo khoác vàng, vốn là trang phục bắt buộc với người Pháp đi xe máy, để biểu tình.
“Chúng ta ai cũng có một chiếc áo vàng. Hãy đặt nó lên xe cho tới ngày 17/11, đây sẽ là màu sắc đơn giản để mọi người biết rằng bạn đồng ý với chúng tôi”, anh Coutard nói trong video đăng tải lên Facebook ngày 24/10. Video này hiện có 5,4 triệu lượt xem, 200.000 lượt chia sẻ.
Nhiều người tranh nhau làm “đại diện” cho cuộc biểu tình. Một trong số đó, Maxime Nicolle, thường xuyên chia sẻ những thông tin mang thuyết âm mưu. Trong một buổi livestream trên Facebook, anh này còn tuyên bố những tài liệu mình nắm được “có thể bắt đầu Chiến tranh thế giới lần thứ ba chỉ trong một giờ đồng hồ”. Nicolle cho biết mình lấy được tài liệu từ một nhân vật rất quan trọng, nếu Tổng thống Macron biết được thì ông cũng sẽ bị sốc.
Một người biểu tình đang hướng điện thoại vào một chiếc loa phóng thanh để mọi người xung quanh nghe được âm thanh trong video. |
Nhóm lớn nhất trên Facebook mang tên “COMPTEUR OFFICIEL DE GILETS JAUNES" có tới 1,7 triệu thành viên. Phương thức tăng trưởng thành viên của nhóm này là các thành viên liên tục thêm bạn bè, có khi tới hàng chục người cùng lúc, vào nhóm. Điều này khiến cho Facebook đặt nhóm này ngay lên phần khuyến cáo, để người dùng dễ nhìn thấy nhóm và càng thu hút nhiều thành viên hơn.
Đến ngày 17/11, đã có tới 300.000 người biểu tình mặc áo khoác vàng trên toàn nước Pháp. Bạo loạn khiến chính phủ phải cử quân đội tới đảo Réunion. Tình hình chỉ dần lắng xuống trong tuần qua.
“Tôi nghĩ nó sẽ trở thành một thảm họa thực sự”.
Thomas Miralles, một trong những người đại diện của phong trào Áo khoác vàng.
Dù vậy, tình hình vẫn có thể trở nên tồi tệ hơn trong tuần này. AFP dẫn lời một nguồn thạo tin của văn phòng tổng thống Pháp ngày 5/12 cho biết chính phủ nước này lo sợ phong trào "áo khoác vàng" đã lên kế hoạch cho cuộc biểu tình "bạo lực lớn" vào ngày 8/12 tới. "Chúng tôi có lý do để lo sợ về tình trạng bạo lực lớn", nguồn tin này cho biết.
Cảnh tượng đốt phá đã quá quen thuộc ở cuộc bạo loạn cuối tuần qua. Ảnh: Getty. |
Thomas Miralles, 25 tuổi, một người đại diện của phong trào cho biết anh bắt đầu tham gia khi nhìn thấy cuộc vận động và sự kiện trên Facebook, và cho rằng đó là những cách rất hiệu quả để kêu gọi mọi người. Tuy nhiên sau những vụ bạo loạn và việc tin giả tràn lan, Miralles chia sẻ anh cũng không chắc điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
“Tôi nghĩ nó sẽ trở thành một thảm họa thực sự”.
Dù điều gì sẽ xảy ra vào cuối tuần này, chắc chắn nó sẽ được quay phim, chụp ảnh rất kỹ, và được đăng lên những nhóm Nổi giận.