Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia. Ảnh: Guardian |
Tại cuộc họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Arrmanatha Nasir khẳng định: "Quan điểm của Indonesia rất rõ ràng, rằng chúng tôi không công nhận cái gọi là 'đường 9 đoạn' vì nó không phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi đã yêu cầu Trung Quốc giải thích về ý định của họ cũng như về đường này, nhưng chưa nhận được câu trả lời".
Ông Nasir không cho biết Indonesia đã gửi yêu cầu trên đến Trung Quốc (qua kênh ngoại giao) vào thời điểm nào.
Trong khi đó, Reuters cho hay Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói nước này không có tranh chấp chủ quyền với Indonesia ở Natuna. "Nhưng giữa chúng tôi có một số tranh chấp hàng hải", ông Hồng Lỗi nói, dù không nêu rõ tranh chấp cụ thể về việc gì.
"Chúng tôi tuân thủ nhất quán rằng Trung Quốc và Indonesia cần tìm những giải pháp thích hợp thông qua đàm phán và tham vấn trực tiếp, cùng với tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế dựa trên cơ sở sự thật lịch sử", ông Hồng Lỗi nhấn mạnh.
Indonesia không có tranh chấp trực tiếp trên Biển Đông với Trung Quốc. Tuy nhiên, “đường lưỡi bò” phi lý do Trung Quốc tự vạch ra bao gồm cả vùng quanh đảo Natuna giàu trữ lượng dầu khí của Indonesia.
Hôm 11/11, ông Luhut Panjaitan, Bộ trưởng phụ trách những vấn đề chính trị, xã hội và luật pháp của Indonesia, tuyên bố nước này có thể kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế nếu những bất đồng giữa hai nước không thể giải quyết qua con đường ngoại giao.
“Indonesia đang làm việc rất tích cực. Chúng tôi đang cố gắng tiếp cận Trung Quốc và muốn thấy một giải pháp về vấn đề Biển Đông trong tương lai gần thông qua đối thoại hoặc sẽ đưa vấn đề này lên Tòa án Hình sự Quốc tế”, Reuters dẫn lời ông Luhut Panjaitan nói.
Panjaitan nhấn mạnh, Indonesia không muốn thấy bất kỳ động thái triển khai sức mạnh nào tại Biển Đông. "Chúng tôi muốn giải pháp hòa bình bằng cách thúc đẩy đối thoại".
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng việc Philippines kiện Trung Quốc lên Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) về Biển Đông đã khiến mối quan hệ hai bên căng thẳng và là “nút thắt cản trở nỗ lực cải thiện và phát triển mối quan hệ song phương”.
Tuần tới, Manila tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Đại sứ Mỹ tại Philippines, ông Philip Goldberg, cho biết Biển Đông có thể không được đưa vào chương trình nghị sự tại APEC.
Tuy nhiên, ông nói, Tổng thống Barack Obama và lãnh đạo Philippines Benigno Aquino III sẽ thảo luận về vấn đề này trong cuộc họp song phương vào sáng 17/11, bên lề sự kiện.