Indonesia chuẩn bị cho 'trận đánh lớn' với Trung Quốc
Tờ Jakarta Post phân tích, việc Indonessia đóng vai trò là “người hòa giải” tranh chấp trên Biển Đông là để giành được sự tín nhiệm của các quốc gia trong khu vực, chuẩn bị sẵn cho cuộc đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông.
Tuy vậy, tờ báo này còn cho khẳng định chỉ như thế vẫn là chưa đủ. Đứng trước mối đe dọa của hải tặc và sự uy hiếp ngày càng lớn của Trung Quốc trên Biển Đông, Indonesia cần phải tăng cường thực lực hải quân của mình để chuẩn bị sẵn cho ngày tranh chấp trên Biển Đông lan rộng đến đất nước mình.
Tác giả bài viết, ông Syafiq Al Madihidj - chuyên viên cao cấp của Viện nghiên cứu các vấn đề Đông Nam Á thuộc Đại học Quốc gia Indonesia - cho biết, vấn nạn hải tặc đã tồn tại mấy chục năm trời. Các quốc gia thành viên đều nhận thức được tầm quan trọng của nhiệm vụ phòng chống cướp biển và bảo đảm an ninh hàng hải và đã tổ chức hàng chục hội nghị, thảo luận và ký kết các hiệp định hợp tác trong khu vực. Thế nhưng, hải tặc vẫn là vấn nạn nhức nhối.
Tàu hộ vệ lớp SIGMA 9113 (số hiệu 365) của Hải quân Indonesia. |
Ông cho rằng, cơ chế hợp tác nhiều bên này chủ yếu tập trung vào phần ngọn chứ không phải là phần gốc, các bên chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hợp tác quân sự và chính trị giữa các quốc gia, bỏ qua phương diện kinh tế xã hội, bộc lộ những điểm yếu chí mạng trong đối phó, với những đe dọa phi truyền thống.
Al Madihidj kêu gọi Chính phủ Indonesia không nên tiếp tục dựa dẫm vào cơ chế này, mà phải tự mình nỗ lực phát triển thực lực hải quân vững mạnh. Chỉ có phát triển lực lượng hải quân mới bảo đảm được an ninh và đối phó được với những mối đe dọa trên diện rộng trong tương lai, phát huy tối đa giá trị chiến lược của Indonesia trong khu vực Đông Nam Á.
Tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Hải quân Indonesia. |
Ông Al Madihidj nhấn mạnh, phát triển lực lượng hải quân cũng chính là để đối phó với mối đe dọa đang ngày càng gia tăng từ hải quân Trung Quốc. Ông cho biết, mức độ hiện đại hóa của hải quân Trung Quốc hơn Indonesia rất xa, trong bối cảnh này, vấn đề hiện đại hóa hải quân càng trở nên cấp thiết.
Về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, rõ ràng sự lớn mạnh của hải quân Trung Quốc với chiến lược “chống can dự/khu vực cấm” đã làm suy yếu nghiêm trọng thực lực của các nước Đông Nam Á và Indonesia cần phải đảm nhận trọng trách kiềm chế sự hung hăng của Trung Quốc.
Khinh hạm chủ lực của Hải quân Indonesia lớp Van Speijk. |
Tuy nhiên, trong kế hoạch phát triển, hiện đại hóa quân đội dài hạn, Indonesia chỉ đặt ra mục tiêu khiêm tốn là nâng cao khả năng phòng ngự của hải quân nước mình. Từ nay cho đến năm 2024, phát triển tàu hộ vệ, tàu tuần tiễu và tàu ngầm sẽ là trọng tâm phát triển của hải quân Indonesia. Điều này là không đủ để đối phó với những tranh chấp đang ngày càng leo thang giữa các nước trong khu vực với Trung Quốc.
Ông còn nhấn mạnh, nếu thực sự Indonesia muốn ngăn cản xung đột leo thang trên biển Đông thì nhất thiết phải tăng cường sức mạnh của lực lượng hải quân. Ngoài ra, khả năng can thiệp của 1 bên thứ 3 như Mỹ hoặc Ấn Độ vào điểm nóng tiềm tàng này đang ngày càng cao, nếu thực lực hải quân không mạnh Indonesia sẽ mất đi địa vị chiến lược quan trọng.
Tàu vận tải đổ bộ đa năng lớp Makassar. |
Hiện nay, tuy Indonesia và Trung Quốc không có tranh chấp gì trên Biển Đông nhưng không có nghĩa là nó không xảy ra vì hiện Trung Quốc đang tập trung vào những đối thủ khác. Vì vậy, Indonesia cần tập trung nâng cao năng lực tác chiến tổng hợp cho lực lượng hải quân nước mình, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Theo Phó đô đốc Amarullah Octavia, chỉ huy trưởng Lực lượng đặc nhiệm chiến đấu trên biển của Hạm đội miền Tây, các cuộc diễn tập quân sự của Indonesia, ví dụ như diễn tập “Rồng Komodo” 2014 phải chú trọng vào nhiệm vụ ngăn chặn nguy cơ Trung Quốc đòi chủ quyền vùng biển Natuna, tránh lặp lại vụ Sipanda - Ligitan. Chuẩn bị trước để đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông không bao giờ là quá sớm.
Theo An ninh Thủ đô