Quần đảo Natuna do Indonesia kiểm soát nằm trong yêu sách "đường 9 đoạn" mà Trung Quốc vẽ ra. Ảnh: Pinterest |
Ông Luhut Pandjaitan, chánh văn phòng Tổng thống Joko Widodo kiêm Bộ trưởng điều phối an ninh, chính trị và pháp lý của Indonesia phát biểu hôm 11/11, cho hay nước ông đang tìm cách làm sáng tỏ yêu sách về “đường 9 đoạn” hay “đường lưỡi bò” mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông. Đồng thời, Indonesia cũng có thể kiện Trung Quốc ra Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) nếu yêu sách phi lý của Bắc Kinh không được giải quyết thông qua đối thoại.
Indonesia lo ngại về cách diễn giải của Trung Quốc về “đường 9 đoạn”
Chuyên gia Prashanth Parameswaran của tạp chí Diplomat nhận định, Indonesia ở thế khó xử khi tham gia vào tranh chấp tại Biển Đông. Một mặt, Jakarta không có tuyên bố chủ quyền đối với bất kỳ thực thể nào tại Biển Đông. Do vậy, nước này là bên trung lập, thậm chí là hòa giải viên tiềm năng trong các tranh chấp Biển Đông. Nhưng mặt khác, Indonesia lại lo ngại về cách diễn giải của Trung Quốc về “đường 9 đoạn”, bao gồm quần đảo Natuna, khu vực thuộc một phần vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia. Quần đảo Natuna nằm ở phía tây nam của “đường lưỡi bò” phi pháp.
Jakarta nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh giải thích rõ yêu sách, song cho tới nay, Trung Quốc vẫn tuyên bố mơ hồ có chủ đích về ý nghĩa của “đường 9 đoạn”.
Một ngày sau khi Indonesia nói có thể kiện Bắc Kinh lên tòa quốc tế về yêu sách chủ quyền, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Hồng Lỗi, nói Jakarta không tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Bắc Kinh gọi là “quần đảo Nam Sa”). Chính phủ Trung Quốc không phản đối chủ quyền của Indonesia đối với quần đảo Natuna.
Chánh văn phòng tổng thống Indonesia, ông Pandjaitan đã đề cập tới Tòa án Hình sự Quốc tế, thường thụ lý các vụ án liên quan tới tội ác chiến tranh, diệt chủng và chống nhân loại, chứ không phải là Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) – nơi Philippines đã đệ đơn kiện Trung Quốc. Trung Quốc nhiều lần từ chối tham gia vụ kiện do Philippines khởi xướng liên quan tới vấn đề Biển Đông.
Học giả người Mỹ, bà Shannon Tiezzi, chuyên nghiên cứu các vấn đề liên quan tới Trung Quốc, viết trên Diplomat rằng, trước hậu quả ngoại giao mà Trung Quốc áp đặt lên Philippines xung quanh việc Manila kiện yêu sách chủ quyền phi lý của Bắc Kinh lên PCA, việc Indonesia có thực hiện các động thái pháp lý để làm rõ “đường 9 đoạn” hay không vẫn chưa rõ ràng.
Thất vọng trước sự mơ hồ của Trung Quốc
Đường lưỡi bò" hay "đường 9 đoạn" của Trung Quốc vẽ ra không được luật pháp quốc tế và các nước trên thế giới công nhận. Ảnh: UNCLOS |
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, ông Armanatha Nasir, nói Indonesia “không công nhận 'đường 9 đoạn' vì nó không phù hợp luật pháp quốc tế”. Ông này khẳng định Jakarta đã yêu cầu Trung Quốc giải thích rõ ý nghĩa về “đường lưỡi bò” và mục đích của Bắc Kinh khi vẽ ra yêu sách này, song "điều đó đã không được làm sáng tỏ".
Theo học giả Tiezzi, sự lập lờ của Bắc Kinh là chính là nguồn cơn chủ yếu khiến Jakarta thất vọng. "Điều này càng khiến Indonesia nghi ngờ liệu Trung Quốc còn có định đòi quyền kiểm soát các khu vực trong EEZ của nước này hay không", bà Tiezzi viết.
Khi được hỏi liệu Indonesia có thực sự muốn kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế về “đường 9 đoạn” hay không, người phát ngôn của Indonesia, ông Nasir, từ chối suy đoán. “Chúng ta không thể đoán định mọi việc trước khi biết chúng tiến triển ra sao. Nhưng rõ ràng, Indonesia không phải là quốc gia nêu yêu sách và chúng tôi không công nhận 'đường 9 đoạn' – điều chúng tôi đã nói rõ với Trung Quốc”, ông Nasir cho biết.
Theo bà Tiezzi, nhiều khả năng, việc Indonesia nói rằng họ có thể kiện Bắc Kinh lên tòa quốc tế liên quan tới "đường 9 đoạn" chỉ là dấu hiệu cho thấy Jakarta thất vọng trước sự mơ hồ của Trung Quốc, chứ không phải họ thực sự muốn đưa vấn đề “đường lưỡi bò” lên tòa án quốc tế. Indonesia không thực sự nghiêm túc cân nhắc kiện Bắc Kinh như những gì Philippines đang làm: đưa yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc lên tòa quốc tế để họ xét xử.